Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ ba, ngày 15 tháng 3 năm 2016 | 12:40

HLV Cái Bè: Nỗ lực đưa trái cây xuất ngoại

Trở lại vương quốc trái cây Cái Bè (Tiền Giang) những ngày này, đề tài thời sự của nhiều nhà vườn là làm thế nào để những đặc sản trái cây của huyện đủ sức xuất ngoại và cạnh tranh với trái cây ngoại sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết và Cộng đồng kinh tế ASEAN khởi động.

Phân loại xoài cát Hòa Lộc.

Theo đánh giá của Hội Làm vườn huyện Cái Bè, nhà vườn đã có ý thức về sản xuất theo quy trình sản xuất trái an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do ngành nông nghiệp chuyển giao. Tiền đề cho chiến lược sản xuất trái cây đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn hội nhập là việc thành lập Hợp tác xã (HTX) xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng - một bước đi quan trọng giúp nông dân vùng chuyên canh tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, tạo tiền đề cho cây xoài phát triển bền vững.

Từ khi thành lập, HTX đã hướng xã viên thâm canh xoài cát Hòa Lộc theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP và mở rộng diện tích nhà xưởng sơ chế, đóng gói sản phẩm để tạo ra sản phẩm an toàn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc, cho biết: “Năm 2015, HTX đã xuất được 70 tấn xoài cát Hòa Lộc sang Nhật Bản, một thị trường khó tính đối với nông sản hàng hóa. Đặc biệt, HTX đã ký được hợp đồng xuất khẩu xoài sang thị trường Hàn Quốc trong năm 2016 với số lượng không hạn chế. Đây là tin vui đối với xã viên của HTX nói riêng và nhà vườn trồng xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện nói chung”.

Theo UBND huyện Cái Bè, hiện toàn huyện có 14.436/16.800ha vườn trồng các loại cây đặc sản của địa phương như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành,... với thu nhập bình quân đạt 80 triệu đồng/ha/năm. Thời gian tới, huyện nỗ lực tăng diện tích cây ăn trái lên 17.000ha, trong đó vườn chuyên canh cây ăn trái đặc sản khoảng 7.500ha (xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò và cây có múi khác), sản lượng 300.000 tấn; tăng nhanh diện tích vườn đạt lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đối với cây ăn trái đạt trên 90%.

ThS.Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè, cho biết, nhờ áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế vườn được nâng lên. Các loại cây ăn trái đặc sản, có lợi thế của huyện được quan tâm đầu tư phát triển, gắn với mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, GlobalGAP và xây dựng thương hiệu. Hoạt động sơ chế, bảo quản sản phẩm được quan tâm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè, nhận xét: Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tập trung nhiều giải pháp để hình thành vùng chuyên canh các loại cây ăn trái chủ lực gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, chương trình phát triển toàn diện cây xoài cát Hòa Lộc đã được triển khai với các hợp phần như: Đánh giá vùng thích nghi trên 13 xã có chỉ dẫn địa lý làm cơ sở quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh; cải tạo trẻ hóa vườn già cỗi để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; chọn lọc cây đầu dòng và xây dựng vườn giống đầu dòng để nhân giống phục vụ mở rộng vùng chuyên canh; cải tiến quy trình canh tác, xử lý ra hoa rải vụ; xây dựng quy trình chế biến sản phẩm xoài và xây dựng mô hình vườn xoài cát Hòa Lộc kết hợp du lịch sinh thái.

Hiện, diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn huyện Cái Bè đạt 1.990ha, trong đó có 1.056ha chuyên canh. Đối với bưởi lông Cổ Cò, diện tích đạt 971ha, đặc biệt đã triển khai dự án khôi phục vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò, cung cấp giống từ cây đầu dòng chất lượng tốt với số hộ được hỗ trợ thực hiện bước đầu là 173 hộ với 37,9ha, tập trung tại các xã Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây...

Theo ông Nguyễn Văn Tú, Phó chủ tịch UBND huyện Cái Bè, bên cạnh những kết quả đạt được, kế hoạch phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái chiến lược trên địa bàn huyện còn chậm và chưa đúng yêu cầu do giá cả không ổn định; các giải pháp đã triển khai về sản xuất và thị trường chưa đủ mạnh để hướng nông dân đầu tư sản xuất theo quy hoạch. Diện tích sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP còn thấp; giá cả, thị trường tiêu thụ không ổn định. Thời gian tới, huyện tập trung triển khai các giải pháp để phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái. Cụ thể, ngành nông nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ giống trên cơ sở vườn cây đầu dòng hiện có để đạt 3.000ha vườn chuyên canh theo quy hoạch. Nhân rộng mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP. Phối hợp với các sở, ngành và các viện, trường đại học xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản phẩm xoài; đề xuất cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.                    

Hữu Chí

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Làm giàu từ trang trại VAC

    Làm giàu từ trang trại VAC

    Với sự linh hoạt, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Trung Hiếu đã dồn hết vốn liếng sau bao năm kinh doanh để bắt tay vào cải tạo vùng đất đầm lầy, chua phèn thành trang trại VAC trù phú. Hiện, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

  • Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Mục tiêu Quảng Nam đến năm 2030 là xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế.

  • Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Tới thăm mô hình dưa lưới (giống Huỳnh Long) công nghệ cao của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ai cũng phải trầm trồ. Màu vàng óng ả của những trái dưa sắp chín, mọng nước, thơm lừng báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Top