Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đang là hướng đi được ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh quan tâm thực hiện. Đóng góp cho chương trình này, Hội Làm vườn và Trang trại (HLV&TT) thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp nông dân, hội viên xây dựng được nhiều vùng trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao.
Mô hình trồng lan Mokara cắt cành được nhiều hội viên áp dụng.
Đối với chương trình rau, từ năm 2011-2015, Hội phối hợp xây dựng 178 mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau hữu cơ với diện tích 741,3ha, 2.100 hộ tham gia. Các mô hình đã giảm chi phí sản xuất khoảng 30 triệu đồng/ha/năm (giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…). Từ các mô hình này, bà con tự nhân rộng cho các chủng loại rau và duy trì mở rộng sản xuất rau theo quy trình VietGAP.
Với những đóng góp của HLV&TT, đến nay, diện tích sản xuất rau của TP. Hồ Chí Minh hiện đạt 3.486ha ở 91 xã, phường, tập trung ở 3 huyện là Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, sản lượng rau bình quân đạt 375.000 tấn/năm. Tính đến cuối năm 2015, diện tích sản xuất rau an toàn đạt 15.800ha gieo trồng (tăng 18,94% so với năm 2011), trong đó diện tích rau trong nhà lưới đạt 238,7ha với 1.240 nhà lưới, năng suất 25 tấn/ha.
Riêng sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tính đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Hồ Chí Minh đã chứng nhận cho 721 tổ chức, cá nhân sản xuất rau trên địa bàn, bao gồm xã viên của 7 hợp tác xã và tổ hợp tác, 10 công ty và các nông hộ với tổng diện tích 448ha, sản lượng ước đạt 47.082 tấn/năm.
Trong công nghệ phát triển giống, nhiều hội viên của Hội đã phối hợp với Trung tâm công nghệ sinh học khảo nghiệm 80 giống lan, 23 giống rau, củ quả, 19 giống dưa lưới… Đặc biệt, trong mấy năm qua, HLV&TT đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tuyên truyền vận động hội viên và nông dân thực hiện nhiều mô hình trồng rau sạch, vườn rau dinh dưỡng gia đình tại các quận nội thành. Đến nay, riêng ở các quận nội thành, Hội đã phối hợp với Hội Phụ nữ vận động trên 3.000 hộ tự trồng rau sạch.
Để thực hiện chương trình hoa, cây kiểng đạt kết quả cao, HLV&TT TP.Hồ Chí Minh vận động hội viên và nông dân tham gia tập huấn kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao để phát triển các loài hoa (nhất là hoa lan, hoa mai). Đặc biệt, từ năm 2012, Hội đã thành lập Câu lạc bộ trang trại hoa lan cùng hỗ trợ nhau đưa công nghệ cao vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
Hội còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thi vườn sinh thái đẹp (VSTĐ) 2 năm/lần. Đến nay, đã thực hiện 5 lần với 434 vườn tham dự, trong đó có 170 vườn đạt giải VSTĐ cấp thành phố, nhiều vườn đã kết hợp được với du lịch nghỉ ngơi cộng đồng tăng thêm thu nhập.
Hội cũng vận động nhiều hội viên có tay nghề cao tự nguyện tham gia tổ chức các lớp truyền đạt kinh nghiệm, đào tạo tay nghề miễn phí cho trên 300 lượt hội viên và bà con mỗi năm. Hội cũng trực tiếp tổ chức khoảng 5 - 7 lớp tập huấn/năm, trong đó có 3 lớp riêng về hoa - cây kiểng áp dụng công nghệ mới. Hàng năm tổ chức trên 600 buổi sinh hoạt tuyên truyền chủ trương, chính sách, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ, trách nhiệm của hội viên với áp dụng khoa học kỹ thuật mới và xây dựng nông thôn mới.
Nhờ đó, năm 2015 diện tích hoa kiểng của thành phố đạt 2.250ha, tăng 5,6 % so với năm 2014. Bình quân giai đoạn 2011 - 2015, diện tích hoa kiểng của thành phố ước tăng 3,3%/năm.
Hàng năm Hội đều có chương trình liên tịch lồng ghép, phối hợp với các đơn vị như Trung tâm Khuyến nông, Bảo vệ thực vật, Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp, Chi cục Nông thôn, các cơ sở dạy nghề tại quận, huyện cùng một số doanh nghiệp. Đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông thành phố. Với 141 cơ sở Hội, HLV&TT thành phố luôn là cánh tay nối dài của khuyến nông và ngành nông nghiệp, tạo nhiều thuận lợi và cơ hội hỗ trợ cho hội viên và nông dân trong phát triển kinh tế VAC, hoa - cây kiểng.
Từ hoạt động của Hội cùng với sự hỗ trợ lồng ghép của các sở ngành, hội đoàn thể, cơ quan đơn vị liên quan đã thúc đẩy sản xuất hiệu quả, thu nhập của hội viên ngày càng tăng, giá trị sản xuất từ VAC tăng nhanh, từ mức 150 triệu đồng/ha/năm 2010 lên 260-380 triệu đồng/ha/năm 2015. Nếu như năm 2012, chỉ có 65% số hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp thì năm 2015 con số này đã tăng lên 70% (trong đó có nhiều hội viên sản xuất hoa kỹ thuật cao). Thu nhập của hội viên tăng cao cũng là một trong những mấu chốt để TP. Hồ Chí Minh xây dựng nông thôn mới thành công
HLV&TT TP.Hồ Chí Minh được thành lập ngày 23/02/1989. Hiện, Hội có 4.589 hội viên, sinh hoạt tại 141 cơ sở Hội xã, phường. Hội đã 2 lần được Thủ tướng tặng Bằng khen và được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của thành phố. |
Khánh Phương
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.