Sau khi thử nghiệm ghép cải tạo giống bơ 034 vào những cây bơ thực sinh (vốn không mang lại hiệu quả kinh tế) thấy, cây bơ được lai ghép sinh trưởng ổn định, phù hợp với điều kiện tự nhiên thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn, cho năng suất, chất lượng tốt.
Ngoài ra, một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã trồng mới giống bơ 034, hứa hẹn là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao.
Vốn có kinh nghiệm làm về cây giống ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), anh Hồ Sỹ Huế, Giám đốc Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên quyết định thử nghiệm ghép cải tạo giống bơ 034 vào những cây bơ bản địa không phát huy hiệu quả được trồng lâu năm tại vườn cây của gia đình nhà vợ ở thôn Nam Cường, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Sau 5 năm chăm sóc, tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, vườn bơ với 125 cây được ghép cải tạo của gia đình anh đã cho thu hoạch vụ thứ 3. Ngoài ra, anh trồng mới thêm khoảng 1,5 ha cây bơ 034.
Anh Huế cho biết, bơ 034 có giá trị kinh tế cao, năng suất 50-60 kg quả/cây, chiều dài quả 20 - 30 cm. Giá bán tại vườn dao động từ 60.000- 70.000 đồng/kg. Giống bơ 034 trồng trên đất Quảng Trị cho quả to, đều, thịt chắc, thơm và béo hơn so với được trồng ở nơi khác. Ngoài việc cung ứng giống cây trồng trên địa bàn, anh Huế còn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bơ cho người dân, đồng thời kiêm luôn việc bao tiêu sản phẩm.
“Năm 2020, Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên thu mua khoảng 1 tấn quả, nhưng năm nay dự kiến thu mua lên đến 30 tấn bởi nhiều vườn bơ trồng mới ở các địa phương đến kỳ thu hoạch vụ đầu tiên vào tháng 8/2021. Số lượng bơ chủ yếu được xuất bán cho hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh. Từ thời điểm này, các đơn vị đã liên tục gọi điện đặt hàng”, anh Huế cho biết.
Năm 2015, giống bơ 034 được Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên phối hợp với Phòng Trồng trọt (nay là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh đưa vào ghép cải tạo thử nghiệm trên 100 gốc bơ địa phương tại thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam), huyện Vĩnh Linh.
Từ hiệu quả thực tế của mô hình thử nghiệm, năm 2018, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh phối hợp với công ty tiếp tục thực hiện ghép cải tạo giống cây bơ 034 với diện tích khoảng 10 ha, đồng thời trồng mới 0,5ha giống bơ này.
Đến năm 2020, theo đề xuất của các hộ nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ triển khai trồng mới thêm 3,2 ha tại các xã Trung Nam, Kim Thạch, Hiền Thành từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển cây con chủ lực của tỉnh. Theo Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều, toàn huyện hiện có khoảng 15ha bơ 034 ghép và trồng mới. Qua theo dõi thấy, cây bơ ghép giống 034 phát triển tốt, cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cao. Diện tích bơ trồng mới sinh trưởng tốt, thích hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, nhiều vườn cây sắp đến kỳ thu hoạch.
Theo thống kê, Quảng Trị hiện có hơn 100ha bơ 034 ở các địa phương như Hải Lăng, Hướng Hóa, Gio Linh, Cam Lộ, bao gồm cả diện tích ghép cải tạo và trồng mới, trong đó nhiều vườn cây đã cho thu hoạch. Bơ 034 là loại cây trồng mới, phù hợp khi đưa vào trồng ở vùng đất đỏ bazan, tầng canh tác dày ở nhiều địa phương, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở Quảng Trị.
Cũng tại địa bàn xã Trung Nam, năm 2020, anh Nguyễn Văn Tĩnh (thôn Thủy Trung) đã đầu tư trồng mới khoảng 500 cây bơ giống 034 trên diện tích 1ha. Anh Tĩnh đã nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về giống bơ 034 khi có dịp tham quan mô hình thực tế của Công ty TNHH Cây giống Bảo Nguyên tại Lâm Đồng và theo dõi các mô hình thử nghiệm ghép cải tạo ở địa phương.
“Chi phí ban đầu bỏ ra khoảng 50 triệu đồng/ha, bao gồm các khâu làm đất, mua giống cây trồng, phân bón, lắp đặt hệ thống tưới… Dự kiến sau 4-6 năm, cây sẽ cho quả, tôi tin tưởng cây bơ 034 sẽ cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác”, anh Tĩnh nói.
Để phát huy hiệu quả kinh tế của giống bơ 034 khi được đưa vào trồng với diện tích mở rộng, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã tiến hành rà soát các vườn bơ địa phương hoặc giống khác có hiệu quả thấp để ghép cải tạo giống bơ 034 nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, rút ngắn thời gian thu hoạch nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời khuyến cáo người dân cần tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là hệ thống tưới tiết kiệm tự động, để đảm bảo cho cây phát triển tốt trong mùa hè. Ngoài ra, cần quản lý nguồn giống trước khi đưa vào trồng, cây giống phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, nông dân phải được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trước và trong suốt quá trình sản xuất.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.