Chú trọng phát triển kinh tế VAC, những năm qua, cán bộ, hội viên Hội Làm vườn phường Đình Bảng (thị xã Từ Sơn - Bắc Ninh) luôn nỗ lực cải tạo vườn tạp, ao hoang, xây dựng mô hình VAC và đưa các giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Một góc trang trại sinh thái của gia đình anh Nguyễn Hữu Thu ở khu phố Ao Sen (Đình Bảng).
Những năm 1989-1990, khi người dân vẫn chú trọng đến trồng cây lương thực, thực phẩm, số làm trang trại chỉ “đếm trên đầu ngón tay” thì HLV Đình Bảng đã đề ra phương châm hoạt động: Cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng cũ, bỏ cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp để xây dựng mô hình trang trại VAC theo hướng thâm canh; tập trung phát triển cây, con đặc sản cho giá trị kinh tế cao kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Hội tổ chức xây dựng Quỹ tín dụng nội bộ, cho hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ vận dụng nhiều hình thức linh hoạt, tranh thủ sự tài trợ của cá nhân và các tổ chức xã hội, nguồn vốn của Quỹ ngày một tăng, cao điểm lên tới 5 tỷ đồng.
Chủ tịch HLV phường Đình Bảng Nguyễn Văn Hoành cho biết: Nguồn quỹ của HLV phường đang cho hơn 20 hội viên vay với tổng dư nợ hơn 3,5 tỷ đồng. Hàng năm, số người xin gia nhập Hội khá đông, nhưng đơn vị chỉ kết nạp hội viên bảo đảm các tiêu chí: đóng góp Hội phí 8,5 triệu đồng/hội viên; dưới 60 tuổi, có sức khỏe tốt, có mô hình VAC hoặc vườn cây ăn quả…
Qua từng giai đoạn phát triển, cán bộ, hội viên HLV phường Đình Bảng đã xây dựng thành công nhiều mô hình kinh tế như: VAC, VACB (vườn - ao - chuồng - hầm khí sinh học biogas), trang trại trồng hoa, cây ăn quả… Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. 140 hội viên của Hội hôm nay là 140 mô hình kinh tế đa dạng, cho thu nhập cao, tiêu biểu như: Hộ anh Nguyễn Trọng Thủy ở khu phố Hạ phát triển mô hình trồng hoa; anh Trần Văn Đạo ở khu Long Vỹ, anh Nguyễn Thạc Kỳ ở khu Trung Hòa phát triển mô hình VAC tổng hợp… Trong đó, hộ anh Nguyễn Hữu Thu ở khu phố Ao Sen tiên phong phát triển mô hình nhà vườn sinh thái, dịch vụ câu cá giải trí, mở ra hướng phát triển mới cho các chủ trang trại nơi đây.
Năm 2000, gia đình anh Thu đứng ra thuê 5ha đất nông nghiệp, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Gia đình anh dự kiến đầu tư vốn xây dựng mô hình trang trại sinh thái kết hợp với dịch vụ tham quan, du lịch nghỉ dưỡng. Hiện hệ thống ao nuôi cá được chia thành 3 khu: Ao nuôi cá giống 2,5ha, ao nuôi cá thịt 1ha, còn lại là ao câu. Cùng với dịch vụ câu cá giải trí, gia đình anh phát triển dịch vụ ăn uống và trồng thêm cây cảnh, cây ăn quả. Việc xây dựng thành công mô hình đã đem lại doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm cho gia đình, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho 10 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng…
Ông Hoành chia sẻ thêm: Phát huy kết quả đạt được, Hội tiếp tục hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình VAC, trang trại sinh thái; làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ hội viên nông dân; đưa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Anh - Nguyễn Hạnh
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.