Từ ngày 25-27/11/2017, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức Ngày hội Trái cây Lục Ngạn lần thứ 2 năm 2017.
Cắt băng khai mạc ngày hội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội cho biết, nhờ phát triển cây ăn quả, hằng năm nông dân Lục Ngạn thu nhập từ trồng cây ăn quả hơn 3.000 tỷ đồng. Qua đó tạo sức bật mới cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới với nét đặc trưng riêng có của Lục Ngạn.
Ngày hội Trái cây Lục Ngạn năm 2017 là nơi quảng bá, giới thiệu đến đông đảo nhân dân sự đặc sắc, phong phú, đa dạng các loại trái cây chất lượng cao của tỉnh Bắc Giang nói chung và huyện Lục Ngạn nói riêng; tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân; tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Đồng thời, thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, từng bước xây dựng chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, của huyện theo hướng bền vững; giới thiệu các tiềm năng, lợi thế, các chính sách ưu đãi của tỉnh Bắc Giang và các huyện, thành phố trong tỉnh nhằm thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Huyện Lục Ngạn có vùng cây ăn quả đa dạng, bốn mùa cho trái ngọt, thơm ngon nổi tiếng với quy mô gần 27 nghìn hecta. Ngoài vải thiều là cây chủ lực, làm nên thương hiệu, uy tín, niềm tự hào của người Lục Ngạn, huyện còn có cam, bưởi, quýt... với sản lượng khoảng 40 nghìn tấn. Để có những trái ngon đặc trưng, ngoài ưu đãi của thiên nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu còn nhờ sự cần cù lao động, thông minh, ham học hỏi, có trách nhiệm của người dân nơi đây. Nhiều thương hiệu nông sản gắn liền với mảnh đất này như: "Vải thiều Lục Ngạn", "Cam - bưởi Lục Ngạn"... đã và đang ngày càng vươn xa.
Ngày hội sẽ diễn ra trong 3 ngày (25-27/11/2017), với nhiều nội dung, chương trình phong phú, có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, thương nhân.
Cũng trong buổi khai mạc ngày hội, 15 nông dân, doanh nghiệp tiêu biểu trong sản xuất, tiêu thụ nông sản của huyện Lục Ngạn được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh tặng Bằng khen.
Một số hình ảnh tại buổi khai mạc ngày hội:
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh tặng Bằng khen cho các nông dân, doanh nhân tiêu biểu.
* Các tham luận tại Hội thảo giải pháp phát triển bền vững vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang ứng phó với biến đổi khí hậu đều nhất trí với chủ trương cần khống chế, không tăng thêm diện tích cây ăn quả để chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Cùng đó, việc nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, phát triển giống cây ăn quả mới cho giá trị kinh tế cao cần được quan tâm đúng mức.
Ông Bùi Đức Long, phố Kép, xã Hồng Giang chia sẻ, là một trong những hộ trồng cam đầu tiên, lớn nhất huyện với hơn 15 ha nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm ra cách trị bệnh thối rễ trên cây cam ngọt. Nhiều năm nay, hễ cây mắc bệnh, các hộ như gia đình ông chỉ biết chặt bỏ, ngăn không cho lây bệnh sang cây khác. Ông đề nghị các nhà khoa học, các cấp, ngành quan tâm nghiên cứu, sớm tìm ra nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn loại bệnh nguy hiểm này, giúp người dân Lục Ngạn nâng cao giá trị sản xuất.
Quang cảnh hội thảo.
Vấn đề cung vượt quá cầu dẫn đến khủng hoảng thừa cũng khiến nhiều nhà vườn lo lắng. Trong đó, bài học lớn nhất là cây chanh đào hiện nay đang không có đầu ra, giá bán giảm từ 20 đến 30 nghìn/kg xuống còn vài ba nghìn đồng/kg mà vẫn khó tiêu thụ khiến nhiều hộ lâm vào khó khăn.
Qua tiếp xúc, nghiên cứu thực tế, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vàng lá, thối rễ và một số bệnh trên cây cam hiện nay chủ yếu do nấm và vi rút có hại gây ra. Cách phòng bệnh tốt nhất là quản lý chặt chẽ cây giống, người dân không nên tự ý sử dụng các loại giống cây trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, các nhà vườn cần hình thành các khu sản xuất tập trung, chú trọng vệ sinh môi trường để hạn chế dịch bệnh lây lan…
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là trên cây vải thiều, các nhà khoa học cho rằng, người dân có thể sử dụng một số cách như khoanh vỏ, trạm rễ vào khoảng tháng 11 hằng năm để kìm hãm sự phát triển lá của cây, giúp cây ra hoa, đậu quả đúng vụ. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phân bón lá trước thời điểm cây bật lộc đông để đón lượt hoa đầu. Với cây nhãn và một số cây có múi, người dân có thể sử dụng một số loại thuốc thân thiện với môi trường được bày bán rộng rãi hiện nay để thúc cây ra hoa, đậu quả đúng vụ.
Văn Hùng – Vương Trang - Văn Thương
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.