Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 16:57

Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng nói gì khi 11 trí thức trẻ bị "bỏ rơi"?

11 trí thức trẻ, thuộc Đề án thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020 của Chính phủ, bị chấm dứt HĐLĐ sau 5 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cống hiến trí tuệ, tâm huyết tuổi thanh xuân để nhận lại sự nghiệt ngã…
 
Số phận của 11 trí thức trẻ tại tỉnh Cao Bằng sẽ đi đâu về đâu (sau 5 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ) theo Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi khi họ chính thức bị chấm dứt hợp đồng, khiến cho cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn.
 
Trong tâm trạng buồn bã, chị Phùng Thị Thu Hà cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, chị đăng ký thi vào Đề án 500 tri thức trẻ của tỉnh Cao Bằng, trải qua các vòng thi vô cùng ngặt nghèo, tôi may mắn có trong danh sách 15 đội viên trúng tuyển đề án trong tổng số gần 200 thí sinh tham dự.
 
UBND xã Việt Chu, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng - vùng sâu vùng xa giáp biên giới, điều kiện đi lại vô cùng khó khăn được chị Hà tình nguyện dấn thân, khát khao cống hiến.
 
Theo chị Hà, từ tháng 7/2015, bản thân rất vui mừng khi nhận quyết định đi làm dù phải vào vùng sâu, vùng xa công tác. Trong 5 năm gắn bó với địa phương, bản thân luôn được UBND xã Việt Chu nhận xét, đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ. Huyện Hạ Lang có kế hoạch bố trí tiếp công việc sau khi kết thúc hợp đồng sẽ được xét tuyển nếu có cơ chế. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Cao Bằng cho rằng do không có cơ chế nên các trí thức như chị Hà không xét tuyển vào làm việc.
phóng-viên-làm-việc-với-chủ-tịch-ubnd-và-đoàn-viên-trí-thức-trẻ-xã-cải-viên.jpg
Chủ tịch UBND và đoàn viên trí thức trẻ xã Cải Viên trong buổi làm việc với phóng viên.
Do phải công tác nơi vùng sâu, vùng xa, thế nên, 2 vợ chồng chị Hà phải thuê nhà ở, con nhỏ phải gửi nhờ cho ông bà nội chăm sóc, hoàn cảnh rất khó khăn. Hiện tại đang mang bầu đứa con thứ 2 hơn 7 tháng, những đồng lương ít ỏi từ chân làm nhân viên hợp đồng Phòng Tài chính mà UBND huyện tạo điều kiện từ lúc bị tỉnh Cao Bằng chấm dứt hợp đồng cho đến nay chẳng thấm vào đâu, nhất là kỳ sinh nở đang đến gần.
 
“Chúng tôi tình nguyện về vùng sâu, vùng xa để công tác mong muốn được phục vụ cho xã còn nhiều khó khăn, nhưng không hiểu vì sao những nỗ lực, tâm huyết đó không được tỉnh Cao Bằng ghi nhận và tạo điều kiện, ngược lại còn cho chấm dứt hợp đồng một cách không thuyết phục” – chị Hà thở dài.
 
Tương tự hoàn cảnh của chị Hà, anh Triệu Văn Vinh công tác ở xã Quý Quân, huyện Hà Quảng từ tháng 7/2015, được phân công giữ chức vụ tài chính - kế toán của xã. Sau 5 năm (60 tháng) công tác, anh được lãnh đạo xã đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và có văn bản báo cáo lên UBND huyện đề nghị bổ sung thêm 01 biên chế công chức địa phương để đảm bảo định biên và chế độ cho đội viên Triệu Văn Vinh khi được tiếp nhận thành công chức xã.
 
“Các đội viên rất tin tưởng vào chế độ chính sách Đề án nên mọi người đều hy vọng sau khi kết thúc đề án sẽ có cơ hội được xét tuyển vào biên chế để có cơ hội cống hiến lâu dài cho địa phương, vậy mà ai ngờ tỉnh lại chấm dứt hợp đồng. Do đó bản thân cảm thấy như bị bỏ rơi, bơ vơ không biết đi đâu về đâu” – anh Vinh nói.
 
Được biết, trong các xã có trí thức trẻ về cống hiến, đóng góp trí – lực xây dựng cho địa phương đổi mới, phát triển đều bày tỏ mong muốn và đề nghị cấp trên xem xét cho đội ngũ trí thức trẻ tiếp tục cống hiến và gắn bó lâu dài như: xã Đức Thông (huyện Thạch An); xã Quý Quân (huyện Hà Quảng); UNBD huyện Bảo Lâm...
 
Ông Trần Văn Hiệu, Chủ tịch UBND xã Cải Viên (huyện Hà Quảng), cho biết: Địa phương có 2 trí thức trẻ là Nông Thị Hường và Nông Thị Thu Nguyệt về công tác theo Đề án Trí thức trẻ. Quá trình công tác, 2 trí thức trẻ này nắm bắt công việc rất tốt và hiệu quả, nhanh nhạy.
 
