Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 14:8

Gia Bình: Đồng trũng thành vùng rau sạch, trái cây VietGAP

Là tỉnh phát triển mạnh công nghiệp nên diện tích đất nông nghiệp của Bắc Ninh còn lại không nhiều.

Song, ở khu đồng trũng, hoang hoá, cấy lúa một vụ năng suất bấp bênh, nông dân  huyện Gia Bình đã cải tạo trồng rau màu, cây ăn quả VietGAP, thu nhập 109 triệu đồng/ha/năm.

Ruộng trũng thành “bờ xôi, ruộng mật”

Ông Nguyễn Đắc Đoàn, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (xã Lãng Ngâm) cho biết, gia đình ông có 2.800m2 vườn, xung quanh trồng cây ăn quả, ở giữa là vườn rau VietGAP.

 

t38.JPG
Đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh thăm vườn dưa chuột của bà Yến.

 

Tuy nhiên, để có được cơ ngơi như ngày nay, ông Đoàn đã phải mua 1.600m3 đất bùn, nạo vét từ các lòng hồ nuôi cá trong thôn, xã, với giá 60.000 đồng/m3. Cứ gia đình nào vét ao thì ông xin đảm nhận và chở bùn về. Sau đó, mua 500 xe công nông cát ở các bến sông, giá 230.000 đồng/xe, trộn với bùn ao, tôn tạo thành vườn.  

Hiện, ông Đoàn đã hoàn thành khu vườn sạch và rất mướt mắt theo quy hoạch. Ở giữa trồng rau màu, mỗi vụ chỉ chăm sóc 1 lần là thu hái luôn. Gồm dưa chuột 2 lứa/năm, đã thu được 2 lứa, 5 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2), gấp 10 lần trồng lúa. Rau ăn lá: cải ngọt, rau muống đang thu hoạch, đầu ra không phải lo, vì đã có HTX bao tiêu, cung cấp cho các cửa hàng rau sạch ở TP. Bắc Ninh, Gia Bình, Quế Võ. Cùng với các loại rau mùa hè, ông Đoàn chuẩn bị xuống giống bắp cải 300m2.  

Ngoài diện tích rau, ông Đoàn còn trồng cây ăn quả như: xoài, bưởi, ổi. Hiện, xoài mới thu quả bói, khoảng 3 kg/cây; bưởi đang dưỡng sức, chỉ để 1 cây vài quả; ổi đã thu hoạch 1 năm nay, bình quân 15 triệu đồng/300 cây. Phân bón cho cây ăn quả được ông ngâm bằng đỗ tương, vừa tạo độ ngọt cho quả, vừa đảm bảo đạt tiêu chuẩn VietGAP.

“Sở dĩ phải trồng cây ăn quả xung quanh vườn là để dụ ong bướm, hạn chế phun thuốc BVTV. Đồng thời, phần đất trống giữa tán cây ăn quả và vườn rau trồng các cây gia vị như rau húng, tía tô, mùi tàu, ớt để tránh lãng phí”, ông Đoàn cho biết thêm.

Cùng thôn với ông Đoàn, gia đình bà Nguyễn Thị Yến trồng 5 sào dưa chuột bao tử, trong đó có 3 sào đang thu hoạch, đồng thời, chuẩn bị làm bầu đất để trồng lứa mới. Tham gia HTX, bà được hướng dẫn cách làm bầu để gieo hạt, cây sống khoẻ mới đem ra ruộng trồng.

Cách làm bầu đất khá đơn giản, sau khi phơi đất khô, đem tán nhỏ, trộn với phân chuồng ủ hoai mục, cho vào hốc gieo hạt trong khay xốp. Sau 10 ngày, cây được 2 lá mầm đem ra trồng. Cách làm này tốt hơn gieo thẳng, vì cây xấu được loại ngay từ đầu, nếu gieo thẳng hạt nảy mầm, hạt không, phải dặm lại rất mất thời gian.

“Từ đầu năm đến nay, tôi thu hoạch 9 tấn dưa bao tử, trị giá trên 100 triệu đồng/4 tháng/2 lứa. Từ nay đến hết năm còn 2 lứa nữa. Sau đó sẽ chờ kế hoạch của HTX về cây trồng mới, vì còn phụ thuộc vào đơn đặt hàng của khách”, bà Yến nói.

