Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 4 năm 2017 | 1:39

Giải pháp phát triển cà phê bền vững: Liên kết chuỗi trong đồng bộ

Sản xuất cà phê đạt chứng nhận đã chứng minh được hiệu quả nhiều mặt khi vừa giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Và các tổ hợp tác, hợp tác xã là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị này, là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng những hợp tác xã như vậy ở vùng trọng điểm trồng cà phê Tây Nguyên chưa nhiều.

Liên kết các nhóm hộ trồng cà phê trong các tổ hợp tác, HTX sẽ giúp nâng cao giá trị cạnh tranh và chất lượng sản phẩm.

Liên kết đã thành xu hướng

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, các tỉnh vùng Tây Nguyên hiện có 1.224 tổ hợp tác và 401 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trong lĩnh vực chuyên canh cây cà phê có 71 HTX, nhiều đơn vị đã liên kết với các doanh nghiệp, dần khẳng định được thương hiệu và thâm nhập thị trường các nước, tạo thu nhập khá cho các thành viên.

Điển hình như HTX sản xuất cà phê bền vững Ea Kmát (xã Hòa Đông, Krông Pak, Đắk Lắk) được thành lập tháng 6/2014, với 99 hộ, 144ha cà phê. Ngay khi bước vào hoạt động, HTX đã chú trọng thắt chặt mối liên kết hộ, hướng nông dân sản xuất cà phê bền vững theo chứng nhận Fairtrade (chứng nhận thương mại công bằng), với cơ chế hoạt động mới mẻ. Các thành viên vẫn làm chủ mảnh đất của mình, tham gia đóng góp vốn; được hỗ trợ chi phí sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật... và quan trọng hơn là sản phẩm của các hộ thành viên được bảo đảm đầu ra ổn định với giá thu mua cao hơn giá thị trường. Nếu trước kia, 1ha cà phê của các thành viên chỉ đạt khoảng 2 - 2,5 tấn nhân thì từ khi tham gia HTX, năng suất đạt 3,5 tấn/ha, chất lượng sản phẩm được đánh giá tốt.

HTX nông nghiệp dịch vụ Công Bằng (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) được thành lập tháng 3/2011, lúc đầu chỉ có 48 hộ sản xuất cà phê bền vững với tổng diện tích 91,1ha, sản lượng đạt 360,5 tấn. Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, nhiều hộ khác đã xin gia nhập. Đến nay, HTX có 97 thành viên, trong đó có 4 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng diện tích trồng cà phê của HTX là 183,3ha, tổng sản lượng 722,2 tấn; vốn điều lệ từ khi thành lập đã tăng từ 551 triệu đồng lên 1,4 tỷ đồng.

Một trong những điều khiến các hộ sản xuất cà phê yên tâm nhất khi tham gia vào HTX là không phải lo lắng về đầu ra. Với sự hỗ trợ của Công ty TNHH Dak Man Việt Nam, HTX đã áp dụng sản xuất cà phê theo chứng nhận Fairtrade. Nhờ đó, các hộ sả­n xuất đã tăng thu nhập, giá bán sản phẩm ổn định, có những năm giá bán tăng hơn so với thị trường từ 2.500 - 3.000 đồng/kg.

Ngay từ khi mới thành lập, HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (Nam Bình, Đắk Song, Đắk Nông) đã liên kết với Công ty cà phê Nestlé và Công ty cà phê Neuman sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê thế giới). Bộ tiêu chuẩn này tập trung vào 3 phương diện: xã hội, môi trường và kinh tế. Việc trồng cà phê phải bảo đảm tuân thủ đúng theo quy trình, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học vì vừa gây lãng phí vừa ảnh hưởng tới môi trường và khó tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến thời điểm này, HTX có khoảng 200 thành viên, với 250ha cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C. Lợi ích đầu tiên thu hút người dân tham gia trồng cà phê theo tiêu chuẩn 4C chính là kinh tế. Thực tế mô hình trồng cà phê 4C cho thấy, người trồng tiết kiệm được lượng phân bón từ 10 - 20% so với cách bón thông thường; thuốc BVTV cũng giảm được 50 - 60% so với cách phun truyền thống; tiết kiệm được 40% lượng nước tưới.

Bình quân, với 1ha cà phê được trồng theo tiêu chuẩn 4C, người dân sẽ tiết kiệm được 14 - 26 triệu đồng đầu tư và năng suất tăng từ 10 - 15%, giá cà phê nhân cao hơn thị trường. Nhờ vậy, các thành viên luôn yên tâm sản xuất và ngày càng có mối quan hệ gắn bó hơn với HTX.

