Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 2017 | 4:6

Hiệu quả mô hình khuyến nông vùng biển ở Quảng Trị

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 65 cơ sở sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu ở Cửa Việt, Cửa Tùng và các xã bãi ngang ven biển. Các cơ sở sản xuất đa phần sử dụng công nghệ cổ truyền, chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thiếu đầu tư nên chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Công nghệ phơi chảy giúp nâng cao chất lượng nước mắm.

Chính vì vậy, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai xây dựng mô hình “Chế biến nước mắm cao đạm bằng công nghệ phơi chảy” tại hộ chị Nguyễn Thị Thảo thuộc thôn Thái Lai, Vĩnh Thái, Vĩnh Linh.

Mục đích của mô hình nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân tham gia chế biến nước mắm, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ở các xã ven biển.

Đây là một mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cộng thêm thời điểm triển khai gặp sự cố môi trường biển vừa mới xảy ra. Biết được tầm quan trọng như vậy, ban lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông đã làm việc với Trạm Khuyến nông Vĩnh Linh và cán bộ kỹ thuật phụ trách, chỉ đạo và điều hành sát sao công tác thực hiện mô hình. Trong quá trình triển khai thực hiện đã phối hợp với chính quyền địa phương để sao cho hiệu quả mang lại cao nhất.

Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm đã tổ chức một lớp tập huấn kỹ thuật với nội dung trên để hộ được chọn triển khai và các hộ khác trong xã nắm rõ quy trình chế biến. Các hộ có thể cùng tham gia vào quá trình thực hiện mô hình để có thể nắm rõ quy trình kỹ thuật và có thể tự nhân rộng.

Do sự cố môi trường biển làm cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến việc mua nguyên liệu chế biến thử nghiệm. Dù Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo nguyên liệu thủy sản an toàn nằm trong vùng biển từ 20 hải lý trở ra khơi nhưng hộ xây dựng mô hình xin được mua nguyên liệu ở vùng biển gần bờ để chế biến, vì nguyên liệu lúc này rất nhiều và các loại cá làm nguyên liệu chế biến chủ yếu ở tầng nước nổi nên xác suất nhiễm kim loại nặng là rất thấp. Tuy vậy, để đảm bảo thành công của mô hình, nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu, nguồn cá đem vào chế biến đã được cán bộ kỹ thuật và hộ thực hiện mô hình đem đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm mẫu tại Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 (167-175 đường Chương Dương, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) về các tiêu chí kim loại nặng (chì, thủy ngân, cadimi), phenol và xyanua trong cá nằm trong mức cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 8-2:2011/BYT). Sau khi triển khai mô hình 2 tháng, mẫu nước nắm cũng được đem kiểm nghiệm với hai chỉ tiêu (phenol, xyanua) tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên Huế (17- Trương Định, TP.Huế). Kết quả không có phenol và xyanua trong mẫu.

Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hồng, người dân xã Vĩnh Thái, cho biết: “Cá cơm và cá me (cá trích bột) là các loại cá sống ở tầng nước nổi và di chuyển liên tục nên khả năng nhiễm kim loại nặng là hạn chế”.

Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ hộ xây dựng mô hình phấn khởi chia sẻ: “Nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, gia đình tôi có cơ hội áp dụng kỹ thuật sản xuất mới trong chế biến nước mắm, áp dụng công nghệ phơi chảy giúp giảm thời gian sản xuất, tôi thu được nước mắm có chất lượng và độ đạm cao hơn sản xuất truyền thống”.

Mô hình có thời gian chượp chín được rút ngắn còn 6 tháng so với phương pháp truyền thống là trên 10 tháng. Độ đạm trên 250N/l (250mgN/lít). Lượng nước mắm kéo rút tăng khoảng 15%. Với nguồn nguyên liệu sản xuất thử nghiệm 2 tấn cá, khối chượp chín kéo rút được 1.200 lít nước mắm cốt và sau 2 tháng kéo rút được nước mắm loại 1 khoảng 800 lít, bao gói, bán với giá 50.000đồng/lít nước mắm cốt và 10.000 đồng/lít nước mắm loại 1. Với 2 tấn nguyên liệu chế biến thử nghiệm, chị Thảo thu 31,5 triệu đồng.

Mô hình chế biến nước mắm cao đạm bằng công nghệ phơi chảy triển khai thành công, đã giúp người dân tiếp thu được kỹ thuật chế biến theo phương pháp mới để nước mắm có chất lượng và độ đạm cao hơn, dễ bán. Mô hình cũng tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động nữ tại các xã ven biển, khôi phục làng nghề truyền thống. Trong điều kiện người dân vùng biển bãi ngang Quảng Trị đang còn gặp nhiều khó khăn, việc triển khai thành công mô hình là một kết quả rất khả quan, cần nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh trong những năm tới.

Phan Việt Toàn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top