Nhờ nỗ lực trong chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, bà Hoàng Thị Quản ở thôn Làn 1, xã Khánh Yên Trung (Văn Bàn - Lào Cai) đã biến thất bại thành kinh nghiệm, xây dựng thành công trang trại tổng hợp cho doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm.
“Thua keo này, bày keo khác”
Thôn Làn 1 vốn là vùng đất trù phú của đồng bào Tày. Với tính cần cù chịu khó, gia đình nào cũng có vườn cây, ao cá.
Bà Hoàng Thị Quản kể lại: “Những năm trước, người dân trong thôn chủ yếu nuôi, trồng những cây, con truyền thống như: gà, vịt, ruộng lúa, nương ngô, rừng luồng, đồi cọ..., tuy cho thu nhập ổn định nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ phong trào chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, gia đình tôi cùng một số hộ dân trong thôn đầu tư nuôi vịt bầu cổ nhung xanh (giống vịt địa phương, đẻ trứng to, thịt thơm ngon). Tận dụng 1.000m2 mặt nước và nguồn thức ăn rau cỏ quanh nhà, gia đình nuôi đàn vịt gần 100 con. Sau 6 tháng chăn thả, vịt mới bắt đầu đẻ trứng, mỗi ngày 60-70 quả, giá bán trung bình 3.500 đồng/quả, thu nhập hơn 2 triệu đồng. Được hơn một năm, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư, vận chuyển... tăng, giá trứng cũng không thể tăng nhiều hơn nữa, thương lái đi thu mua trứng giảm, chúng tôi muốn tăng đàn cũng khó, khiến từ chỗ nuôi vịt có lãi đến bị lỗ nặng phải bỏ đàn”.
Sau nuôi vịt, bà Quản mạnh dạn nghĩ hướng phát triển kinh tế khác. Tìm hiểu thị trường và được cán bộ khuyến nông tư vấn, bà Quản chuyển sang nuôi lợn. Ban đầu, gia đình bà mua hơn chục con lợn giống, vẫn tận dụng được nguồn thức ăn như: ngô, lúa, rau cỏ có sẵn, mỗi lứa lợn đến khi xuất chuồng được hơn tạ/con, bán với giá 70.000 – 80.000 đồng/kg, thu về gần 100 triệu đồng. Tính sơ sơ một năm 2 lứa, gia đình bà cũng thu được 150 triệu đồng. Nhưng rồi do dịch tả lợn châu Phi, năm 2019, nhà bà Quản lại gạt nước mắt khi hơn 1 tấn lợn đến độ xuất bán phải mang tiêu hủy. “Nghĩ đến công sức chăm sóc 15 con lợn, đến ngày mỗi con hơn 1 tạ phải tiêu hủy mà xót xa thắt cả ruột gan. Thế là lại mất trắng gần 100 triệu đồng”, bà Quản thở dài nói.
Nhưng những thất bại ấy không làm nản lòng bà Quản mà ngược lại, làm cho bà có thêm động lực và kinh nghiệm. Bà chia sẻ: “Trước đây, chỉ làm ăn truyền thống, tự cung tự cấp, chúng tôi không dám nghĩ đến đầu tư vốn, làm hàng hóa... vì sợ đủ thứ. Từ khi mạnh dạn làm rồi học hỏi dần, với kinh nghiệm đã có, giờ đây người dân chúng tôi đã hiểu phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế có sẵn của địa phương chứ không phải cao xa gì và muốn cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập nhất định phải chuyển đổi cây, con giống mới”.
Với 16 triệu đồng được đền bù từ tiêu hủy lợn, bà Quản tiếp tục tính bài toán kinh tế khác. Bà quyết định dùng 10 triệu đồng mua một vạn cây quế giống trồng thay thế gần 4ha luồng, còn lại 6 triệu đồng đầu tư nuôi vịt thịt.
Nông dân 4.0
Gia đình bà Quản 5 khẩu, đang canh tác 0,8ha ngô và 2000m2 lúa. Mỗi năm thu hoạch 2 tấn ngô và gần 3 tấn thóc/2 vụ, bán cũng được gần 30 triệu đồng nhưng bà Quản bảo: “Toàn bộ ngô và thóc vừa đủ gia đình tôi sử dụng và để nuôi thêm 4 lứa vịt mỗi năm. Với 70-80 vịt giống, sau 3 tháng chăn thả, cho ăn cám, ngô nghiền, thân chuối băm..., gia đình thu được 1,6 tạ vịt thịt, với giá bán trung bình 55.000 đồng/kg, thu được gần 8 triệu đồng”. Đầu tư nuôi vịt thịt, gia đình bà lãi được 35 triệu đồng/năm. Số tiền này lại được bà sử dụng tiếp tục đầu tư nuôi cá. Trong khi nhiều hộ khác cho rằng nếu nuôi vịt thì không nên nuôi cá, vì vịt xuống ao sẽ ăn hết cỏ của cá, bà Quản vẫn mạnh dạn mua các loại: trắm, chép, rô phi đơn tính... về thả. Năm đầu tiên, từ 7 triệu tiền cá giống đã cho thu lãi 25 triệu đồng, gia đình bà bắt tay vào tháo cạn nước, kè lại bờ, cải tạo ao 1.000m2 và trồng cỏ voi để nuôi cá.
Ở tuổi 60, độ tuổi mà trước đây được dân làng coi là cao niên, bà Quản vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và không ngừng học hỏi. Nhờ ham học hỏi và tìm hiểu trên internet, bà học được vô số kinh nghiệm và cách xử lý vấn đề trong trồng trọt, chăn nuôi, biết thêm nhiều kiến thức từ những mô hình kinh tế khác. Bà không chỉ sử dụng thành thạo Facebook, Zalo như kênh bán hàng hiệu quả mà còn biết sử dụng để quảng bá, giới thiệu về chất lượng sản phẩm của gia đình mình.
Bà Bảo: “Cá lớn đến đâu hết đến đấy, cá trắm thì khoảng 3 - 4kg/con, cá chép hơn 2kg/con là tôi xuất bán. Khi có hàng tôi chỉ việc đăng ảnh và thông báo lên facebook là thương lái đăng ký đến mua tận nơi, không phải mang đi tìm nguồn tiêu thụ nữa”.
Không chỉ có đàn vịt và ao cá, 4ha quế của gia đình bà cũng đang xanh um, phát triển tốt. Ngoài 3 ha quế bà mới trồng được 1 năm thì có 1ha quế đã được 5 năm đang cho thu nhập 100 triệu đồng. Bà nhẩm tính, thu nhập tất cả cộng lại cũng hơn 200 triệu đồng. Nhìn mô hình kinh tế tổng hợp đang trên đà phát triển cho thu nhập ổn định, bà Quản biết mình đã đi đúng hướng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.