Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2019 | 13:29

Hiệu quả từ nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học

Với sự chăm chỉ, chịu khó, chị Nguyễn Thị Kim Loan, chủ trại vịt Tư Quang ở thôn Bình An 3, xã Tân Bình, thị xã La Gi (Bình Thuận) đã nuôi hơn 10.000 con vịt đẻ trứng và vịt thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao.

image007.jpg
Anh Lương Ngọc Hòa, con trai chị Loan, vệ sinh hồ nước tắm của vịt.

 

Thu lãi hơn 30 triệu đồng/tháng

Người xưa có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, thế nhưng, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan đã gắn bó với nghề nuôi vịt hơn 25 năm nay. Những năm trước, chị Loan nuôi vịt trên khu đất trống của gia đình tại phường Bình Tân với số lượng chưa nhiều.

Hai năm trở lại đây, nhận thấy nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học là mô hình kinh tế khá triển vọng ở địa phương,  gia đình chị quyết định đầu tư. Việc đầu tiên là chuyển đổi địa điểm nuôi vào vùng đất rẫy rộng hơn 5.000m2 tại thôn Bình An 3, xã Tân Bình. Đây là nơi cách xa khu dân cư, khá thuận lợi cho việc chăn nuôi. Từ mảnh đất mới này, gia đình chị Loan đã phát triển mô hình chăn nuôi vịt lên tới 10.000 con. Trong đó có 8.000 con vịt đẻ trứng, bao gồm cả giống vịt beo và vịt chàm cùng 2.000 con vịt thịt. Chuồng trại được đầu tư bài bản từ hệ thống nước, máng ăn đến  hồ nước (hơn 15 hồ) cho vịt tắm... với mục đích giúp cho vịt sinh trưởng, phát triển tốt và đảm bảo vệ sinh môi trường...

Với số lượng vịt đẻ kể trên, mỗi ngày gia đình chị Loan thu khoảng 4.000 quả trứng. Với sự chăm chỉ, chịu khó  học hỏi, áp dụng kỹ thuật từ các mô hình chăn nuôi vịt siêu đẻ trứng thành công khác, cùng kinh nghiệm chăn nuôi từ thế hệ trước truyền lại, gia đình chị Loan ngày đêm cần mẫn, miệt mài chăm sóc đàn vịt với ước mơ xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no. Trung bình mỗi tháng sau khi trừ  chi phí, gia đình chị Loan thu lãi hơn 30 triệu đồng...

image011.jpg

Đến thăm trại vịt Tư Quang vào một ngày gần đây, chúng tôi được tận mắt thấy mô hình kinh tế quy mô, bài bản, và cảm nhận về nỗi nhọc nhằn từ việc chăm sóc vịt, được nghe gia đình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi vịt đẻ trứng của cả 4 thế hệ. Đầu tiên là ông ngoại chị Loan, sau đó là mẹ chị, rồi chị, và đến nay là hai con trai đầu vẫn luôn chăm chỉ nối tiếp nghề của gia đình trên mảnh đất mà ông cha để lại.

Trên mảnh đất hơn 5.000m2, gia đình chị Loan bố trí diện tích chăn nuôi rất khoa học và hợp lý. Đối với vịt giống và vịt còn nhỏ dưới 30 ngày, xây dựng chuồng nuôi riêng, vì lúc này sức đề kháng của vịt còn yếu. Gần 3.000 con vịt giống và vịt dưới 30 ngày được nuôi trên sàn, đảm bảo theo quy trình kỹ thuật an toàn sinh học như chuồng nuôi được bố trí thoáng mát, yên tĩnh, không bị ẩm ướt, dễ xử lý chất thải và đảm bảo vệ sinh. Vịt lớn hơn thì được nuôi trên cạn ở những khoảnh đất khác nhau.

Bí quyết giữ nghề gia truyền

Với mong muốn gìn giữ nghề của gia đình, chị Loan đã chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm chăn nuôi cho hai con trai từ khá sớm. Vốn yêu thích công việc làm nông và kế nghiệp của cha mẹ, anh Lương Ngọc Hòa đã khá quen thuộc với công việc này. Anh Hòa đã tự tay thiết kế khu vực nuôi vịt theo không gian mở, chia từng khu vực. Khu vực nuôi vịt con được quây lưới, lót sàn, vệ sinh cũng như ăn uống đảm bảo. Khu vực nuôi vịt lấy thịt thoáng mát, không gian khá rộng để vịt tự do di chuyển, giúp cho thịt được săn chắc, giảm lượng mỡ. Khu vực vịt nuôi đẻ trứng khá rộng rãi, nằm dưới những tán cây mát mẻ tự nhiên, xung quanh các góc lưới được lót rơm rạ để vịt đẻ trứng. Và trong từng khu vực đều bố trí nhiều ao nước để vịt uống nước và thỏa sức bơi lội.

Với  quy mô nuôi 10.000 con vịt, cả gia đình chị Loan gồm 4 lao động, còn  phải thuê thêm hai nhân công, một để phụ trách thêm việc chăn nuôi, và một để thu hoạch trứng vào sáng sớm.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, chị Loan và con trai cùng một nhân công khác vừa tất bật trộn thức ăn cho vịt. Vì lượng thức ăn khá nhiều nên cả ba người phải vừa trộn, vừa điều tiết lưu lượng thức ăn sao cho vừa đủ. Với đôi bàn tay thoăn thoắt, trộn nhanh từng thau thức ăn, chẳng mấy chốc, công việc chuẩn bị bữa ăn cho vịt đã hoàn thành. Theo chị Loan, trong tương lai không xa, gia đình sẽ cố gắng đầu tư nuôi tất cả vịt  trên sàn theo quy trình kỹ thuật mới để ngày càng phát triển công việc và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Mặc dù vất vả, cực nhọc là thế, nhưng nghề nuôi vịt đã giúp cho cuộc sống gia đình chị Loan ngày càng sung túc, ấm no.

Chị Huỳnh Thị Lợi Giàu, Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình, cho biết: “Nuôi vịt đẻ trứng theo hướng an toàn sinh học của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan là mô hình kinh tế khá phát triển của địa phương. Từ nguồn thu nhập của mô hình này, gia đình chị Loan có nguồn kinh tế khá ổn định và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Đây cũng là mô hình kinh tế có hiệu quả cho nhiều hội viên, nông dân học tập”.

 

 

Rạng Đông
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top