Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 21 tháng 10 năm 2016 | 2:24

HLV Thanh Chương: Khi nhận thức của hội viên được nâng cao

Sau Đại hội nhiệm kỳ V (2015 - 2020), nhận thức, tư tưởng của cán bộ, hội viên Hội Làm vườn (HLV) huyện Thanh Chương (Nghệ An) được nâng lên rõ rệt. Nhờ vậy, việc giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị trong nhiệm kỳ và năm 2016 gặp nhiều thuận lợi. Năm 2016, Hội tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu gà sạch Thanh Chương, đồng thời gắn công tác Hội với xây dựng nông thôn mới.

Ông Tuân bên đàn gà sinh sản.

Gà sạch Thanh Chương

Thực tế cho thấy, việc nuôi gà sạch ở Thanh Chương đã được bà con địa phương âm thầm gây dựng từ nhiều năm nay; khi HLV phát động, nuôi gà sạch trở thành phong trào và phát triển mạnh mẽ.

Bà Nguyễn Thị Nga, ở xóm Chế biến chè (Thanh Đức), cho biết, cách đây 10 năm, bà đã đi tìm giống gà Ri thịt thơm ngon nổi tiếng của vùng Thanh Chương, gây dựng dần và thành đàn như ngày nay. Hiện, mỗi tháng bà có 4 - 5 lứa gà đẻ, mỗi lứa 100 - 150 trứng; gà thịt luôn có 700 - 800 con/lứa/6 tháng nuôi. Đây là giống gà nguyên chủng, quý hiếm của Thanh Chương với đặc điểm chân nhỏ, lông màu vàng pha mận, hình thức đẹp. Gà Ri phải nuôi theo cách truyền thống, 1 - 2 tháng đầu cho ăn cám mảnh; sau 2 tháng trở đi cho ăn ngô nghiền. Mỗi năm bà lãi ròng trên dưới 80 triệu đồng nhờ mô hình này.

Phong trào nuôi gà sạch ở Thanh Chương ngày càng nở rộ. Bà Trần Thị Lục ở xóm Bản Muộng (Ngọc Lâm) cho hay, bà nuôi gà sạch thương phẩm 5 - 6 năm nay, với nhiều loại giống. Gà lai chọi (vóc dáng to) để phục vụ đám cưới, nhà hàng; gà Mía cung cấp cho các doanh nghiệp, trường học. Thức ăn cho gà là bã sắn, bã bia, ngô hạt, vỏ tôm xay và trùn (giun) quế.

Ngoài những gia đình nuôi gà thương phẩm, Thanh Chương hiện còn nhiều hộ nuôi gà sinh sản như anh Hoàng Anh Tuân (Thanh Đức) có 2 máy ấp trứng, công suất 32.000 quả/mẻ. Gà sinh sản 1.000 con, mẹ là gà Ri, bố là gà chọi gốc Bình Định. Việc lai tạo này  giúp khắc phục được nhược điểm của giống gà Ri, cho ra con giống to, khỏe. Nhờ ưu điểm này nên dù cơ sở mới ra đời được 2 năm nhưng đã trở thành địa chỉ tin cậy về nguồn cung gà giống.

Cùng với việc xây dựng thương hiệu gà sạch, phong trào nuôi lợn rừng cũng phát triển mạnh. Ông Trịnh Thanh Bình ở Thanh Liên cho biết, ông đã chuyển sang nuôi lợn rừng 2 năm nay, hiện gây dựng được 60 con cả lợn giống và thương phẩm, thức ăn chủ yếu là cây chuối, cỏ, rau lang trộn cám gạo. Không riêng ông Bình, ở Thanh Chương còn nhiều hộ nuôi từ 30 - 50 con, tập trung ở Thanh Hà, Thanh Mỹ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Quý, Phó chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gà, cho biết: “Khi nhận thức của hội viên được nâng cao, công tác Hội từ huyện đến cơ sở gặp nhiều thuận lợi. Nhất là sau khi có đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gà Thanh Chương, phong trào nuôi gà sạch ở các địa phương ngày càng rầm rộ. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, số hộ nuôi từ 1.000 - 3.000 con xuất hiện ngày càng nhiều ở các xã Thanh Đức, Thanh Sơn, Thanh Xuân, Thanh Lâm…”.  

