Là huyện miền núi, Thanh Chương (Nghệ An) có quỹ đất dồi dào, để phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại. Những năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, gia trại trên địa bàn phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, xuất hiện ngày càng nhiều vườn cây ăn quả có doanh thu 400-500 triệu đồng/năm. Cá biệt, một số mô hình kinh tế vườn tổng hợp đạt doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm.
Bà Diên bên gốc “Hồng ông Chương”.
Những chủ vườn triệu phú
Cách đây khoảng 20 năm, khi thấy các đội viên của Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) trồng cam V2 thành công, ông Võ Văn Lành ở xóm 10, xã Thanh Nho tiến hành cải tạo 1ha vườn tạp để trồng 200 gốc cam. Nhờ được trồng và chăm sóc tốt, vườn cam của nhà ông phát triển ổn định và đem lại giá trị kinh tế cao. Ông cho rằng, cam là loại cây dễ trồng, nếu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tốt, có thể cho thu nhập 250 triệu đồng/ha.
Rời Xí nghiệp gạch ngói Rào Giang, ông Đinh Quang Chương và vợ là Nguyễn Thị Diên về quê ở thôn Trung, xã Thanh Lĩnh mua 5 sào đất đồi để xây nhà và làm vườn. Vốn là người gắn bó, am hiểu vùng đất này, ông bắt đầu làm vườn từ việc trồng tiêu, bưởi, hồng và một số loại cây ăn quả khác. Thời gian trôi đi, vợ chồng ông nhận thấy hồng là loại cây ăn quả phù hợp nhất trên đất đồi nơi đây. Được sự hỗ trợ kỹ thuật, ông từng bước lai ghép thành công giống hồng Thạch Thất có ưu điểm quả to, vị ngọt thơm và sức sống tốt hơn so với giống địa phương. Với chất lượng thơm ngon, không hạt, những quả hồng từ vườn nhà ông được thị trường ưa chuộng. Từ đó, ông nhân giống, cung cấp cho thị trường hàng ngàn cây giống mỗi năm, tạo dựng nên thương hiệu “hồng Ông Chương”, mỗi năm đem lại cho gia đình hàng chục triệu đồng.
Anh Võ Văn Lành và ông Đinh Quang Chương chỉ là hai trong số nhiều nông dân của huyện Thanh Chương giàu lên từ vườn đồi. Là huyện miền núi có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu cùng với sự siêng năng cần cù, sáng tạo của nhân dân, kinh tế vườn của huyện Thanh Chương đã có bước phát triển vượt bậc. Sau nhiều năm phát triển kinh tế vườn đồi, trên địa bàn huyện đã có nhiều vườn cây ăn quả đạt doanh thu 400 - 500 triệu đồng/năm như vườn của ông Lành ở Thanh Nho, ông Thìn ở Thanh Đức và nhiều hộ dân ở Tổng đội TNXP. Có một số mô hình VAC tổng hợp cho doanh thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm như mô hình của anh Sơn ở xã Thanh Mỹ, anh Lập ở xã Thanh Hương. Trong tổng số 355 trang trại, đã có 33 trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng giá trị sản lượng hàng hóa/lao động đạt bình quân 138,9 triệu đồng, giá trị thu nhập 392,4 triệu đồng/trang trại/năm.
Đồng hành cùng hội viên
Theo thống kê của Hội Làm vườn huyện Thanh Chương, toàn huyện đã có khoảng 20.000 hộ tiến hành cải tạo vườn tạp, mở rộng đất trống đồi núi trọc làm kinh tế. Trong số các loại cây ăn quả được trồng, nổi tiếng nhất có cam Tổng đội (cam V2), cam Bù, cam Sen Cát Ngạn, cam Hương Sơn được trồng tại các đơn vị thuộc tổng đội TNXP và các xã liền kề trong vùng với khoảng 400ha và nhiều hộ trồng hồng, thanh long…rải rác ở tất cả các xã.
Cùng với cam thì trám đen cũng là cây đem lại giá trị kinh tế cao. Được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, hàng năm, Hội Làm vườn huyện đã tự ghép và nhân giống được 2.000 - 3.000 cây giống để phục vụ nhân dân. Trám là loại thực phẩm thơm ngon, đang được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, hạn chế của loại cây này là sau khi chín, quả trám không cất giữ, bảo quản được lâu. Vì vậy, để từng bước tiếp cận công nghệ chế biến sau thu hoạch, Hội đang tiến hành sơ chế trám sấy khô và trám muối để sử dụng lâu dài, nhất là phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, làm cơ sở để tiến tới xây dựng thương hiệu trám Thanh Chương. Ông Nguyễn Bá Quý, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương, cho hay: “Hoạt động nổi bật nhất của Hội Làm vườn huyện Thanh Chương trong thời gian qua là khuyến khích hội viên mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cam, bưởi, trám,... Nhờ phát triển các loại cây này mà nhiều gia đình đã trở thành triệu phú, tỷ phú”.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, Hội Làm vườn huyện còn phát động hội viên tích cực trồng các loại rau xanh, cây gia vị để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tính đến nay, toàn huyện đã cải tạo được 30.512 vườn dinh dưỡng, đạt gần 42,5% số hộ có vườn, góp phần đáng kể vào việc giải quyết nhu cầu dinh dưỡng các bữa ăn của mỗi gia đình, không những góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập mà còn đảm bảo cảnh quan môi trường xanh sạch, đẹp.
Để trang bị và cung cấp thêm kiến thức kỹ thuật cho hội viên trong phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, Hội Làm vườn huyện Thanh Chương đã phối hợp tổ chức được gần 500 lớp tập huấnchuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Chỉ tính riêng trong năm 2015, Hội đã tổ chức được 102 lớp trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản...
Tuy nhiên, để tận dụng và phát huy hết các tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, Huyện ủy, UBND huyện Thanh Chương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để cán bộ, hội viên Hội Làm vườn huyện tiếp tục nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Trong đó, chú trọng đến việc xây dựng các thương hiệu của địa phương đã xác định trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Phan Đình Hà, nguyên Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Thanh Chương, cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển những cây - con truyền thống có giá trị kinh tế cao, đồng thời mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào trồng thử nghiệm để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.
Phát huy lợi thế của địa phương, huyện Thanh Chương sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng về sản xuất nông nghiệp, trong đó có kinh tế vườn đồi, trang trại. Những kết quả đạt được thời gian qua sẽ là tiền đề, động lực để người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại nhằm nâng cao thu nhập, từ đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các xã, thị trấn nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 30.
Trần Đình Hà
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.