Hướng dẫn đầu tư tái sản xuất kinh tế vườn, thử “vận may” với những cây, con mới, phối hợp với các tổ chức tiêu thụ nông sản… là cách mà Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đang đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt khó trong đại dịch Covid-19.
Tìm hướng đi mới
Sau vụ dưa lưới thu hoạch hồi tháng 6/2021, anh Võ Tá Thanh, thôn Trung Phú, xã Thạch Trung (TP. Hà Tĩnh) rút ra được nhiều kinh nghiệm quý. Lần đầu làm quen với sản xuất dưa trong nhà lưới, cũng là lần đầu anh phải đối mặt với khó khăn mà kể cả trong dự tính cũng không nghĩ đến, khi mùa thu hoạch trùng vào thời điểm toàn thành phố thực hiện lệnh cách ly xã hội do dịch Covid-19 tái bùng phát.
Lo lắng thiếu nhân lực vào thời điểm bận rộn nhất của mùa vụ, khó thu hồi vốn sau đầu tư… nhưng đổi lại anh đã tìm thấy thị trường đang khá sôi động và nhiều tiềm năng ở kênh bán hàng trực tuyến.
Anh Thanh cho biết: “Vụ thu hoạch dưa lưới đầu tiên, tôi thu được 2 tấn (với diện tích sản xuất 500m2), bán giá 25.000 đồng/kg, so với thời điểm trước dịch, giá bán này thấp hơn nhưng qua gợi ý của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, tôi chuyển chào hàng qua kênh Facebook, Zalo của các cấp Hội và trang cá nhân, thu hút được sự quan tâm và tin tưởng của khách hàng. Thời gian các ngành nghề khác nghỉ dịch Covid-19, tôi tranh thủ thuê nhân công đổ thêm đất nền, gia cố lại nhà lưới để chuẩn bị kỹ càng cho mùa xuống giống vụ dưa mới”.
Đầu tư nghiêm túc vào nông nghiệp, ngoài 500m2 trồng dưa nhà lưới công nghệ cao, anh Thanh còn mở rộng vườn, trồng thêm giống ổi chất lượng cao, bưởi da xanh, nuôi cá nước ngọt với định hướng xây dựng khu sản xuất nông nghiệp tập trung rộng 1,2 ha.
So với địa bàn khác, phường Thạch Quý (TP. Hà Tĩnh) có khá nhiều lợi thế khi vừa có các hoạt động thương mại - dịch vụ và đô thị, vừa có vùng sản xuất nông nghiệp phong phú như: rau, hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản… Để “kích hoạt” sản xuất sau đại dịch Covid-19, Thạch Quý đang xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế vườn theo hướng liên kết. Trước mắt, địa phương sẽ khảo sát nhu cầu của các hộ, thành lập tổ hợp tác và hợp tác xã để vừa kết nối, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ, vừa xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Hiện nay, những khu vườn sản xuất truyền thống ở các xã ven đô Thạch Hạ, Thạch Hưng, Đồng Môn (TP. Hà Tĩnh), Tượng Sơn, Tân Lâm Hương (Thạch Hà)… vẫn tươi xanh những loại cây trồng mang tính thời vụ. Dù ảnh hưởng của dịch nhưng sản phẩm nông nghiệp ở đây vẫn tìm được thị trường bán lẻ.
Một trong những bí quyết để vườn mẫu quanh năm có thu nhập thường xuyên của ông Phan Trọng Sâm (thôn Yến Giang, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) là trồng rau cải trái vụ, gối vụ. Rau trái mùa vừa ít sâu bệnh, dễ chăm sóc lại bán được giá cao.
Ông Sâm cho biết: “Nhiều người cho rằng, trồng rau cải trái vụ nhiều sâu bệnh và phải phun các loại thuốc trừ sâu nhưng thực tế kinh nghiệm 4 năm qua, tôi thấy không phải như vậy. Mùa hè nóng, đất thiếu độ ẩm, sâu bệnh không phát triển mạnh, để rau xanh tốt thì phải tưới nước nhiều. Ở đây, hệ thống tưới béc đã phát huy hiệu quả”.
Luôn đồng hành cùng người dân
Cùng với việc hướng dẫn người dân tìm hướng đi mới, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã xây dựng thành công mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau E-GAP (hữu cơ, VietGAP) tại xã Tượng Sơn. Tham gia mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau hữu cơ (theo TCVN 11041-2:2017 – trồng trọt hữu cơ) có 104 hộ của thôn Hà Thanh (xã Tượng Sơn), được lập thành 7 nhóm sản xuất và 1 liên nhóm.
Người dân phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản gồm: không dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc hóa học tổng hợp; không dùng phân bón hóa học; không sử dụng phân bắc, phân rác từ đô thị; không sử dụng giống biến đổi gen.
Đặc biệt, mô hình đã thành lập hệ thống cùng tham gia đảm bảo chất lượng trên nguyên tắc: tin tưởng lẫn nhau, minh bạch, cùng hợp tác, cùng chịu trách nhiệm, phát triển chia sẻ niềm tin, quan tâm đời sống nông thôn. Mô hình góp phần quan trọng giúp địa phương thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, kinh tế số lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân có đầu ra cho sản phẩm ổn định…
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến việc tiêu thụ các sản phẩm từ vườn của nông dân. Do đó, nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng, góp phần ổn định sản xuất, đời sống hội viên, nông dân, cuối tháng 8 vừa qua, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ.
Bằng hình thức phối hợp cùng Hội Nông dân Hà Tĩnh đăng tin rao bán nông sản trên mạng xã hội (Zalo, Facebook); gửi thư ngỏ đến các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, tỉnh bạn mỗi ngày đã giúp người dân huyện Hương Khê bán từ 5 - 10 tấn sản phẩm. Đặc biệt, có ngày sản lượng tiêu thụ đạt trên 12 tấn. Giá bán bưởi Phúc Trạch dao động 20 - 30 nghìn đồng/quả.
Sau khi nhận đơn đặt hàng, các cấp Hội ở địa phương sẽ thống kê lượng hàng và phối hợp với hội viên, nông dân thu hoạch, đưa về khu vực tập kết. Tiếp đó, cán bộ, hội viên phân chia đơn hàng và tìm kiếm các phương tiện để giao hàng đến các cá nhân, đơn vị đặt mua.
Ông Cao Kim Liêm (thôn Ngọc Bội, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) chia sẻ, năm nay, tôi có hơn 8.000 quả bưởi, song, việc tiêu thụ khó khăn, giá cả cũng bấp bênh. Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP vừa qua, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh đã giúp gia đình tiêu thụ gần 400 quả bưởi với giá hợp lý. Hy vọng thời gian tới, tổ chức Hội sẽ kết nối thêm và tiếp tục hỗ trợ chúng tôi tiêu thụ sản phẩm.
TS. Nguyễn Xuân Tình, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh hướng dẫn người dân tuân thủ thông điệp 5K, chấp hành các quy định phòng, chống dịch của địa phương, Hội còn hướng dẫn bà con đầu tư tái sản xuất kinh tế vườn, thử “vận may” với những cây, con mới. Việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cũng là hoạt động thiết thực, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cùng nhau vượt qua khó khăn. Chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình kết nối tiêu thụ bưởi Phúc Trạch, cam, đồng thời chỉ đạo các cấp Hội lựa chọn sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp sản phẩm tốt nhất đến người tiêu dùng. Phát huy vai trò của các cấp Hội trong việc kết nối hỗ trợ thu hoạch, vận chuyển hàng hoá giúp hội viên, nông dân…
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.