Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 15:27

Hội Làm vườn huyện Quảng Ninh: Giúp hội viên tiêu thụ nông sản trong dịch Covid-19

Với tiềm năng lớn về đất đai và sự cần cù của người dân, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế vườn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội.

t7.jpg
Mô hình trồng cam V6 trên đất đồi của anh Trần Thiệt Thuật, ở thôn Lệ Kỳ III, xã Vĩnh Ninh.

 

Thực hiện chủ trương đó, Hội Làm vườn (HLV) huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã tích cực hỗ trợ, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân cải tạo vườn tạp, giúp hội viên, nông dân, đưa vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trước đại dịch Covid-19, HLV huyện đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên, nông dân.

Nhiều mô hình VAC cho thu nhập cao

Ông Văn Anh Thuyết, Chủ tịch HLV huyện Quảng Ninh, cho biết: “HLV huyện có 16 cơ sở Hội trực thuộc, với tổng số 1.995 hội viên. 5 năm qua, Hội đã tích cực vận động hội viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cải tạo vườn tạp, đưa các giống cây trồng - vật nuôi có lợi thế vào nuôi trồng; góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Từ những hoạt động đó, đã xuất hiện nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh, sức lao động, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, có thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, phong trào làm kinh tế VAC đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp”.

Nhiều mô hình kinh tế VAC hiệu quả cao xuất hiện, như  rừng - vườn đồi ở các xã Trường Xuân, Xuân Ninh, Vạn Ninh, Vĩnh Ninh;  cây cảnh ở Lương Ninh, thị trấn Quán Hàu; trồng rau màu trên đất cát pha ở Gia Ninh, Võ Ninh...

Tiêu biểu như mô hình trồng cam V-6 và Valentine trên đồi của gia đình ông Trần Thiệt Thuật ở thôn Lệ Kỳ III, xã Vĩnh Ninh. Trên diện tích khoảng 2ha, cùng với xây dựng chuồng trại, đào ao nuôi cá, gia đình ông tiến hành trồng khoảng 500 cây cam V-6, Valentine và hàng trăm cây quýt, chanh, ổi… Vụ quýt vừa qua, ông xuất bán ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg, thu về hàng chục triệu đồng. Đối với cây cam, hiện đã cho quả, dự kiến đến cuối tháng 11/2021 sẽ cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 

t7b.jpg

Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Văn Yền (Hàm Ninh, Quảng Ninh) mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Mô hình trồng cây ăn quả trên đồi dốc kết hợp nuôi ong lấy mật của gia đình ông Trần Văn Thuận ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân cũng được đánh giá là hướng phát triển khá bền vững, cho thu trên 200 triệu đồng/năm.

Phát huy thế mạnh của địa phương và được sự hỗ trợ của HLV huyện, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, nhiều hội viên ở xã Võ Ninh đã hình thành được các Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường, có thu nhập khá ổn định. Mô hình vườn mẫu trồng rau an toàn trên diện tích gần 2.000m2 có hệ thống lưới che, phun tưới tự động của bà Phạm Thị Huệ ở thôn Thượng Hậu luân canh gối vụ, mang lại thu nhập  200.000-300.000 đồng/ngày, mùa hè lên đến hơn 400.000 đồng/ngày.

Tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Năm năm qua, HLV huyện Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức được 39 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cây cảnh cho 1.292 lượt người; tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm một số mô hình vườn mẫu tiêu biểu ở các xã, thị trấn trên địa bàn như: vườn mẫu cây cảnh, trồng cây ăn quả trên đồi, trồng cây ăn quả trên đồi dốc kết hợp nuôi ong lấy mật, trồng rau, củ, quả trên đất cát pha…

Qua những chuyến tham quan thực tế, hội viên rút ra được nhiều kinh nghiệm cho việc triển khai lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từ đó tạo ra chuỗi sản phẩm tiêu thụ ổn định, bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Văn Mịn, Chủ tịch HLV tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao việc tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm từ các vườn mẫu của HLV huyện Quảng Ninh, qua đó, giúp cán bộ, hội viên giao lưu, học hỏi, chia sẻ cách làm, mô hình hay, vườn mẫu phù hợp để có thể thực hiện, nhân rộng”.

Những kinh nghiệm thực tế mà cán bộ, hội viên học tập được cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ về kỹ thuật, cây giống, thời gian tới, HLV huyện Quảng Ninh sẽ nhân rộng  vườn mẫu, những mô hình VAC đặc sắc.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19

Theo ông Văn Anh Thuyết, Chủ tịch HLV  huyện Quảng Ninh, HLV huyện đã hoàn thành việc kiện toàn các cấp Hội từ huyện đến  cơ sở, tạo điều kiện cho việc lãnh đạo và chỉ đạo được xuyên suốt, nhanh chóng và hiệu quả.

 

t7a.jpg

Thăm mô hình vườn mẫu trồng rau an toàn trong nhà lưới gia đình bà Phạm Thị Huệ ở thôn Thượng Hậu xã Võ Ninh. 

 

“Dịch bệnh Covid-19  diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và phát triển của các thành phần kinh tế nói chung và hội viên HLV nói riêng, dẫn đến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn. Để giúp hội viên, HLV huyện đã kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua sản phẩm nông nghiệp, tiêu thụ cho bà con nông dân, giảm thiệt hại do ảnh hưởng của dịch”, ông Thuyết chia sẻ.

HLV huyện cũng đã chỉ đạo hội viên làm tốt công tác phòng chống dịch như tuân thủ thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), kêu gọi mọi người cùng nhau thực hiện việc chung sống an toàn với dịch bệnh, tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với hội viên bị ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò... Đồng thời, HLV huyện đã tích cực động viên hội viên và các cấp Hội tiến hành xây dựng vườn mẫu, phát triển sản xuất. 

Đáng giá về hoạt động của HLV huyện Quảng Ninh, ông Hoàng Văn Mịn cho biết, HLV huyện Quảng Ninh là một trong những HLV có hoạt động hiệu quả của tỉnh Quảng Bình. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, HLV huyện đã đồng hành cùng hội viên, nông dân để vừa phát triển sản xuất, vừa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, HLV huyện cũng đề ra nhiều biện pháp giúp hội viên liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản...

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

 

Ng.Khang - N.Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top