Theo đánh giá của TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các HTX đã thể hiện tốt vai trò của mình trong phát triển cà phê bền vững khi vận động nông dân cam kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế như UTZ Certified, 4C, Thương mại công bằng. Đến nay, đã có trên 297.000ha cà phê sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế (197.000ha thực hiện UTZ, 60.000ha thực hiện 4C và 40.000ha thực hiện Rainforest) với sản lượng trên 600.000 tấn cà phê nhân được chứng nhận.

Chưa thay đổi phương thức hoạt động

Tuy nhiên, ông Khởi cho rằng, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân, các tổ chức của nông dân, các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hiện nay, nhu cầu liên kết là rất lớn, tuy nhiên, số các HTX thực hiện liên kết được với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm còn ít. Nông dân đa số vẫn phải “tự làm, tự bán” là chính, dẫn đến rủi ro nhiều trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập.

Nhiều HTX nông nghiệp còn lúng túng trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt để đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp còn hạn chế: Do hiệu quả hoạt động hạn chế, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao nên người nông dân chưa hăng hái tham gia, gắn bó với HTX.

Khung pháp lý và hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển HTX chưa phù hợp và thiếu đồng bộ: Chính sách hỗ trợ HTX tuy nhiều nhưng chưa đủ mạnh và không đồng bộ, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để hỗ trợ mạnh mẽ và thiết thực cho HTX nông nghiệp nói chung và các HTX chuyên canh cà phê nói riêng phát triển.

Còn theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, phần lớn các HTX nông nghiệp hiện nay chưa có sự thay đổi về phương thức hoạt động, tư duy hoạt động còn nặng về hành chính, bao cấp theo phương thức HTX kiểu cũ. Đa số các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay mới chỉ tập trung hoạt động đối với các dịch vụ đầu vào, còn các dịch vụ rất quan trọng như: bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm, nên số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân ít.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này là do nhận thức về HTX nông nghiệp của các cấp, ngành và chính bản thân người nông dân về vai trò của HTX nông nghiệp chưa đúng với bản chất của HTX theo Luật năm 2012.

Tình hình vốn, quỹ của các HTX nông nghiệp còn khó khăn. Mức vốn bình quân của các HTX nông nghiệp thấp và chủ yếu là vốn tài sản cố định đã sử dụng lâu năm, nhà xưởng và thiết bị xuống cấp, lạc hậu. Chất lượng nguồn nhân lực thấp. Hiện nay đa số cán bộ chủ chốt HTX nông nghiệp có trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, ít được đào tạo.

Thúc đẩy hiệu quả hoạt động của HTX

Để các HTX hoạt động hiệu quả, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Liên kết chuỗi để phát triển cà phê bền vững”, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, trong đó các thành viên phải góp vốn vào HTX và được hưởng các lợi ích từ HTX đem lại như: chất lượng dịch vụ, tiết kiệm chi phí, đạt được giá bán tốt trên thị trường và sự ổn định thị trường đối với dịch vụ đầu vào, đầu ra cho các thành viên.

Vận động người trồng cà phê tham gia vào HTX và cam kết tạo ra giá trị tăng thêm cho cà phê của họ làm ra. Từ đó đưa các mô hình sản xuất bền vững cho cây cà phê như chứng chỉ 4C, VietGap, UTZ… mà các nước đã và đang áp dụng.

Thực hiện liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thông qua đó HTX tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ đầu ra cho các thành viên như: thu mua, bảo quản, chế biến sản phẩm, tiếp thị,...

Thành lập mô hình thí điểm liên hiệp HTX sản xuất cà phê quy mô vùng. Các HTX thành viên khi tham gia liên hiệp HTX quy mô vùng phải đảm bảo tổng số thành viên, vốn điều lệ, tổ chức, hoạt động phù hợp với quy định của Luật HTX năm 2012.

Ông Khởi đưa ra một gợi ý, để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, cần tăng cường cán bộ khuyến nông ở cơ sở có trình độ chuyên môn phù hợp đến làm việc tại các HTX thí điểm. Mời gọi các chuyên gia ngành nông nghiệp và các ngành khác liên quan thực hiện việc tư vấn cho HTX. Gắn kết các chương trình khuyến nông đào tạo nghề theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt cho cán bộ kỹ thuật của các HTX.

Phát triển, mở rộng liên kết sản xuất và đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ và thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các cấp chính quyền địa phương mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng về tiêu thụ nông sản thực hiện việc ký hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với các HTX; trong đó, doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào, vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, HTX chỉ đạo tổ chức sản xuất để đạt được sản lượng và chất lượng nông sản theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp xuất khẩu và thương mại xây dựng dự án phát triển vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn gắn liên kết với các HTX.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top