Nhờ tiên phong trồng gấc ở Hậu Giang mà gia đình anh Trần Văn Cưng (Út Cưng), ở ấp Phương An, xã Phương Bình (Phụng Hiệp) có thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Anh Cưng cho biết, trồng gấc không khó, cũng giống như trồng mướp, trồng bầu. Khi mới bắt đầu xuống giống, cũng đào lỗ hoặc rãnh trên nền đất liếp để trồng. Khi gấc lớn, phải thả giàn cho dây bò lan thì trái mới nhiều. Từ trồng đến thu hoạch trái chỉ mất 100-120 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, không bị ngập úng, sâu bệnh gây hại thì khả năng kéo dài thời gian thu hoạch trái đến 10 năm.
Hiện thương lái thu mua gấc tại vườn với giá dao động từ 5.000-18.000 đồng/kg, tùy theo thời điểm và chất lượng, kích cỡ của trái.
Lần đầu trồng thử nghiệm cây gấc, anh Cưng thừa nhận mình còn quá xa lạ với giống cây trồng này nên về mặt kỹ thuật cũng như cách chăm sóc không phù hợp khiến năng suất trái chưa đạt như mong muốn. Với 11.000m2 đất mặt liếp vườn, anh trồng 500 dây gấc giống. Sau gần 3 tháng, anh thu hoạch lứa trái đầu tiên, bán được hơn 15 tấn trái, thương lái mua tại vườn với giá 8.000 đồng/kg,thu về hơn 120 triệu đồng.
Anh Cưng so sánh: “Nếu nói về hiệu quả kinh tế, so với nhiều loại cây trồng khác mà gia đình đã từng trồng trên cùng diện tích là lúa, mía, cam… thì chưa bao giờ có được khoản thu và lợi nhuận như trồng cây gấc”.
Theo anh Cưng, mỗi mùa thu hoạch, bình quân mỗi gốc gấc cho ra 20-30 trái, mỗi trái có trọng lượng 1-1,5kg, nếu giá cả được bình ổn như hiện nay thì một gốc gấc cho thu nhập 3-4 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, vốn đầu tư trồng gấc ban đầu cũng không nhiều, chủ yếu là làm giàn để gấc leo. Tuy nhiên, để nhẹ vốn đầu tư có thể tận dụng cọc tre, sau đó dùng dây chì hay lưới thả giàn.
Anh Cưng cho biết thêm, gấc là loại cây bán hoang dại, chu kỳ thu hoạch trái thường kéo dài đôi ba tháng. Mới đầu thu hoạch, sản lượng gấc trái không nhiều, nhưng đến khi dây gấc càng lớn, bò càng dài thì số lượng gấc trái càng tăng. Vì vậy, việc làm giàn cho gấc leo là rất cần thiết. Ngoài năng suất cao hơn, trồng thả giàn còn giữ cho trái không bị úng thối như cách trồng thả lan trên mặt đất thông thường.
Một thương lái chuyên thu mua gấc ở tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước đây, gấc chỉ được xem như thứ gia vị, dân gian thường sử dụng làm các món ăn truyền thống dân dã như xôi gấc, bánh, kẹo… nên ít người trồng lẫn người mua. Hiện nay, trái gấc đã được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc, các sản phẩm dầu gấc của Việt Nam đã có thương hiệu, được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều nông dân chưa dám mạnh dạn đầu tư trồng giống cây này vì đầu ra và giá cả của sản phẩm chưa ổn định.
Trong khi đó, một số tỉnh phía Bắc hay miền Trung, Tây Nguyên không ít nông dân nhờ trồng gấc mà thoát nghèo, vươn lên khá - giàu. Gần đây, một số bà con ở Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Đồng Tháp… cũng bắt đầu trồng gấc. Riêng tỉnh Hậu Giang, có 4 hộ dân ở 2 xã Hiệp Hưng và Phương Bình đang trồng thử nghiệm vụ gấc đầu tiên, với diện tích khoảng 5ha, trong đó có hộ anh Cưng. Hầu hết các hộ này bắt đầu có gấc thu hoạch, năng suất trái khá cao, được doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm với giá 8.000 đồng/kg tại rẫy, người trồng phấn khởi vì đã có lời.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.