Góp phần giúp bà con và địa phương thực hiện tiêu chí quan trọng trong XDNTM (nâng cao thu nhập), Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Đồng Tháp đã tập trung hướng dẫn hội viên, nông dân quy trình sản xuất an toàn (VietGAP, Global GAP) nhằm hạ giá thành canh tác, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Quýt đường, nông sản mang lại thu nhập cao cho nhà vườn Đồng Tháp.
Đến nay, HLV cùng với ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã vận động thành lập được 59 tổ hợp tác, 6 hợp tác xã cây ăn trái để cùng làm ăn lớn, xóa bỏ kiểu sản xuất riêng lẻ, manh mún.
Hướng đến nền sản xuất bền vững, nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, HLV tỉnh Đồng Tháp còn làm cầu nối giới thiệu, quảng bá nông sản địa phương với doanh nghiệp, giúp cây ăn trái chủ lực của tỉnh “gõ cửa” được thị trường ngoài nước, mở rộng thị phần trong nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, HLV tỉnh kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiêu thụ 3 loại trái cây chủ lực là xoài, nhãn và quýt đường với tổng sản lượng gần 1.200 tấn.
Theo thống kê chưa đầy đủ của HLV tỉnh Đồng Tháp, thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, liên kết sản xuất đã giúp thu nhập bình quân của hội viên đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,55 lần bình quân của tỉnh. Hiện nay, có nhà vườn thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Ông Lê Văn Tâm, Chủ tịch HLV tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: “Nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những đích đến của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Để hướng đến nền sản xuất bền vững, Hội tiếp tục phối hợp HLV Trung ương, các nhà khoa học xây dựng chuỗi ngành hàng cho sản phẩm cây ăn trái chủ lực của tỉnh”.
Ngoài mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, HLV tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hội viên, doanh nghiệp chung tay hoàn thành các tiêu chí trong XDNTM.
Nhằm giảm áp lực về vốn xây dựng giao thông nông thôn, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi, HLV tỉnh Đồng Tháp vận động hội viên, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia xây cầu, đường nông thôn. Kết quả, có 6 cây cầu, 11km đường được xây dựng, trị giá trên 2 tỷ đồng.
Giúp nhà vườn ứng phó với tác động bất lợi của thời tiết, Hội vận động hội viên nạo vét kênh mương chứa nước, phục vụ tưới tiêu trong mùa khô; xây dựng đê bao chống lũ, hoàn thiện hệ thống bơm, tưới nước bảo vệ vườn cây ăn trái. Hiện, hơn 25.000ha vườn cây ăn trái trong toàn tỉnh đảm bảo an toàn trong mùa khô hạn, mưa lũ.
Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, thông qua công tác vận động, HLV tỉnh xây dựng được 6 nhà tình thương cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở tạm bợ. Qua đó, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở, tiêu chí hộ nghèo trong XDNTM. Ngoài ra, HLV tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, HD Bank Chi nhánh Đồng Tháp hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế vườn. Hiện ngân hàng đã giải ngân gần 6 tỷ đồng, giúp nhà vườn có vốn đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Để nông thôn thật sự mới, Hội tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức cho hội viên bảo vệ môi trường bằng những việc làm cụ thể như: sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, tiến hành bao trái, thu gom và phân loại rác thải trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội cùng với Trung tâm Phát triển Cộng đồng nông thôn - CCRD (đơn vị trực thuộc HLVVN) triển khai dự án phát triển biogas theo định hướng thị trường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm biến chất thải thành năng lượng. HLV tỉnh đã triển khai thực hiện được 409 hầm, góp phần giải quyết chất thải trong chăn nuôi và ô nhiễm môi trường trên địa bàn 4 huyện: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò và Châu Thành. Thời gian tới, dự án tiếp tục được nhân rộng tại huyện Thanh Bình và các địa bàn khác của tỉnh Đồng Tháp.
K.D
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.