Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2017 | 2:27

Giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững các tỉnh ven biển miền Trung: Đa dạng đối tượng và phương thức nuôi

Theo đánh giá, các tỉnh ven biển miền Trung có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ. Dù mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng nghề nuôi tôm nơi đây cũng đang tồn tại nhiều bất ổn như hạ tầng vùng nuôi chưa ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp...

Mô hình nuôi tôm ở Phong Điền (Thừa Thiên - Huế).

Thế mạnh nuôi tôm nước lợ

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và PTNT), các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có điều kiện khá thuận lợi để nuôi tôm nước lợ, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh trên vùng đất cát, nuôi nhuyễn thể, cá biển. Năm 2016, diện tích nuôi mặn, lợ của 7 tỉnh đạt 15.608ha, sản lượng 38.911 tấn; diện tích nuôi nước ngọt 19.443 ha, sản lượng 32.675 tấn.

Riêng năm 2016, diện tích nuôi tôm nước lợ của vùng đạt 10.944,7ha, trong đó Thừa Thiên - Huế có diện tích nuôi tôm lớn nhất (2.937ha), tiếp đến là Quảng Nam (2.730ha), Hà Tĩnh (2.200ha). Tổng sản lượng tôm nuôi của vùng năm 2016 đạt 32.736 tấn. Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh phát triển mạnh ở Quảng Nam, trong khi đó, Thừa Thiên - Huế với lợi thế đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên có diện tích nuôi tôm sú lớn nhất (2.387ha).

Diện tích nuôi tôm trên vùng cát của 7 tỉnh năm 2016 đạt 2.045,7/10.926ha tiềm năng có thể nuôi, sản lượng đạt 23.778,7 tấn, năng suất cao nhất ở Quảng Nam, đạt bình quân 12 tấn/ha/vụ. Theo đánh giá, tiềm năng của nghề nuôi tôm trên cát còn lớn, khi diện tích tiềm năng chiếm 85,65% cả vùng. Riêng năm 2016, diện tích nuôi tôm trên cát chiếm 54,79%, sản lượng chiếm 57,02% cả vùng miền Trung.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, nghề nuôi tôm trên cát ở các tỉnh ven biển miền Trung vẫn tồn tại nhiều bất ổn, nếu không quản lý tốt có thể phát sinh nhiều hệ lụy như: Hạ tầng vùng nuôi tôm trên cát chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chưa có ao chứa, lắng, xử lý nước, bùn thải, dễ gây ra ô nhiễm môi trường; việc sử dụng thuốc, hóa chất tùy tiện trong sản xuất; chất thải chưa được xử lý đã thải trực tiếp ra môi trường dễ gây ô nhiễm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc phát triển không theo quy hoạch có thể làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phòng hộ ven biển và nguồn nước ngầm tại các khu vực này.

Nhân rộng các mô hình nuôi an toàn

Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, qua thực tế các mô hình do lực lượng khuyến nông triển khai thời gian qua, việc áp dụng các quy trình nuôi an toàn, hài hòa với môi trường sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức trong giai đoạn 2014 - 2016 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, mật độ nuôi 80 con/m2, cỡ P12, được kiểm dịch, có nguồn gốc rõ ràng. Sau 3 năm (2014 - 2016), dự án đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại 8 xã, quy mô 22ha, tại 55 hộ/cơ sở. Sau 90 ngày nuôi, năng suất tôm đạt 10,8 tấn/ha, cỡ thu hoạch 58,6 con/kg, tỷ lệ sống 78,6%. So với mô hình nuôi khác, mô hình không có dịch bệnh xảy ra, tỷ lệ sống và năng suất đều cao hơn khoảng 1,2 - 1,5 lần, lợi nhuận trung bình trên 500 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi luân canh tôm sú – rong câu được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai tại Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Quảng Trị, Ninh Thuận. Mật độ thả tôm sú 15 con/m2, cỡ P15, được kiểm dịch, nguồn gốc rõ ràng. Mật độ thả rong câu 0,5kg/m2. Kết quả, tỷ lệ tôm sú sống đạt từ 56 - 60%, cỡ thu hoạch 26 - 30 g/con, năng suất trung bình tôm sú 2,2 tấn/ha, rong câu khô 2,2 - 2,3 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế của mô hình đạt trung bình trên 200 triệu đồng/ha.

Mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh được xây dựng năm 2016 tại Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL, ấp NôPuôl, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ao nuôi được lót bạt xung quanh bờ và đáy; ao sau mỗi vụ nuôi tiến hành cải tạo rửa sạch bùn, đất phơi khô từ 7 - 10 ngày, sau đó tiến hành lấy nước từ ao chứa qua túi lọc để loại bỏ trứng cá tạp, tôm tép… Nước cấp vào ao đạt độ cao 1,5m. Mỗi ao được lắp 02 - 03 dàn quạt 10 cánh/1 dàn với công suất 1,5 - 2 mã lực/dàn. Sau đó tiến hành xử lý gây màu, thức ăn tự nhiên bằng chế phẩm sinh học với liều lượng 20 gr/1.000m3 nước, té đều khắp ao (20g chế phẩm sinh học được hòa với 50 lít nước kết hợp với 2kg mật đường, 2kg cám gạo sục khí 12 - 15 giờ, sau đó tạt đều khắp ao). Sau 4 ngày, tiến hành tiếp tục xử lý nước bằng chế phẩm sinh học với liều lượng như ban đầu. 1 ngày sau tiến hành thả giống, sử dụng men vi sinh trộn vào thức ăn với liều lượng 0,5 - 1g/1kg thức ăn.

