Rau má là loài cây mọc tự nhiên, chủ yếu dùng để chế biến món ăn, thức uống, gần gũi với đời sống của người dân xứ Thanh, nay đã có hướng phát triển mới, trở thành cây hàng hóa đem lại giá trị thu nhập cho người nông dân.
Đến nay, loại cây trồng được xem là “Sâm của người xứ Thanh”, đã có mặt tại thị trường quốc tế.
Xây dựng nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh”
Vốn là chủ cơ sở kinh doanh nhôm kính, sàn gỗ với thu nhập mỗi năm hàng tỉ đồng, thế nhưng, sau hai lần đi tham quan Nhật Bản và Israel cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, anh Trần Văn Tân đã tiếp cận nền nông nghiệp sạch, tiên tiến, nơi giá trị nông sản không chỉ được đong đếm bằng sản lượng mà còn được khẳng định ở chất lượng, thương hiệu và sự giàu có của người nông dân.
Từ khi chuyển đổi mô hình kinh tế, thời kỳ đầu, anh Tân không chỉ vấp phải sự phản đối của người thân, gia đình mà ngay cả chính quyền sở tại cũng không mấy mặn mà khi cho rằng anh khó mà thành công. Thế nhưng ,với tâm huyết và sự quyết tâm của mình, anh đã thành công trên con đường lựa chọn.
Thành lập năm 2009, đến nay, Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới đã không ngừng lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp đa ngành, đa lĩnh vực, tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2018, công ty triển khai Dự án Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, quả gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại huyện Quảng Xương, đạt năng suất cao, bảo đảm chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế từ 30% trở lên so với điều kiện sản xuất thông thường. Từ đó, anh Tân đã biến những mảnh ruộng kém hiệu quả thành chuỗi mô hình sản xuất rau sạch đạt chuẩn VietGAP. Trong đó, cây rau má được anh quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Anh Tân chia sẻ: Nhiều địa phương trong cả nước phát triển thành công mô hình trồng cây rau má thương phẩm. Trong khi đó, giống rau má bản địa xứ Thanh có 2 loại là rau má trắng và rau má tía với nhiều tiềm năng, lợi thế hơn so với các giống rau má ngoại nhập nhưng chỉ được người nông dân dùng để làm thức ăn, nước uống giản đơn, chưa khai thác hết giá trị, tiềm năng mà cây rau má mang lại.
Đây chính là lý do khiến anh quyết tâm làm nông nghiệp, tìm hướng đi cho cây rau má xứ Thanh. Định hướng, mục tiêu của dự án hướng đến là nghiên cứu hoàn thiện được bản hướng dẫn kỹ thuật nhân giống rau má bản địa đạt tiêu chuẩn, bản hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch rau má theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Rau má xứ Thanh”, hoàn thiện, đưa vào khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý nhãn hiệu tập thể đó. Mô hình quản lý, điều kiện, phương tiện quản lý, phương thức sản xuất và kinh doanh, quy trình truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tem nhãn, bao bì đóng gói.
Đạt OCOP 4 sao
Để phát triển thương hiệu rau má xứ Thanh, anh Tân cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới tập trung xây dựng ý tưởng, kế hoạch, tìm hướng đi mới cho cây rau má. Anh đi khắp vùng quê xứ Thanh, thu thập các mẫu cây rau má mọc tự nhiên về nghiên cứu, chọn lọc, bảo tồn giống bản địa.
Từ năm 2020 đến nay, công ty đã phát triển khoảng 0,5ha rau má bản địa tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Queen Farm ở tổ dân phố Dục Tú, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, vừa để nhân giống, thử nghiệm với quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, vừa làm cơ sở để nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đến tham quan, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, công ty cũng đã liên kết với 10 địa phương với tổng diện tích lên đến hàng trăm hecta như ở TP. Thanh Hóa và các huyện Như Thanh, Quảng Xương, Triệu Sơn, Cẩm Thủy, Nông Cống...
Có nguồn nguyên liệu ổn định, năm 2021, anh Tân đầu tư lắp đặt dây chuyền sơ chế và chế biến rau má, được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản với năng suất 1 tấn rau má tươi/ngày, bắt đầu cho ra đời các sản phẩm được chế biến từ cây rau má như bột rau má mịn, nước uống rau má đóng chai, thạch rau má, trà túi lọc rau má, viên nén rau má, rau má tươi cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay, các sản phẩm từ cây rau má đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá OCOP 4 sao và có nhiều đối tác ở nước ngoài quan tâm, đặt hàng. Trong đó, một đối tác ở Ấn Độ đã đặt mua 3.000 - 3.500 tấn rau má tươi mỗi năm để chiết xuất tinh dầu rau má.
Sản phẩm không chỉ cung cấp trong nước, mà còn được các đối tác ở Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc đặt hàng. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến từ cây rau má bản địa xứ Thanh đã vươn ra thị trường nước ngoài khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ, Úc, Thái Lan và một số nước châu Phi.
Trong giai đoạn tới, doanh nghiệp sẽ kết hợp với nông dân, hợp tác xã tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa để tăng vùng nguyên liệu lên 300 - 500ha. Không chỉ giúp công ty có nguồn nguyên liệu ổn định mà cây rau má sẽ giúp người dân có thể yên tâm sống khỏe trên chính đồng ruộng của mình. “Với 10 - 11 vụ/năm, nếu tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật chăm sóc, năng suất cây rau má đạt 45 - 50 tấn/ha, trừ chi phí, thu lãi 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Với người nông dân, nếu trồng 5 - 6 sào rau má, sẽ cho thu nhập 12 - 15 triệu đồng/tháng”, anh Tân khẳng định.
Nâng tầm cây rau má thành thế mạnh của tỉnh
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương, cho biết: Mô hình phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện luôn được chính quyền địa phương quan tâm và hỗ trợ. Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới được UBND huyện hỗ trợ 1 tỷ đồng để xây dựng và phát triển mô hình trồng cây rau má theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, huyện luôn đồng hành cùng công ty để hỗ trợ tối đa về quy hoạch vùng nguyên liệu trồng cây rau má hướng đến xuất khẩu, cùng các chính sách phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng đã tới tham quan và động viên dự án, mong muốn phát triển nâng tầm cây rau má thành thế mạnh thực sự trong nông nghiệp của tỉnh. Những sản phẩm chế biến từ cây rau má - “Sâm của người xứ Thanh”, không chỉ là sản phẩm của thiên nhiên hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe cho con người, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế mà còn góp phần xây dựng thương hiệu tỉnh, thương hiệu địa phương.
Các sản phẩm từ rau má của Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới chính là quả ngọt cho những nỗ lực cố gắng không ngơi nghỉ của đội ngũ lãnh đạo và người lao động công ty, trong bối cảnh đối diện nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 thời gian qua.
Vượt qua khó khăn, công ty tiếp tục giữ vững thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện có, đồng thời đẩy mạnh quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ưu tiên đầu tư vào khoa học - kỹ thuật, cải tiến quy trình và các khâu sản xuất, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu sản xuất ra nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, phục vụ người tiêu dùng, từng bước củng cố và khẳng định vững chắc vị trí, thương hiệu của công ty.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng khẳng định, tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp trên địa bàn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.