Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp, ngành của Hà Tĩnh vẫn tạo điều kiện, hỗ trợ Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh hoạt động hiệu quả.
Hỗ trợ xây dựng nhiều vườn mẫu
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh TS. Nguyễn Xuân Tình cho biết, xây dựng khu dân cư kiển mẫu, vườn mẫu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là nội dung nhiệm vụ mới trong tiêu chí thứ 20 của Bộ tiêu chí NTM tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, vườn mẫu được UBND tỉnh giao cho Hội Làm vườn và Trang trại tham gia thực hiện. Từ năm 2013 – 2016, tỉnh có chính sách khuyến khích mỗi vườn đạt 5 tiêu chí được hỗ trợ 20 triệu đồng/vườn. Từ năm 2017 trở đi, chính sách thưởng đầu ra cho một vườn đạt 5 tiêu chí là 5 triệu đồng/vườn.
Hai năm qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cấp Hội Làm vườn và Trang trại huyện, xã vẫn tham gia giúp các hộ nhà vườn thực hiện 5 tiêu chí để được thưởng 5 triệu đồng/vườn. Lũy kế số vườn mẫu đạt chuẩn đến 31/7/2021 là 8.133 vườn. Trong đó, Hội Làm vườn đã tham gia xây dựng và nhân rộng khoảng 1.000 vườn mẫu. Đây là kết quả đáng khích lệ tham gia phong trào xây dựng NTM của Hội Làm vườn các cấp.
Từ năm 2021, Hội tích cực tham gia Đề án thí điểm xây dựng Hà Tĩnh đạt chuẩn tỉnh NTM giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trọng tâm là xây dựng mô hình vườn mẫu và nhân rộng vườn mẫu ứng dụng công nghệ số sản xuất sản phẩm VietGAP, hữu cơ.
Năm 2020, Hội thực hiện xây dựng mô hình vườn mẫu ứng phó biến đổi khí hậu do Văn phòng điều phối NTM của tỉnh giao nhiệm vụ. Hội đã phối hợp với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh biên soạn tài liệu về biến đổi khí hậu, giải pháp kỹ thuật sản xuất vườn mẫu ứng phó biến đổi khí hậu.
Tổ chức tập huấn cho 320 chủ vườn mẫu thuộc 16 xã chưa đạt chuẩn NTM với 400 lượt người tham dự. Mô hình này đang tiếp tục nhân rộng tới các hộ vườn mẫu trong toàn tỉnh.
Chuyển giao khoa học công nghệ
Năm 2021, Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh thực hiện chuyên đề khoa học công nghệ do Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện: “Xây dựng mô hình cộng đồng dân cư nông thôn giám sát truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả E-GAP (VietGAP - hữu cơ) tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà”. Quy mô sản xuất rau VietGAP tại 3 xứ đồng (Bắc Bình, Thượng Phú, Sâm Lộc) 16,5ha rau, 104 hộ tham gia; Quy mô sản xuất rau vườn hộ hữu cơ thôn Hà Thanh với 96 hộ tham gia.
Sau một thời gian thực hiện, chuyên đề đã hoàn thành với các sản phẩm khoa học: Quy trình sản xuất rau VietGAP, rau hữu cơ; Quy chế cộng đồng dân cư giám sát truy xuất nguồn gốc rau VietGAP, rau hữu cơ; Nhật ký giám sát truy xuất nguồn gốc rau VietGAP, rau hữu cơ, được Hội đồng khoa học cơ sở đánh giá cao sáng kiến mới, sáng tạo mới về giải pháp truy xuất nguồn gốc rau VietGAP, hữu cơ. Hội đồng đề nghị cho nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Có một sáng kiến sáng tạo khoa học công nghệ đạt hiệu quả cao. Do đặc tính đất Hà Tĩnh độ pH thấp (chua), Hội đã có sáng kiến sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển cho cây ăn quả (cam, bưởi...) và sản xuất rau hàng hóa. Hội được Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển hỗ trợ 5 tấn phân lân Văn Điển (2 tấn NPK để sản xuất rau VietGAP, 3 tấn lân nung chảy để sản xuất rau hữu cơ). Hội đã phối hợp thực hiện chuyên đề khoa học nêu trên. Đây là sáng kiến sáng tạo khoa học công nghệ áp dụng vào sản xuất được nông dân hưởng ứng, mang lại hiệu quả cao.
Theo TS. Nguyễn Xuân Tình, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng, Hội cùng hội viên vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.