Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 16 tháng 12 năm 2020 | 15:18

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Vấn đề cốt lõi

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu.

t4.jpg

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X.

 

Hơn 72 năm trước, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi Thi đua ái quốc” nhằm động viên đồng bào, chiến sĩ phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách của cách mạnh thời điểm đó (chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước). Ngay từ những ngày đầu phát động, phong trào đã diễn ra sôi nổi, lan rộng khắp cả nước với nhiều phong trào cụ thể, được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy thi đua làm động lực phát huy lòng yêu nước, qua phong trào thi đua bồi dưỡng, nâng cao lòng yêu nước, làm cho lòng yêu nước thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động sản xuất và chiến đấu. Ngược lại, lấy lòng yêu nước thúc đẩy phong trào thi đua.

Trải qua năm tháng, Thi đua ái quốc đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống xã hội đất nước ta bởi sức sống mãnh liệt của lòng yêu nước và sự lan toả sâu rộng trong nhân dân, tạo nên động lực tinh thần có thể “dời non, lấp biển”, giúp dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vượt mọi khó khăn, thách thức.

Thực tế hơn 72 năm qua thấy, các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trên khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với nội dung và hình thức ngày càng đổi mới, phù hợp từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, hiệu quả mà Thi đua yêu nước mang lại là to lớn, tạo động lực để mỗi cá nhân, mỗi tập thể hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất có thể, tạo thế và lực cho phát triển đất nước.

Thi đua yêu nước đã đưa đất nước ta từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức cả trong kháng chiến bảo vệ nền độc lập, đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước; cả trong kiến thiết, dựng xây đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai các cường quốc ở năm châu. Và trong phòng chống đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, chúng ta cũng đã đạt kết quả khiến thế giới ngợi ca. Không chỉ chống dịch, chặn dịch, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục  tăng trưởng, dù Chính phủ chấp nhận hy sinh kinh tế để bảo vệ người dân.

Ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân đối với các phong trào Thi đua yêu nước, trong nhiều năm qua, hàng ngàn, hàng chục ngàn những tấm gương tiêu biểu là cá nhân hoặc tập thể được vinh danh ở mọi ngành, mọi cấp. Họ ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp và tầng lớp xã hội. Họ là những gương nông dân, công nhân hăng say sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động; họ là những thầy, cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu; họ là những bác sĩ hết lòng vì người bệnh; họ là những chiến sĩ bộ đội, công an hết lòng vì sự bình yên của đất nước, của nhân dân; họ là những kỹ sư, nhà khoa học tận tâm với những nghiên cứu khoa học đóng góp hữu ích cho mọi mặt của đời sống xã hội; họ là những doanh nhân - chiến sĩ tiên phong thời bình, luôn đau đáu tìm đường đưa hàng hóa Việt Nam đến thế giới…

Họ là những người đem lại niềm hứng khới, niềm cảm hứng, lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người dân Việt Nam trong hành trình dựng xây đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh. Họ là những bông hoa đẹp nhất trong rừng hoa tươi sắc Việt Nam.

Tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Nguyễn Xuân Phúc nêu mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, phấn đấu trở thành nước đang phát triển và công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 kỷ niệm 100 thành lập nước, phấn đấu trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Cũng tại Đại hội này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của từng bộ, ban,  ngành, địa phương, cơ quan đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho bổ ích , thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt. Đối tượng thi đua cần phải rộng rãi, bảo đảm hài hòa các lợi ích. Lợi ích của người lao động, lợi ích của bộ, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, lợi ích của xã hội.

Qua tiếp nhận thông tin từ cơ sở, những người được phóng viên Kinh tế nông thôn trao đổi đều cho rằng: Để đạt được mục tiêu mong muốn, tất cả mọi người đều phải lấy việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” làm nền tảng cho xây dựng, triển khai, thực hiện Thi đua yêu nước. Đây là vấn đề cốt lõi.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top