Với mô hình này, tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tôm khỏe mạnh, đường ruột rõ nét và đầy, gan to có màu sẫm. Sau 90 ngày nuôi, tôm đạt cỡ 40 - 50 con/kg, tỷ lệ sống đạt 82 - 85%; năng suất đạt từ 15 - 20 tấn/ha. Lợi nhuận đạt từ 445 triệu đồng đến 1,48 tỷ đồng/ha (tùy mật độ nuôi).

Theo đánh giá, mô hình nuôi tôm thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường trong suốt quá trình nuôi, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Sử dụng chế phẩm sinh học để cho ăn và xử lý môi trường nhằm đảm bảo chất lượng nước, môi trường nuôi thủy sản, thức ăn tự nhiên trong ao phát triển mạnh sẽ làm giảm chi phí thức ăn; phân hủy chất hữu cơ trong nước, chất thải và đáy ao nuôi; bổ sung hệ vi sinh vật có lợi, tăng dinh dưỡng trong môi trường ao nuôi. Tăng cường sức khỏe, tăng khả năng kháng bệnh cho tôm giúp tôm ăn và tiêu hóa tốt hơn; giảm tỷ lệ phát sinh bệnh trên tôm; giảm chi phí sử dụng hóa chất, thuốc, điện, dầu.

Đa dạng đối tượng nuôi

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi là một trong những giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh ven biển miền Trung.

Hiện nay, biến đổi khí hậu, suy thoái và ô nhiễm môi trường, dịch bệnh nguy hiểm trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp. Nguồn nước ngọt, đặc biệt nguồn nước ngầm ngọt khu vực ven biển có xu hướng suy giảm về trữ lượng, nhiều nơi đã bị nhiễm mặn, sẽ là những thách thức rất lớn trong phát triển tôm trên cát. Môi trường biển cũng đang có chiều hướng xấu, ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ bị ô nhiễm gây khó khăn cho phát triên tôm trên cát. Các mâu thuẫn trong việc sử dụng tài nguyên, phát triển các ngành kinh tế như nông nghiệp với du lịch, công nghiệp và thủy sản, đặc biệt là ở các vùng ven biển ngày càng trở nên phức tạp và khó giải quyết. Thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và sản phẩm có chứng nhận; nhiều hàng rào thương mại, kỹ thuật.

Vì vậy, ông Sơn cho rằng, các tỉnh ven biển miền Trung cần phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và hiệu quả, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia. Đa dạng đối tượng nuôi và phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế, sinh thái trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh cụ thể của từng sản phẩm (nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng vùng đất cát có lợi thế, nuôi xen ghép tôm - cua - cá, nuôi nhuyễn thể, cá rô phi). Đẩy mạnh áp dụng nuôi có chứng nhận, phát triển các mô hình nuôi công nghệ cao, nuôi tuần hoàn tiết kiệm nước.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần rà soát, sửa đổi và xây dựng mới, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; các quy chuẩn/tiêu chuẩn kỹ thuật về giống, thức ăn; rà soát và quản lý thực hiện tốt quy hoạch về nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Tổ chức lại sản xuất trong NTTS, hướng dẫn xây dựng các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngang và dọc trong NTTS như các HTX, tổ hợp tác (mô hình đồng quản lý vùng phá Tam Giang; liên kết người nuôi - doanh nghiệp, là 1 ví dụ). 

Khởi công mới các dự án đã được phê duyệt trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung các đối tượng chủ lực (tôm, nhuyễn thể, rô phi..), hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản.

Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ sản xuất giống tôm, cá biển. Ban hành các quy trình nuôi tiên tiến và tổng kết, nhân rộng các mô hình nuôi hiệu quả, bền vững như các mô hình nuôi kết hợp tôm và cá, các đối tượng khác.

Ban hành/hướng dẫn khung lịch mùa vụ NTTS phù hợp với biến đổi khí hậu, tuân thủ quy trình kỹ thuật phù hợp để hạn chế thiệt hại trong điều kiện biến đổi khí hậu; coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, xác định phòng bệnh là chính thông qua các mô hình/phương thức nuôi phù hợp từng vùng/từng đối tượng.

Đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu, theo hướng các hiệp hội và doanh nghiệp là chủ thể trực tiếp tổ chức thực hiện, nhà nước giữ vai trò xây dựng cơ chế, chính sách và hỗ trợ các hoạt động.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top