Trong nhiều năm qua, nhất là 5 năm gần đây, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Thái Nguyên đã phát động và đi đầu nhiều phong trào thi đua, được lãnh đạo địa phương, Trung ương HLV Việt Nam đánh giá cao bởi sự lan tỏa nhân tố mới.
Đặc biệt là, qua các phong trào thi đua từ kinh tế VAC, đời sống của hội viên và người dân được cải thiện, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phong trào từ thực tiễn
HLV Thái Nguyên hiện có 1.658 chi hội tại 159 xã, phường, thị trấn, với 34.406 hội viên. Trong nhiệm kỳ V (2013-2018), Hội đã làm tốt công tác tập huấn, dạy nghề, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên về vai trò của kinh tế VAC, kinh tế trang trại, gia trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ sự chỉ đạo, vào cuộc kịp thời của HLV tỉnh Thái Nguyên, nhiều phong trào đã và đang triển khai có hiệu quả. Trước hết phải kể đến phong trào học tập làm VAC giỏi theo gương Bác Hồ. Phong trào đã giúp cho các cấp Hội, hội viên và nhiều tầng lớp nhân dân thấm nhuần tư tưởng của Bác về nông nghiệp, từ đó, phong trào người người làm vườn, nhà nhà làm VAC đã phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, phong trào xây dựng mô hình VAC mới, xóa đói giảm nghèo đã chuyển từ VAC truyền thống, tự cung tự cấp thành VAC hàng hóa, nâng cao thu nhập của mỗi hộ, mỗi địa phương.
Phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại đã góp phần không nhỏ đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đến nay, Thái Nguyên có trên 740 trang trại và hàng nghìn gia trại, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa lớn với những sản phẩm mới cho địa phương.
Từ đây, xuất hiện nhiều điển hình trong xây dựng các mô hình kinh tế VAC; hàng nghìn hội viên làm VAC giỏi các cấp; hàng chục mô hình làm trang trại giỏi được đi dự Hội nghị nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Điển hình là HLV xã Tràng Xá (Võ Nhai), ban đầu diện tích trồng bưởi Diễn tại xã chỉ có 8ha, nay đạt gần 200ha. Trung bình các hộ trồng bưởi có thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm.
Hộ ông Lưu Đức Triều, ở huyện Định Hóa, là 1 trong 25 điển hình tiên tiến được nhận bảng vàng vinh danh cá nhân làm VAC giỏi do Bộ Nông nghiệp và PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam trao tặng…
Ngoài các phong trào phát triển kinh tế VAC, HLV Thái Nguyên còn hưởng ứng và có nhiều đóng góp vào phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”. Năm năm qua, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân hiến 57.073m2 đất, đóng góp trên 30.340 ngày công lao động, tham gia làm mới và sửa chữa 3.220,5km đường giao thông nông thôn, đường bê tông nội đồng; làm mới và sửa chữa nạo vét 58.429,7km kênh mương.
Có thể nói, những năm qua, phong trào phát triển kinh tế VAC tại Thái Nguyên đã góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn lực, tạo nên nhiều việc làm, nhiều hình thức hợp tác mới trong nông dân, nông thôn như các tổ, nhóm, CLB cùng sở thích giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất.
Phong trào đã giúp người dân từng bước thoát nghèo, nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng...
Kết quả từ các phong trào
Thông qua các mô hình phát triển kinh tế VAC, nhiều Chi hội Làm vườn cơ sở đã giúp hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu, điển hình là HLV xã La Hiên (Võ Nhai). HLV xã La Hiên hiện có 800 hội viên, thu nhập trung bình của gia đình hội viên khoảng 40 đến 50 triệu đồng/năm, có nhiều mô hình cho thu nhập lên tới 600 triệu đồng/năm.
Anh Dương Hồng Chuyên, Chi hội trưởng Chi HLV xóm Phố (xã La Hiên), cho biết, xóm hiện có 65 hội viên. Được sự quan tâm của các cấp Hội trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn, xóm đã xây dựng được một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ trồng cây ăn quả, hội viên xóm Phố đã có thu nhập ổn định, bình quân từ 100 - 200 triệu đồng/hộ/năm, nhiều hộ đạt 300 - 400 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ lên tới 600 triệu đồng/năm. Riêng gia đình anh Chuyên hiện trồng hơn 500 cây na và nuôi 100 đàn ong lấy mật, trừ chi phí, thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm.
Chị Chu Thị Quy, Chi hội trưởng Chi HLV xóm Hiên Minh (xã La Hiên), cho biết, trước đây, mía là cây trồng chính của xóm. Tuy nhiên, trồng và chế biến mía đường rất vất vả nhưng người dân vẫn không thoát được cảnh khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng na, đời sống của bà con từng bước được cải thiện. Giờ na là cây làm giàu của xóm.
Cũng theo chị Quy, xóm Hiên Minh có 80 hội viên, đều tham gia phát triển kinh tế VAC (trồng na, nhãn...). Thu nhập trung bình khoảng 150 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2017, gia đình chị Quy thu lãi 135 triệu đồng từ trồng na.
Trao đổi với phóng viên, bà Vi Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND xã La Hiên, cho biết, toàn xã có 300ha cây ăn quả, trong đó có 230ha na. Từ cây ăn quả, khoảng 200 hộ có thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm; 15 hộ có thu nhập 400 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu từ cây ăn quả năm 2017 đạt 66 tỷ đồng. HLV xã hoạt động khá tốt, triển khai thực hiện nhiều phong trào thi đua, nhất là phong trào phát triển kinh tế VAC.
Bà Liên cho biết thêm, các chương trình, dự án HLV xã tham gia đều mang lại hiệu quả như: sản xuất na theo quy trình VietGAP; nâng cao thu nhập từ cây ăn quả. Từ kết quả đó, giúp hội viên xóa đói, giảm nghèo, nhà nhà vươn lên có cuộc sống ổn định, các phong trào của địa phương đều đi lên, đặc biệt, HLV tích cực tham gia triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tiến tới làm giàu
Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch HLV tỉnh Thái Nguyên, cho biết, nhiệm kỳ 2013-2018, công tác Hội và phong trào VAC đã có bước phát triển mới và thành công trên nhiều lĩnh vực. Các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội V đề ra đều hoàn thành và có chỉ tiêu hoàn thành vượt mức như: công tác tuyên truyền, phát triển kinh tế VAC, dạy nghề… Các hoạt động của Hội có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả.
Với những kết quả đạt được, HLV Thái Nguyên đã vinh dự được Chủ tịch nước, Chính phủ, HLV Việt Nam, UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua và Bằng khen; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp tặng Bằng khen, Giấy khen.
Theo bà Dung, trong thời gian tới, HLV tỉnh Thái Nguyên xác định phải tham gia đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề vừa cơ bản, vừa bức xúc trong lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông thôn ở địa phương. Vì thế, phương hướng và mục tiêu chung của HLV tỉnh Thái Nguyên khóa VI (2018-2023) là: “Giúp dân làm VAC, phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, tạo nên nhiều việc làm, nâng cao thu nhập, tiến tới làm giàu, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.