Công tác Hội gắn với  các phong trào

Theo ông Quý, công tác Hội ở Thanh Chương luôn gắn với các phong trào phát triển kinh tế VAC, VAC dinh dưỡng, kinh tế trang trại,... Theo đó, phong trào VAC dinh dưỡng không những đáp ứng nhu cầu rau sạch, phục vụ bữa ăn hàng ngày, mà còn tận dụng đất đai, lao động nhàn rỗi, vật tư sẵn có ở địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 30.512 hộ làm VAC dinh dưỡng, đạt 52,01% số hộ có vườn. Các loại rau ngắn ngày Hội động viên bà con trồng là bầu bí, cây gia vị, các loại rau xanh, kết hợp với chăn nuôi gà, cá, chim bồ câu… Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, toàn huyện đã có 6.200 hộ có thu nhập từ VAC dưới 20 triệu đồng/năm; 3.600 hộ thu 20 - 30 triệu đồng/năm; 2.400 hộ thu trên 30 triệu đồng/năm; tiêu biểu như hội viên các xã Thanh Lĩnh, Thanh Văn, Đồng Văn, Thanh Liên… Đáng ghi nhận là, nhiều gia đình quy hoạch vườn dinh dưỡng khá đẹp mắt. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn phương pháp làm vườn cho nhân dân 2 xã vùng tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Kết quả, vận động được 1.560 hộ trồng rau xanh trong vườn nhà, chăn nuôi lợn rừng lai, trồng gừng dưới tán rừng. Hiện, trên địa bàn 2 xã nói trên đã có nhiều mô hình kinh tế đạt loại khá.

Đặc biệt, sau Đại hội nhiệm kỳ V (2015 – 2020), nhận thức, tư tưởng của cán bộ, hội viên được nâng lên rõ rệt. HLV huyện đã triển khai chương trình hành động ngay sau đại hội; giao chỉ tiêu phấn đấu cho các xã, thị trấn cả nhiệm kỳ và năm 2016. Tuy nhiên, do phong trào phát triển chưa đồng đều nên Hội luôn bám sát cơ sở để củng cố tổ chức, nhất là những đơn vị yếu kém. Đội ngũ cán bộ Hội ở cấp huyện hiện có 56 người, tăng 1 người so với năm 2015. Các xã, thị trấn có 742 người, tăng 302 người so với năm 2015; 40/40 xã, thị trấn có tổ chức Hội. Mặt khác, Hội đang phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện thành lập Hội Sinh vật cảnh (HSVC), dự kiến kiện toàn vào cuối năm 2016. Được biết, HSVC đã có 492 chi hội, tăng 3 chi hội so với năm 2015; tổng số hội viên là 6.736 người, tăng 250 hội viên.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội vẫn gặp một số khó khăn trong hoạt động như: cơ chế, chính sách phát triển kinh tế VAC, trang trại có lúc chưa kịp thời, nhất là việc  phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi. Chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của Hội trong việc chỉnh trang vườn phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Chưa đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất lao động, tăng thu nhập kinh tế hộ…

Thời gian tới, Hội vẫn tích cực phát triển VAC dinh dưỡng, vườn hàng hoá, kinh tế gia trại, trang trại theo khả năng quỹ đất sẵn có. Xây dựng VAC xanh, sạch, đẹp, có hiệu quả kinh tế, phù hợp với tiêu chí XDNTM ở địa phương. Vận động hội viên tham gia Hội Chăn nuôi gà để xây dựng thương hiệu gà Thanh Chương bền vững. Trồng cây trám ghép, mít Thái Lan, phát triển mạnh cây cam để chuẩn bị xây dựng thương hiệu cam Cát Ngạn.

 Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top