Chung tay làm giàu

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngăm Mạc, ông Nguyễn Đắc Thành, cho biết: “Bắc Ninh còn 4 huyện có khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp: Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ, Thuận Thành; trong đó, Gia Bình là địa phương có mô hình sản xuất nông sản sạch nhiều nhất, tiếp đến là Lương Tài, 2 huyện còn lại ít hơn. Hiện, HTX có 300 thành viên, với tổng diện tích canh tác 71ha. Trong đó, có 20 ha cây ăn quả, 13ha lúa, 20ha chuyên canh rau màu, còn lại là các mô hình khác.

 

t39.JPG
Thăm vườn rau xã Lãng Ngâm.

 

Trước đây, thành viên hoạt động nhỏ lẻ, tự phát, mạnh ai nấy làm. Năm 2016, HTX được kiện toàn lại; năm 2017 thực hiện dồn đổi ruộng đất. Đến nay, hộ nhiều nhất đạt 10ha, hộ ít nhất 528m2. Đặc biệt, đã chuyển đổi được 50% diện tích cấy lúa năng suất bấp bênh sang trồng các loại cây có giá trị cao, chỉ còn 13ha lúa”.   

Ngoài ra, để quản lý tốt đầu vào, HTX đã cung ứng vật tư nông nghiệp cho thành viên trong danh mục cho phép. Hiện có 36 mô hình rau sản xuất VietGAP (có sự giám sát chéo lẫn nhau), còn lại sản xuất rau an toàn. Đầu ra khá thông thoáng, giá rau an toàn so với rau thường cao hơn 30%; đưa vào hệ thống siêu thị khoảng 30%, có mức giá trung bình chỉ cao hơn rau ngoài 10%; 30% vào các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch; còn lại 40% bán ở chợ truyền thống.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh, ông Vũ Thái Ninh, cho biết: “Do tốc độ phát triển công nghiệp diễn ra nhanh, diện tích gieo trồng của tỉnh giảm dần qua các năm, từ 88.033ha (năm 2014) xuống còn 78.580ha (năm 2020). Song, nhờ đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuât và biện pháp thâm canh, chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất trồng trọt/ha tăng từ 89 triệu đồng (năm 2014) lên 109 triệu đồng (năm 2020).

Năm 2020, Bắc Ninh gieo cấy ước đạt 65.000ha lúa, giảm 10,8% so  năm 2014. Với mục tiêu sản xuất bền vững, tỉnh mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt, giảm diện tích lúa tẻ thường. Khuyến khích tích tụ đất đai, liên kết chuỗi sản xuất, đưa công nghệ cao vào sản xuất. Do vậy, các giống lúa năng suất, chất lượng cao chiếm tới 60,7%, tăng 32,4% so năm 2014. Năng suất bình quân đạt 61,7 tạ/ha, tăng 1% so năm 2014. Sản lượng đạt 403.000 tấn, bằng 90,4% so năm 2014".

Ông Ninh cho biết thêm, diện tích rau đậu các loại năm 2020  ước đạt 10.200ha, tăng 4,8% so năm 2014. Cây hàng năm khác: hoa, cây cảnh 686,2ha, tăng 205,4%. Cây ăn quả 2.350,5ha, tăng 316,5ha, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đến trên tỷ đồng/năm.

 

Do chuyển đổi tích cực theo hướng thâm canh, hàng hóa, Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều vùng sản xuất tập trung: vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng chuyên canh rau màu, vùng hoa, cây cảnh...

Bắc Ninh hiện có 71 vùng sản xuất rau, màu chuyên canh quy mô 5ha trở lên, sản phẩm chủ lực là các loại rau ăn lá, củ, quả, gia vị như cải bắp, cà chua, su hào, khoai tây, cà rốt, hành, tỏi...

Tỉnh có 14 cơ sở sản xuất rau an toàn được cấp chứng nhận VietGAP hoặc tương đương, tổng diện tích 91,2 ha.

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top