Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tiến hành cải tạo vườn tạp, vườn đồi, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nhờ đó, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Những người tiên phong
Đối với huyện Quảng Ninh, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, diện tích vườn hộ, vườn tạp kém hiệu quả còn khá nhiều.
Để làm tốt việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu, thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Làm vườn huyện chỉ đạo các cơ sở Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tạo sự đồng thuận, quyết tâm trong cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu, góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, Hội tạo điều kiện cho các hộ tham gia cải tạo vườn tạp xây dựng vườn kiểu mẫu tiếp cận tiến bộ kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn, nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn đạt chuẩn vườn mẫu để các hộ có điều kiện phát triển sản xuất.
Tiêu biểu trong phong trào cải tạo vườn tạp để gia tăng giá trị kinh tế vườn là hộ ông Nguyễn Văn Yền (thôn Hàm Hòa, xã Hàm Ninh) với khu vườn hơn 1.400m2.
Trước đây, gia đình ông Yền chỉ trồng một đám rau nhỏ để phục vụ nhu cầu bữa ăn của gia đình, còn lại chủ yếu cây cỏ mọc. Sau khi nghe đài, đọc báo và sự hướng dẫn của Hội Làm vườn các cấp, ông nhận thấy việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kinh tế là cơ hội để gia tăng thu nhập. Sẵn có mảnh vườn tạp với diện tích lớn, ông mạnh dạn đầu tư kinh phí tập trung cải tạo, phát triển kinh tế. Đến nay, khu vườn của ông có 30 cây cau, 80 cây ổi, 200 cây chuối đang đến kỳ thu hoạch. Ngoài ra, ông còn có khoản thu từ chăn nuôi...
Từ thành công của mô hình, ông Yền, với cương vị là Chủ tịch Hội Làm vườn xã, còn sẵn sàng tư vấn kỹ thuật cũng như những kinh nghiệm cho hội viên, nông dân.
Cũng như bao gia đình nông dân khác ở xã Hiền Ninh, gia đình ông Nguyễn Thanh Tám (thôn Long Đại) có diện tích đất vườn khá rộng, trên 1.700m2, nhưng trước đây chỉ trồng một vài luống rau, cây ăn quả, như: xoài, na...; nuôi gà quy mô nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình. Đến năm 2015, gia đình ông chính thức phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng chủ yếu mướp đắng, cà trắng. Trong lúc chờ mướp đắng, cà trắng phát triển, ông trồng xen các loại rau màu ngắn ngày, như: ớt, khoai lang, cải, ngò (mùi tàu), sả…
Đặc biệt, ông chỉ sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, nên an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng lại góp phần bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái, sản phẩm làm ra bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu.
Ông Tám cho biết: “Sau khi cải tạo vườn, nguồn thu của gia đình đạt trên 80 triệu đồng/năm, nhờ đó, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, cơn lũ vừa rồi đã tàn phá rất nhiều, chúng tôi đang cố gắng khôi phục sản xuất”.
Bên cạnh mô hình của gia đình ông Yền, ông Tám, còn nhiều mô hình kinh tế vườn khá hiệu quả ở Quảng Ninh, như: vườn chuyên cây cam, ổi của anh Nguyễn Thiện Thuật, ở xã Vĩnh Ninh; vườn cam, chanh của anh Trần Văn Thuận ở xã Trường Xuân; vườn thanh long ruột đỏ của anh Trần Văn Nhân ở xã Vạn Ninh…
Lan tỏa
Để phát huy hiệu quả quá trình cải tạo, chuyển đổi vườn hộ, vườn tạp, phát triển phong trào VAC hiệu quả, từ năm 2015 đến 2020, Hội Làm vườn huyện Quảng Ninh đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, như: Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Trung tâm Dạy nghề thanh niên mở 39 lớp dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 1.292 lượt người tham gia. Trong đó, có 5 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả, 2 lớp trồng và chăm sóc cây cảnh… Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tay nghề của người dân trong cải tạo vườn tạp.
Ông Lê Anh Xẩm, Phó chủ tịch Hội Làm vườn huyện Quảng Ninh, cho biết: “Phong trào cải tạo vườn tạp thành vườn có giá trị kinh tế, xây dựng vườn mẫu là chủ trương lớn, một trong những tiêu chí quan trọng mang tính bền vững của Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, được cán bộ, hội viên, nông dân hưởng ứng và triển khai hiệu quả. Hội viên đã tích cực cải tạo vườn tạp, vườn nhà và vườn rừng, chọn những cây có giá trị kinh tế cao đưa vào trồng với trên 3.980 cây ăn quả các loại; có 5 vườn đạt chuẩn vườn nông thôn mới”.
Thời gian tới, Hội Làm vườn huyện Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.