Năm 2017, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng gần 3%, lần đầu đạt 36,37 tỷ USD. Riêng thủy sản đóng góp khoảng 8,3 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ 2016; mặt hàng tôm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 20%.
Kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp có được trước hết là do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự phối hợp của các cơ quan đơn vị ban ngành, địa phương mà trong đó có một phần đóng góp của cả hệ thống khuyến nông từ Trung ương đến cơ sở.
Dưới đây là một số kết quả đáng khích lệ mà hoạt động khuyến ngư năm 2017 đã đạt được.
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”
Dự án đã xây dựng được 3 mô hình tại 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với quy mô 4,5ha. Năng suất mô hình đạt trung bình 10,5 tấn/ha, không mô hình nào bị dịch bệnh, thu lãi 600 - 700 triệu đồng/ha.
Các mô hình áp dụng VietGAP giúp tăng tỷ lệ sống, tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn và hạn chế bệnh dịch, từ đó lợi nhuận tăng cao hơn 30% so với ngoài mô hình.
Dự án đã tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình cho 280 hộ. Tại các cuộc hội thảo, mô hình được đông đảo bà con quan tâm, nhân rộng trong sản xuất và được đánh giá không có tác động xấu đến môi trường. Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên được các doanh nghiệp ưu tiên thu mua.
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo an toàn thực phẩm”
Dự án có quy mô 30ha với sự tham gia của 30 hộ, được triển khai tại Hải Phòng, Thái Bình, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, Bạc Liêu, Trà Vinh.
Tôm nuôi trong mô hình phát triển nhanh, đạt tiêu chí an toàn thực phẩm nên bán được giá cao. Dự án tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình cho 574 hộ.
Mô hình được triển khai ở các vùng khác nhau, lợi nhuận của vùng trung và cao triều là 193,4 triệu đồng/ha/vụ; còn vùng hạ triều là 127 triệu đồng/ha/vụ.
Dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm”
Dự án đã xây dựng được 7 mô hình đánh giá cấp chứng nhận theo VietGAP tại 7 tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, với quy mô 21ha, có 24 hộ tham gia, tổng sản lượng đạt 350,7 tấn, hiệu quả tăng cao hơn 20% so với ngoài mô hình, bình quân thu lợi nhuận 90,6 triệu đồng/ha.
Sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và được các doanh nghiệp tiêu thụ 100%.
Điểm mới của mô hình là gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Với những kết quả đạt được, dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, được đông đảo người dân học tập và nhân rộng, diện tích nhân rộng đã tăng lên 100ha. Dự án đã tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình cho 390 hộ.
Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá điêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”
Dự án xây dựng mô hình tại 7 tỉnh có điều kiện phát triển nuôi cá lồng là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng,Tuyên Quang, Hòa Bình với quy mô 1.400m3 lồng. Đã tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình cho 428 hộ.
Các đối tượng dễ nuôi, nhanh lớn, có giá trị kinh tế cao như cá điêu hồng, cá lăng, cá tầm lợi nhuận thu được bình quân 600.000 đồng/m3/vụ.
Dự án “Nuôi tôm càng xanh trên vùng đất chuyển đổi”
Dự án được triển khai trên diện tích 140ha với 141 hộ tham gia, tại 7 tỉnh có tiềm năng (Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, CầnThơ, Kiên Giang).
Năng suất tôm thu được từ mô hình nuôi xen canh đạt 650kg/ha/vụ, lợi nhuận 37,2 triệu đồng/ha/vụ; mô hình nuôi luân canh đạt 1,7 tấn/ha/vụ, lợi nhuận 79,4 triệu đồng/ha/vụ; nâng mức thu nhập cho nông dân lên trên 250 triệu đồng/ha.
Dự án đã tập huấn kỹ thuật nhân rộng mô hình cho 425 hộ dân.
Dự án “Xây dựng mô hình sơ chế kết hợp sử dụng hầm ngâm hạ nhiệt nhanh và bảo quản trên các tàu khai thác hải sản xa bờ”
Dự án triển khai tại 4 tỉnh miền Trung: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; đã lắp 12 hầm bảo ôn cho 12 tàu với 12 hộ tham gia. Hầm bảo quản bằng chất liệu mới (PU) trên tàu khai thác xa bờ, làm giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25-30% xuống còn dưới 15%, giúp tăng thu nhập thêm 20 triệu đồng/chuyến biển. Cá được bảo quản bằng hầm mới nên đảm bảo chất lượng, giá bán cao từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng hơn 15%. Hầm bảo quản mới có tuổi thọ cao hơn 4 - 5 lần hầm bảo quản truyền thống, hiện đang được các chủ tàu áp dụng rất nhiều. Dự án tập huấn kỹ thuật cho 380 hộ dân.
Nhằm phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được trong năm qua, năm 2018, các dự án khuyến ngư tiếp tục tập trung vào những nội dung như an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và gắn với tiêu thụ sản phẩm bền vững với mục tiêu là tăng thu nhập cho người nông dân, kết hợp với bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trương sẽ thực hiện đồng bộ công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thông tin tuyên truyền để một người làm, hàng ngàn người biết, hàng trăm hộ học tập và làm theo.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.