Kết nạp mới 1.209 hội viên, lắp đặt 513 hầm biogas cho hộ gia đình, gắn các mô hình phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường… là những kết quả nổi bật của Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp năm 2016.
Ông Đặng Ngọc Lợi (bìa trái) và ông Lê Văn Tâm (bìa phải) trao Giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Hội năm 2016.
Năm 2016, Hội Làm vườn (HLV) Đồng Tháp kết nạp mới 1.209 hội viên, nâng tổng số hội viên lên 18.400 người. Hiện, toàn tỉnh có 10/12 huyện, thị, thành Hội và 597 chi, tổ Hội.
HLV tỉnh cùng với HLV cấp huyện và cơ sở đã phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và PTNT và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức 322 buổi tuyên truyền phổ biến kiến thức cho hơn 7.000 lượt bà con nhà vườn, tổ chức 11 đợt tham quan học tập mô hình sản xuất hiệu quả trong, ngoài tỉnh cho 139 cán bộ, hội viên; xây dựng 6 hợp tác xã và 64 tổ hợp tác sản xuất trái cây theo quy trình an toàn GAP, trong đó một số sản phẩm trái cây của tỉnh đã xây dựng được nhãn hiệu hàng hoá như xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, quýt hồng Lai Vung, chanh Cao Lãnh với sản lượng xuất khẩu trên 128 tấn.
Để giúp người dân vùng nông thôn hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay và hướng đến nền nông nghiệp bền vững, thời gian qua, HLV tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Đồng Tháp trong việc tuyên truyền vận động, triển khai nhiều mô hình hay được đông đảo nông dân hưởng ứng. Cụ thể như áp dụng kỹ thuật dùng túi bao trái trên xoài; mô hình sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn; mô hình thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); phát triển biogas theo định hướng thị trường... Bước đầu, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật tạo được niềm tin đối với người nông dân, nhiều nông hộ đã ý thức và tự nguyện áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tránh làm tác động tiêu cực đến môi trường.
Một trong những mô hình được HLV triển khai nhận được sự quan tâm của cộng đồng và góp phần giải quyết tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương thời gian qua là mô hình “Phát triển biogas theo định hướng thị trường”. Với mô hình này, nhiều hộ chăn nuôi có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Việc áp dụng mô hình hầm biogas vào chăn nuôi không những mang lại hiệu quả cho người sử dụng mà còn bảo đảm vệ sinh môi trường. Việc ứng dụng công nghệ khí sinh học bằng cách xây dựng, lắp đặt hệ thống hầm biogas là giải pháp hữu hiệu đối với hộ sản xuất chăn nuôi, không chỉ đem lại lợi ích trước mắt mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển lâu dài, bền vững.
Ông Phạm Hữu Chí ở xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh, phấn khởi cho biết: “Việc lắp đặt hầm biogas bằng chất liệu composite khá đơn giản, tiện lợi, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của gia đình. Từ ngày có hệ thống xử lý chất thải này, hàng xóm không còn phàn nàn về mùi hôi do chất thải từ việc chăn nuôi heo, gia đình tôi lại có khoản tiết kiệm vì không tốn chi phí nhiên liệu gas để phục vụ nấu nướng như trước đây”.
Song song với công tác tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt, vấn đề xử lý các loại bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cũng được HLV quan tâm vận động tuyên truyền. Hiện, nhiều nông dân rất ý thức và quan tâm đến vấn đề này.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó chủ tịch HLV Việt Nam, nhận định: Thời gian qua, HLV Đồng Tháp đã có những bước đi tích cực trong việc thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Thời gian tới, tỉnh Hội cần tiếp tục tập hợp nông dân liên kết với nhau trong sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng trái cây, đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch trong bảo quản và tiêu thụ trái cây, kết nối doanh nghiệp với nhà vườn, liên kết các hợp tác xã. Đặc biệt, Hội cũng cần quan tâm đến ngành hàng hoa kiểng của tỉnhvà định hướng nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế thuốc BVTV, kết hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn…
Ông Đặng Ngọc Lợi, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp, mong muốn, HLV tích cực hơn nữa trong vận động phát triển hội viên, thành lập thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất theo hướng an toàn, tiếp tục mở rộng dự án biogas để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và ứng phó với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Tiếp tục phát huy công tác thông tin phổ biến kiến thức cho nhà vườn, kịp thời phát hiện các cá nhân có sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ sản xuất phát triển, đem lại hiệu quả cao, để từ đó có sự động viên, khuyến khích và nhân rộng cho nhiều người áp dụng.
Tường Vi
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.