Quản Bạ là một trong 4 huyện thuộc vùng cao nguyên đá của Hà Giang (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ). Địa hình chủ yếu là núi đá, khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Vì vậy, trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện ưu tiên cho các mô hình chăn nuôi gia súc hàng hóa (chủ yếu là chăn nuôi trâu, bò, ngựa và dê).
Ngựa lai thuộc đề án có độ tuổi gần 2 năm tại xã Quyết Tiến (Quản Bạ).
Trong những năm qua, đàn ngựa trên địa bàn huyện Quản Bạ bị suy giảm nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng do buôn bán, giết thịt và do giao phối đồng huyết, cận huyết...
Theo báo cáo của UBND huyện Quản Bạ, nếu như đầu năm 2006, số lượng đàn ngựa trên địa bàn là 2.150 con thì đến cuối năm 2012 chỉ còn 700 con và có xu hướng giảm nhanh.
Xuất phát từ thực tiễn đó, từ đầu năm 2013, UBND huyện Quản Bạ đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi triển khai thực hiện Đề án "Phục hồi và phát triển đàn ngựa theo hướng hàng hóa” . Mục tiêu của đề án nhằm cải tạo, phục hồi và nâng cao số lượng, chất lượng đàn ngựa trên địa bàn huyện theo hướng hàng hóa. Đây cũng chính là mục tiêu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển đàn ngựa trên địa bàn huyện Quản Bạ, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân, dần hình thành các vùng chăn nuôi ngựa tập trung theo hướng hàng hóa.
Đề án được triển khai thực hiện tại xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) từ đầu năm 2013. Để tạo ra những con ngựa giống mới có tầm vóc lớn và chất lượng thịt thơm ngon, đề án đã chọn giống ngựa đực lai Kabadin (có nguồn gốc từ Nga) tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi, có đủ tiêu chuẩn để làm giống và chọn 5 con ngựa cái địa phương có độ tuổi từ 24-70 tháng tuổi.
Trong thời gian thực hiện đề án, từ đầu năm 2013 đến tháng 12/2015, đã có 5 con ngựa lai được sinh ra (gồm 3 ngựa đực và 2 ngựa cái). Như vậy, tỷ lệ ghép đôi giao phối đạt trên 50%, cao hơn nhiều so với ngựa địa phương tự giao phối (chỉ từ 30 - 35%). Bên cạnh đó, các con ngựa lai khi mới sinh ra có thể trạng to lớn và trọng lượng cao hơn so với ngựa con mới sinh của các giống ngựa địa phương từ 4-5 kg/con.
Từ thành công bước đầu, đề án sẽ tiếp tục triển khai để các con ngựa đực lai ghép đôi giao phối với đàn ngựa cái địa phương; bên cạnh đó, sẽ tiến tới khai thác nguồn tinh, bảo quản tinh đông lạnh của giống ngựa đực Kabadin và triển khai thụ tinh nhân tạo cho đàn ngựa cái trên địa bàn của huyện.
Ông Lệnh Thế Hội, Phó chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: Đề án “Phục hồi và nâng cao chất lượng đàn ngựa theo hướng hàng hóa” của huyện Quản Bạ bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây chính là cơ sở để huyện hình thành các vùng chăn nuôi ngựa tập trung có năng suất, chất lượng cao theo hướng hàng hóa, góp phần thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo cho nông dân trên địa bàn.
Phạm Văn Phú
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.