Đồng hành xây dựng các mô hình VAC, Hội Làm vườn (HLV) TP. Hải Phòng từng bước mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho hội viên, nông dân, kích thích quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng - vật nuôi, góp phần tăng hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác.
Nhiều mô hình điểm trên cơ sở liên kết
Cùng với việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, HLV TP. Hải Phòng chỉ đạo các quận, huyện Hội xây dựng kế hoạch, khảo sát để tiếp tục xây dựng các mô hình VAC tiêu biểu. Từ đầu năm 2021 đến nay, Hội đã hướng dẫn hội viên cải tạo, chăm sóc 512ha vườn tạp, trồng mới các vườn cây ăn quả, xây dựng mô hình mới mang lại giá trị kinh tế cao. Trồng thêm trên 45.000 cây giống các loại như: vải thiều, ổi, xoài Thái, thanh long ruột đỏ…
Hình thành mối liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và hộ chăn nuôi. Tiêu biểu như liên kết với Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ, doanh nghiệp hỗ trợ giống, vốn, quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho hộ chăn nuôi gà quy mô từ 3.000 con trở lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.
Thành lập năm 2006, với hành trình khởi nghiệp chỉ 50 con gà, qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ đã vươn lên trở thành 1 trong 3 doanh nghiệp sản xuất gà ta nội địa lớn nhất Việt Nam. Công ty là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng phương pháp an toàn sinh học vào sản xuất - chăn nuôi theo mô hình VietGAP với quy mô 5 triệu con/năm.
Hiện, Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ liên kết với 40-50 trang trại, trong đó trang trại quy mô thấp nhất khoảng 6.000 con, lớn nhất khoảng 30.000 con, chủ yếu tại Hải Phòng. Đối với gà công nghiệp, doanh nghiệp liên kết với một số công ty nuôi liên doanh tại một số tỉnh khác như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái…
Gà của Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ sau khi thu mua được chế biến thành các sản phẩm, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chứng nhận HACCP ISO như: gà Ri mái rớt trứng truyền thống ogari, gà trống nhú cựa ogari, gà Ri 3 sạch ogari, gà ác đặc sản…; được cung cấp cho bếp ăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, các siêu thị như Metro, Vinmart, Big C, Aeon… theo các hợp đồng đã được ký kết.
Không chỉ lĩnh vực chăn nuôi, mô hình cải tạo đất bằng phân hữu cơ của Chi hội Công ty TNHH Thương mại Sản xuất phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến được nhiều người biết đến. Trong suốt quá trình phát triển sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến luôn có sự đồng hành của HLV TP. Hải Phòng trong việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Hiện, sản phẩm phân bón của công ty được tiêu thụ rộng khắp trên cả nước như: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn… Sản lượng cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 tấn/năm.
Năm 2021, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến tổ chức 13 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ cho 1.321 hội viên. Sản phẩm phân bón của công ty được nông dân các địa phương đón nhận và sử dụng vào việc chăm sóc cây lúa, nếp cái hoa vàng, khoai tây, dưa…
Năm 2014, sản phẩm phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Thương mại Sản xuất phân bón hữu cơ khoáng Thiên Quyến được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam; Viện nghiên cứu Hỗ trợ phát triển nông thôn tặng Cờ vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất và bảo vệ môi trường; Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á Việt Nam tặng Cờ sản phẩm chất lượng cao phục vụ sản xuất tốt; Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2016...
Ngoài những mô hình nổi bật kể trên, HLV TP. Hải Phòng còn xây dựng các mô hình như: “Lúa - cáy - rươi” tại các huyện Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy; chăn nuôi lợn tổng hợp tại 2 HTX Thái Sơn và Tú Sơn; nuôi gà, lợn, cá của hộ ông Phạm Văn Thăng thôn Thống Nhát, xã Minh Tân, huyện Kiến Thụy… Các mô hình được xây dựng và phát triển cung ứng đa dạng các mặt hàng ra thị trường, giúp nông dân nâng cao thu nhập.
Hướng đến nông nhiệp hữu cơ
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền hội viên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, HLV TP. Hải Phòng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch chỉ đạo xây dựng mô hình vườn theo hướng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn kiểu mẫu và xây dựng mô hình vườn đô thị, góp phần phát triển đô thị bền vững thân thiện mới môi trường.
Bà Ngô Thị Minh Hà, Chủ tịch HLV TP. Hải Phòng, cho biết, Hội đã xây dựng kế hoạch và đang trình, xin ý kiến để thực hiện mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn tại TP. Hải Phòng giai đoạn 2022 - 2024. Xây dựng mô hình vườn mẫu trong khu dân cư, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2020-2025 nhằm hướng tới phát triển kinh tế hộ gia đình, thực hiện các tiêu chí phát triển nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại TP. Hải Phòng.
“Ngoài việc xây dựng mô hình vườn mẫu theo hướng nông nghiệp hữu cơ, HLV thành phố tiếp tục củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tăng cường kết nạp hội viên mới. Đồng thời, bám sát sự chỉ đạo của UBND TP. Hải Phòng, phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Qua đó, phát triển sản xuất kinh tế VAC có hiệu quả cao để nhân ra diện rộng”, bà Hà nhấn mạnh.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.