“Cải Viên có 29 người mà chỉ có 2 người là được đào tạo chính quy đại học và thêm 2 trí thức trẻ này nữa là 4. Do trình độ đại học quá ít nên xã rất cần những trí thức trẻ có trình độ để vực dậy sự phát triển kinh tế - xã hội còn gặp muôn vàn khó khăn. Trong khi xã cần người có trình độ cao, ngược lại tỉnh chỉ đạo phải chấm dứt hợp đồng nên lãnh đạo địa phương ai cũng thấy tiếc nuối”, ông Hiệu bộc bạch.
 
 
Chưa có cơ chế  cho “con nuôi”?
 
Được biết, những năm trước đây, các thí sinh trúng tuyển trí thức trẻ phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn nghiêm ngặt với 189 thí sinh tham gia, cuối cùng tỉnh Cao Bằng cũng chọn ra được 15 thí sinh xuất sắc để đưa vào Đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020, theo Đề án thí điểm chọn 500 của Chính phủ phê duyệt năm 2013.
 
Sau 5 năm thực hiện, 15 trí thức trẻ chỉ còn lại 11 người, tuy nhiên, năm 2020, 11 người này đều nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động. Mặc dù, trong quá trình công tác tại địa phương, các trí thức trẻ này đều được đánh giá cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực mình được phân công.
 
Báo cáo Tổng kết đề án thí điểm tuyển chọn Trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 của tỉnh Cao Bằng khẳng định, trong 5 năm, các đội viên đều nỗ lực cống hiến cho địa phương, tích cực thực hiện công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Có trách nhiệm trong công việc, tận tâm tận lực tìm hiểu thấu đáo mọi nhiệm vụ được phân công; chủ động nghiên cứu nắm bắt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đề án đã tăng cường thêm nguồn nhân lực giúp xã thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Ngày 2/8/2020, Bộ Nội vụ có Công văn số 3841/BNV-CTTN về việc bố trí công tác đội viên Đề án 500 trí thức trẻ. Bộ có đề nghị các địa phương tiến hành kéo dài hợp đồng cho các đội viên đến khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng chỉ thực hiện rà soát nguyện vọng của đội viên nhưng không triển khai thực hiện. Việc chấm dứt hợp đồng giữa chừng khiến nhiều trí thức trẻ lao đao và lo lắng.
bà-đồng-thị-kiều-oanh-giám-đốc-sở-nội-vụ-tỉnh-cao-bằng-xem-các-trí-thức-trẻ-như-con-nuôi-nên-rất-khó-bố-trí-tiếp-tục-công-việc.jpg
Bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng xem các trí thức trẻ như ... con nuôi nên rất khó bố trí tiếp tục công việc.
Để có câu trả lời khách quan, phóng viên có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng và thật bất ngờ khi bà Đồng Thị Kiều Oanh, Giám đốc Sở Nội vụ Cao Bằng giải thích việc chấm dứt hợp đồng với trí thức trẻ tình nguyện: “…Con đẻ còn chưa chăm lo được thì nói gì đến con nuôi...”.
 
Theo bà Oanh, việc lựa chọn được hơn 10 đội viên trí thức trẻ là rất ngặt nghèo. Tuy nhiên, Cao Bằng thực hiện việc sáp nhập huyện, xã hiện dư dôi nhiều công chức cấp xã chưa biết sắp xếp vào đâu. 11 trường hợp này tỉnh vẫn thống nhất bắt buộc phải thanh lý hợp đồng. Không có giải pháp gì ngoài giải pháp hỗ trợ để cho các đồng chí đó nghỉ việc.
 
“11 đội viên này bọn tôi mới đề nghị Bộ Nội vụ thanh lý hợp đồng nhưng giờ vẫn chưa thanh lý, vẫn còn đang dùng dằng đã thanh lý đâu”, bà Oanh cho biết thêm.
 
Tuy nhiên, sau khi phóng viên cung cấp thông tin là 11 trí thức trẻ đã bị thanh lý chấm dứt hợp đồng từ tháng 6/2020 thì bà Oanh mới ngớ người ra và xem như mình không hề hay biết việc gì đang xảy ra với các trí thức trẻ đã dành cả trí tuệ, tâm huyết tuổi thanh xuân để cống hiền, dựng xây, phát triển kinh tế - xã hội cho vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng.
 
“Cao Bằng có cái khó của Cao Bằng, mình cũng thấy mệt lắm, mình cũng đang muốn xin đi làm việc khác còn chưa được bởi vì thấy áp lực quá…”, bà Oanh ca thán.
 
Với câu trả lời như thế này, cộng thêm những lời than vãn đã minh chứng về trình độ, năng lực của vị lãnh đạo cao nhất Sở Nội vụ tỉnh Cao Bằng. Nếu bà Oanh cảm thấy áp lực như vậy tại sao không làm đơn đề nghị với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng điều chuyển sang vị trí công tác khác?
 
 
 
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
Top