Kinh tế VAC hiện đóng góp trên 65% sản lượng xuất khẩu rau, quả, thủy sản của cả nước, giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động ở nông thôn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, xây dựng nông thôn mới.
Dù vậy, dư địa phát triển kinh tế VAC còn rất lớn, thời gian tới, các cơ quan chức năng, nhà sản xuất cần áp dụng nhiều giải pháp để phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm cho lĩnh vực kinh tế quan trọng này.
Điểm sáng
Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam, cho hay, tại miền Bắc, phong trào làm VAC phát triển sớm, ngày càng mở rộng cả về quy mô và chất lượng, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với hàng trăm loại sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm làng nghề được hình thành và phát triển từ mô hình kinh tế VAC.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2017- 2020, cả nước có gần 550.000ha đất lúa được chuyển đổi sang nuôi trồng các cây, con khác, có giá trị kinh tế cao hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tạo nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Kinh tế VAC đã đóng góp trên 65 % sản lượng xuất khẩu rau, quả, thủy sản của cả nước, tạo việc làm và thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân với hàng chục triệu lao động ở khu vực nông thôn, góp phần quan trọng vào chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhất là tại những địa phương thuộc diện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh ứng dụng KHCN, liên kết chuỗi giá trị nhằm phát huy lợi thế của từng vùng, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người nông dân.
Tân Yên (Bắc Giang) hiện có 37 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà lưới; hình thành 33 vùng sản xuất rau, quả tập trung (631ha) gắn với chế biến, sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, thu nhập bình quân 120 - 150 triệu đồng/ha/vụ...
Hay ở Sơn La, đến năm 2019, tỉnh có gần 32.000ha trồng cây lương thực chuyển sang trồng cây ăn quả. Nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng trong sản xuất như: sử dụng giống cây ăn quả mới năng suất cao, chất lượng tốt, thực hiện ghép cải tạo vườn cây bằng giống mới; tưới nước tiết kiệm, trồng cây trong nhà màng, nhà lưới….
Hiện, Sơn La có gần 200 HTX trồng cây ăn quả với diện tích 5.280ha; tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 39 chuỗi cung ứng sản phẩm quả an toàn với diện tích 807 ha; 70 doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh QR Code. Giá trị xuất khẩu nông sản 8 tháng năm 2021 ước đạt 90,05 triệu USD.
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp lên tới 41 tỷ USD, trong đó, rau quả đạt trên 8 tỷ USD, qua đây thấy được vai trò của nghề làm vườn. Sản lượng quả ngày càng tăng, chất lượng càng tốt, giá trị xuất khẩu ngày càng cao. Điều đó thấy được ngành nông nghiệp nói chung, nghề vườn nói riêng đã giúp cho nông dân, hội viên Hội Làm vườn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế VAC
Bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế VAC nói chung và kinh tế vườn nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập như: phần lớn quy mô còn nhỏ lẻ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính tự cấp tự túc; việc ứng dụng KTCN tiên tiến chưa mạnh và chưa đồng bộ, nhất là khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc còn rất yếu nên năng suất, chất lượng chưa đồng đều, giá trị và sức cạnh tranh thấp…
Tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp trực tuyến với chủ đề “Giải pháp ứng dụng KHCN nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế VAC” diễn ra mới đây, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đề xuất một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế vườn và VAC trong thời gian tới: Tăng cường quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách về kinh tế VAC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông và khuyến nông trong phát triển kinh tế vườn; xây dựng và phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các đối tác với vai trò nông cốt là các doanh nghiệp, HTX và người sản xuất.
Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhấn mạnh, cần tăng cường nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất VAC. Các cơ quan nghiên cứu khoa học cần tập trung nghiên cứu, phát triển các giải pháp KHCN giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật cho nghề vườn, đặc biệt là các giống cây trồng mới chất lượng tốt, sạch sâu bệnh, các thuốc BVTV sinh học, các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, vi lượng phù hợp cho từng nhóm cây vườn…
Với cây ăn quả, cần đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để kéo dài thời gian bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch. Các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện Việt Nam giúp người sản xuất chuyển đổi sang làm vườn hữu cơ cần được quan tâm nghiên cứu và phát triển, vì đây là vấn đề rất mới mẻ đối với nước ta.
“Hãy là người làm vườn thân thiện với khí hậu. Đây là một trong những giải pháp chủ động, hiệu quả nhất để người làm vườn vừa thích ứng với BĐKH, vừa góp phần ngăn chặn các nguyên nhân thúc đẩy BĐKH, vừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là khẩu hiệu được Hội Làm vườn của nhiều nước trên thế giới đưa ra để định hướng cho người sản xuất bằng hành động thực tiễn của mình, góp phần phát triển bền vững nghề làm vườn trong điều kiện BĐKH”, ông Hồng nói.
Theo các chuyên gia, để phát triển cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững, cần ưu tiên trồng tái canh, cải tạo giống theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái, thích ứng với BĐKH, nâng cao tính cạnh tranh và góp phần cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Cùng với đó, tổ chức lại sản xuất, tạo liên kết đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả cao giữa sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ATTP, tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận, đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn Hồng đề nghị, các cấp Hội Làm vườn cần quan tâm, thay đổi tư duy của hội viên từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chúng ra phải tác động vào khoa học kỹ thuật để đảm bảo năng suất nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sơ chế bảo quản, làm được như vậy, mới phát triển nghề vườn một cách bền vững.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết, những năm gần đây, nghề làm vườn ở Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nghề làm vườn và sản phẩm từ vườn ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Để nghề làm vườn phát triển bền vững, việc ứng dụng khoa học công nghệ là vô cùng quan trọng, nó đảm bảo cho năng suất, an toàn thực phẩm, đảm bảo bảo vệ môi trường. |
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.