Nhờ tập trung củng cố tổ chức và chú trọng hướng dẫn hội viên về kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý nên hội viên của Hội Làm vườn (HLV) Bắc Giang hầu hết làm ăn có hiệu quả. Đó là điểm mạnh và là cơ sở để khẳng định HLV Bắc Giang là một trong những tổ chức Hội mạnh nhất.
Hội viên HLV Bắc Giang chăm sóc cây ăn quả.
“Phất” lên từ cây - con đặc sản
Chỉ trong một thời gian ngắn vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vừa chú trọng cải tạo vườn tạp, nhiều hội viên HLV Bắc Giang đã “phất” lên từ cây ăn trái, con nuôi đặc sản.
Ông Trương Văn Báo ở thôn Trạo Mới xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) cho hay, ông có trang trại 2ha, chủ yếu trồng vải, nhãn và xen cam, bưởi, chanh đào. Từ năm 2010, ông đã sản xuất vải theo quy trình VietGAP để xuất khẩu sang Úc. Vài năm nay, ông chuyển sang sản xuất theo quy trình GlobalGAP, xuất sang Mỹ, EU và một số thị trường khó tính khác. Năm 2016, ông thu 10 tấn vải, giá bán tại vườn là 25.000 - 28.000đồng/kg; 20 tấn nhãn sớm, giá 27.000-28.000đồng/kg. Hiện, trang trại của ông có 4 lao động làm việc quanh năm, 4 nhân công thời vụ, trả lương 200.000 đồng/người/ngày. Lợi nhuận từ kinh tế trang trại của ông lên tới 500 triệu đồng/năm.
Nằm liền kề thôn Trạo Mới, ông Trần Văn Hành (thôn Trạo Cũ) cũng sở hữu mô hình kinh tế tiền tỷ. Gia đình ông có gần 3ha trang trại, chuyên trồng vải, nhãn, sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Hiện, nhãn chính vụ ông có 200 gốc (giá bán 25.000 đồng/kg tại vườn), nhãn muộn 30 gốc, dự kiến 30.000đồng/kg; ngoài ra còn có táo, cam, bưởi. Doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 4 lao động chính, 8-10 lao động thời vụ.
Bên cạnh cây ăn trái, Bắc Giang còn có thế mạnh về chăn nuôi. Nếu như Yên Thế mạnh về nuôi gà, thì Yên Dũng giỏi nuôi trồng thủy sản, toàn huyện có 1.110ha ao hồ, đầm phá, Nhà nước đã hỗ trợ 33 tỷ đồng tiền đào ao, sau đó giao cho dân quản lý. Ông Nguyễn Văn Kỳ, xã Lão Hộ cho biết, ông chuyển toàn bộ ruộng trũng sang nuôi cá giống, cá thịt, cho giá trị cao hơn trồng lúa nhiều lần, thu nhập ổn định lại không vất vả.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch HLV Bắc Giang, ông Thân Văn Hiển, cho biết: “Hệ thống tổ chức Hội ngày càng được củng cố, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hội viên có nhiều sáng tạo và quyết tâm làm giàu bền vững. Nhiều cấp Hội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tranh thủ được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hoạt động của Hội đã bám sát chủ trương, nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Quyền lợi hội viên được đảm bảo, góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới”.
Sức hấp dẫn của Hội
Ông Hiển khẳng định, sở dĩ, sức lan tỏa của Hội ngày càng lớn, hội viên tham gia Hội ngày càng đông, là do hội viên được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, kỹ năng quản lý để làm giàu bền vững.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, HLV tỉnh đã kết nạp 380 hội viên, đưa số hội viên toàn tỉnh lên 53.173 người. Nhiều nhất là HLV Lục Ngạn (225 hội viên), Yên Thế (48 hội viên)…; quỹ Hội các cấp theo đó cũng tăng 365 triệu đồng, đưa tổng số quỹ Hội toàn tỉnh lên gần 2,4 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay HLV tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho 750 hội viên bằng ngân sách Hội được cấp. Nội dung tập huấn gồm: Kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi theo chuẩn VietGAP, kỹ thuật nuôi cá thâm canh, chăn nuôi lợn, gà theo hướng an toàn sinh học. Tổ chức 1 buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm của Công ty Phân bón Quế Lâm cho 30 chủ trang trại tại Lục Ngạn. Câu lạc bộ Trang trại cây ăn quả có múi cùng với Công ty Quế Lâm xây dựng 3 mô hình thử nghiệm phân bón tại Đồng Kỳ (Yên Thế); Phượng Sơn, Quý Sơn (Lục Ngạn). Xây dựng 1 mô hình cá rô phi đơn tính quy mô 1 vạn con tại Tiến Dũng (Yên Dũng).
Sẽ rất khiếm khuyết, nếu không kể đến sự đóng góp của Hội trong phát triển kinh tế trang trại. Bắc Giang hiện có 755 trang trại: chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, tổng hợp; đã có 617 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí do Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định (tăng 79 trang trại so năm 2015). Có 568/755 trang trại được đánh giá hiệu quả tốt (doanh thu trên 1,1 tỷ đồng/năm), 174 trang trại hoạt động khá (800 triệu -1 tỷ đồng/năm). HLV tỉnh đã tích cực hướng dẫn hội viên dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng cây chất lượng cao; mở rộng quy mô trang trại, đầu tư đưa cây, con giống mới vào sản xuất. Tổ chức sản xuất theo quy trình VietGAP ước đạt 12.560ha (trong đó có 158ha vải theo chuẩn GlobalGAP xuất khẩu đi Mỹ, các thị trường khó tính), tăng 2,1% so với cùng kỳ (chiếm 40% tổng diện tích cây vải), sản lượng ước đạt 53.000 tấn, bằng 62,4%. Ngoài ra, đã trồng mới trên 300.000 cây ăn quả các loại (nhãn muộn, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam đường Canh, mít lai, chuối tiêu hồng…). Cải tạo 2.856ha vườn tạp, nâng cấp 433ha ao hồ nuôi thuỷ sản. Hiện, có trên 2.000 hộ nuôi con đặc sản: ba ba, chim trĩ, rắn, cá sấu, cá lăng, nhím, hươu, lợn rừng, vịt trời…
Bên cạnh những hoạt động phong phú của tỉnh Hội, các cấp Hội cơ sở cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với ban ngành liên quan, tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn, mô hình điểm cho hội viên. Nội dung tập huấn bám sát chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa, theo thế mạnh từng địa phương và nhu cầu hội viên từng địa bàn.
Với những việc làm thiết thực, HLV Bắc Giang đã thúc đẩy phong trào làm giàu từ VAC và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dương An Như
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.