Dẫu đã được chứng nhận trái cây sạch đạt chuẩn VietGAP cả năm trời, một hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất xoài sạch cũng đã ra mắt, đi vào hoạt động, vậy nhưng trái xoài chuẩn quốc gia đầu tiên ở An Giang mang tên xoài sạch VietGAP - Bình Phước Xuân vẫn cứ lao đao cả về đầu ra sản phẩm lẫn việc thường xuyên bị đánh đồng chất lượng với xoài thường. Vậy, nguyên nhân là do đâu?
Ngay từ trên cây, quả xoài được bao gói cẩn thận để bảo đảm sạch, chuẩn.
Xoài sạch bán giá thường
Trao đổi với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX sản xuất trái cây GAP - Bình Phước Xuân (huyện Chợ Mới, An Giang) Nguyễn Hoàng Liệt, cho biết: “Trước đây, người dân chủ yếu trồng xoài Cát Chu, xoài hòn hiệu quả không cao. Từ cái khó ló cái khôn, 5 năm gần đây đã đưa giống xoài ba màu vào trồng xen canh, cấy ghép với xoài Cát Chu cho trái to và năng suất khá cao, bình quân 20 tấn/ha/năm. Đến nay, hầu hết diện tích xoài của huyện Chợ Mới đều chuyển sang trồng giống xoài ba màu. Ngay từ những ngày đầu chuyển đổi, chúng tôi đã có sự bàn bạc cùng nhau là phải trồng trái cây sạcah cho nên đã nhờ ngành nông nghiệp, khuyến nông và Hội Làm vườn hướng dẫn cách sản xuất nông nghiệp sạch, theo đúng chuẩn quốc gia. Vậy nhưng, ròng rã nhiều năm trời, cách hướng dẫn sản xuất VietGAP rất nhiêu khê, bà con đăng ký ban đầu khoảng 50 hộ, nhưng khi chính thức được công nhận chuẩn thì chỉ còn 9 hộ với 7,5ha. Với 9 hộ này, chúng tôi đã chuyển từ tổ sản xuất lên HTX để mở hướng tiên phong cho sản xuất trái cây sạch”.
Cùng sự hướng dẫn của các kỹ sư, kỹ thuật viên nông nghiệp, trái xoài sạch đúng chuẩn quốc gia VietGAP đầu tiên ở An Giang ra đời khiến người dân rất phấn khởi. Anh Trần Khánh Dư, một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình hồ hởi chia sẻ: “Tôi vốn là kỹ sư nông nghiệp cho nên khi các chú, bác ở quê rủ tham gia trồng xoài sạch VietGAP, tôi tham gia ngay. Vừa giúp bà con sản xuất xoài sạch, vừa làm kinh tế và nhất là ứng dụng kiến thức đã học, tiến bộ kỹ thuật để giúp quê hương. Ngay những vụ đầu, xoài sạch VietGAP được thương lái mua giá khá cao. Nhưng chỉ được một, hai vụ đầu, sau đó thì trái xoài VietGAP cũng chỉ bán với giá bằng xoài lô, sản xuất đại trà vì nhiều lý do khác nhau cho nên nhiều hộ chán nản”.
Xây dựng thương hiệu xoài VietGAP
Giá bán là yếu tố đầu tiên mà Chủ nhiệm HTX sản xuất trái cây GAP - Bình Phước Xuân Nguyễn Hoàng Liệt trăn trở: “Xoài tốt là xoài đỏ, bình quân cũng chỉ 50.000 đồng/kg, xoài vàng 40.000 đồng/kg và xoài xanh 35.000 đồng/kg. Đó là sản xuất chuẩn GAP, còn thương lái thì họ mua xoài GAP, trộn lẫn xoài thường giá thấp hơn cả chục nghìn/kg. Ra thị trường lại bán với giá là xoài chuẩn GAP. Sở dĩ có tình trạng nêu trên vì sản lượng xoài chuẩn VietGAP ở đây đâu có nhiều, còn thương hiệu riêng thì chưa có, nói chuẩn GAP thì vậy, nhưng thực chất chỉ có 9 hộ trồng thôi, còn hàng nghìn hộ khác chưa đạt. Thêm vào đó, mình làm ít, sản phẩm không thương hiệu thì nói gì tới việc đưa vào các thị trường khó tính, siêu thị lớn hay xuất khẩu. Bán ra ngoài thì phải cạnh tranh với xoài sản xuất thường. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu riêng. Chuẩn sản xuất có rồi thì nhận diện thương hiệu là cái thứ hai, bắt buộc phải có để tránh “vàng thau lẫn lộn”. Vậy mà đến nay, chúng tôi đã gõ cửa khắp nơi nhưng cũng chưa nhận được sự giúp đỡ nào”.
Một vấn đề khác khiến giá bán không như mong đợi của những hộ dân theo HTX sản xuất xoài sạch chính là do sản lượng quá ít cho nên nhiều nhà đầu tư, chế biến, thu mua xuất khẩu vào tìm hiểu rồi lại đi. “Với 7,5ha chuẩn VietGAP, năng suất bình quân khoảng 2 tấn/ha, một năm hai vụ tròm trèm 30 tấn, không đáp ứng yêu cầu số lượng lớn” - nhiều nhà đầu tư nói.
Theo ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Bình Phước Xuân: “Địa phương có kế hoạch đến cuối năm 2016 vận động 60 nông dân tham gia phát triển thêm 70 ha xoài trồng theo quy trình VietGAP, bà con rất phấn khởi. Từ nay đến cuối năm, xã và Phòng Nông nghiệp huyện sẽ chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh khảo sát tiến hành tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây theo tiêu chuẩn VietGap... cho 60 nông dân và phấn đấu đến năm 2020 chuyển toàn bộ diện tích 813ha xoài của xã Bình Phước Xuân sang trồng theo tiêu chuẩn VietGap, để có trái cây ngon, chất lượng, an toàn, có thị trường tiêu thụ ổn định, xuất khẩu ra nhiều nước, đồng nghĩa với tăng thu nhập cho người trồng. Vì vậy, những thành viên HTX sản xuất xoài sạch Bình Phước Xuân mong Sở Khoa học và Công nghệ An Giang và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sớm giúp nông dân trồng xoài Bình Phước Xuân nói riêng và huyện Chợ Mới (An Giang) nói chung xây dựng thương hiệu xoài sạch, nhằm phát triển nhanh, mạnh hơn thương hiệu trái cây sạch, ngon, chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập.
Bảo Trị
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.