Trong khi nhiều hộ nông dân ít chú trọng chăn nuôi vịt đẻ do sợ dịch bệnh và thua lỗ thì anh Bùi Văn Thùy ở thôn Nguộn, xã Tân Thanh (Lạng Giang - Bắc Giang) lại có thu nhập ổn định 160 triệu đồng/năm từ nuôi vịt sinh sản.
Thu nhập cao
Anh Thùy tâm sự: Nhận thấy điều kiện tự nhiên trên địa bàn phù hợp với việc phát triển đàn thủy cầm, cộng thêm chút kinh nghiệm của ông nội để lại và mong muốn làm giàu trên đồng đất quê nhà, tôi mạnh dạn học tập, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi vịt sinh sản. Qua theo dõi nhiều năm, tôi nhận thấy, nuôi vịt sinh sản cho thu nhập cao hơn nhiều so với nuôi vịt thịt. Chính vì vậy, tôi quyết định gắn bó với nghề nuôi vịt sinh sản 5 năm nay. Không chỉ dừng lại ở việc bán trứng, anh còn đa dạng hóa sản phẩm để đưa ra thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định.
Với quy mô 1.500 con vịt cái siêu đẻ, mỗi ngày cho thu khoảng 1.000 quả trứng, với giá bán 20.000 đồng/chục, anh Thùy có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/ngày. Để tăng nguồn thu, anh đầu tư máy ấp trứng với công suất 2 vạn trứng/tháng để ấp và bán trứng lộn, với giá bán 35.000 đồng/chục quả, trừ chi phí, thu lãi 15 - 16 triệu đồng.
Với lượng vịt đẻ nhiều, anh tìm được các mối giao buôn trứng và ký hợp đồng với các bếp ăn của quân đội, công ty, trường học, quán ăn trên địa bàn huyện để tiêu thụ. Lượng trứng tiêu thụ dễ dàng, thuận lợi, được người tiêu dùng tin tưởng là nhờ gia đình anh luôn thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh thú y, vịt mẹ khỏe mạnh không mắc bệnh, tỷ lệ đẻ trứng cao và đều. Cơ sở chăn nuôi của anh Thùy được Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp chứng nhận là đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Bí kíp chăn nuôi bền vững
Theo kinh nghiệm của anh Thùy, để chăn nuôi vịt sinh sản đạt hiệu quả cao, giai đoạn vịt hậu bị phải được chăm sóc theo quy trình riêng. Khi vịt 1 tháng tuổi, cần cho ăn tốt để thúc cho vịt giống tăng trọng nhanh, trường mình, kháng bệnh tốt. Tháng thứ hai cho ăn đủ để cơ thể vịt săn chắc, không tích mỡ. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 5, cho ăn hạn chế nhằm rèn luyện sức dẻo dai cho đàn vịt. Trong quá trình nuôi, cần chú ý từ tháng thứ 5 trở đi tăng thời lượng chiếu sáng 16-18 giờ/ngày cho vịt. Trước khi vịt lên đẻ, tiêm phòng đủ 3 mũi vắc xin, bao gồm dịch tả, tụ huyết trùng và cúm gia cầm. Khi vịt đã lên đẻ thì ngừng sử dụng các loại vắc xin. Những ngày thời tiết giao mùa, cần bổ sung kháng sinh phòng dịch tả vào thức ăn. Sau khi dùng kháng sinh, có thể bổ sung giải độc gan vào nước uống cho vịt và cho vịt ăn đủ 220-230g thức ăn/con/ngày. Thức ăn của vịt được mua từ các nhà sản xuất có uy tín.
Để đàn vịt không mắc các loại bệnh, khỏe mạnh, đẻ đều thì định kỳ chuồng nuôi phải khử trùng bằng vôi bột. Nước ao chăn thả cũng phải đảm bảo vệ sinh, nên định kỳ thay nước mới. Bằng cách làm này, trại chăn nuôi vịt của gia đình anh Thùy chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh. Sản phẩm trứng ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đó, góp phần ổn định cuộc sống của gia đình.
Ông Nguyễn Khánh Hùng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Lạng Giang, cho biết, chăn nuôi vịt đẻ trứng ngày càng phát triển, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả mô hình, người chăn nuôi cần phải nắm chắc kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho vịt...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.