Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 3 năm 2022 | 9:17

Hội Làm vườn Việt Nam thúc đẩy hợp tác liên kết tại Khánh Hòa

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có buổi làm việc với Đoàn công tác của Cơ quan đại diện phía Nam - Hội Làm vườn Việt Nam về tình hình, định hướng phát triển ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế VAC của địa phương.

Đẩy mạnh giao lưu, kết nối

Tại buổi làm việc, PGS.TS Mai Thành Phụng, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam đã giới thiệu những mô hình VAC hiệu quả, mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp; về bảo quản nông sản (cơ, điện lạnh, sấy…); giới thiệu các nguồn cung cấp vật tư đầu vào, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. 

Qua đó, PGS.TS Mai Thành Phụng bày tỏ mong muốn có thể tìm hiểu, hợp tác với tỉnh Khánh Hòa để phát triển kinh tế VAC phù hợp với điều kiện thực tiễn và khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh; liên kết giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc thù của các địa phương...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đinh Văn Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã thông tin sơ bộ tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, tạo sự kết nối giữa Hội Làm vườn với các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn để có sự trao đổi thông tin, hợp tác trong thời gian tới.

001.jpg
Nông dân huyện Khánh Vĩnh thu hoạch bưởi da xanh.

 

PGS.TS Mai Thành Phụng đã đề xuất 10 giải pháp có thể hợp tác với tỉnh Khánh Hòa để phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái, tiêu thụ sản phẩm nông sản phục vụ du lịch…

Đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo huyện Khánh Sơn; kết nối các doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh tham gia tư vấn, hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp, trang trại tại Khánh Sơn để đầu tư kho lạnh, cấp đông bảo quản nông sản và cam kết bao tiêu sầu riêng và các loại nông sản của Khánh Sơn nếu chuyển đổi hướng sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng.

Đoàn cũng đến thăm, giao lưu, kết nối với một số nhà máy, trang trại tại huyện Vạn Ninh…

Phát triển mạnh vùng chuyên canh cây ăn quả

Những năm qua, diện tích trồng các loại cây ăn quả của Khánh Hòa tăng rất nhanh.

Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm qua, diện tích trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn Khánh Hòa tăng nhanh, đến nay đạt hơn 18.000ha. Diện tích trồng cây ăn quả tăng do người dân chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như: xoài, sầu riêng, bưởi da xanh…

Trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, thâm canh như: Cây xoài ở huyện Cam Lâm, cây sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, cây bưởi da xanh ở huyện Khánh Vĩnh; một số vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, diện tích cây ăn quả được công nhận đạt chuẩn VietGAP gần 130ha.

Hiện, cây công nghiệp dài ngày trên địa bàn Khánh Hòa chủ yếu là cây điều với hơn 4.000ha, sẽ tái cơ cấu theo hướng duy trì những vùng điều năng suất hơn 1,5 tấn/ha và ở những vùng đất khô cằn, tầng đất mỏng có tác dụng bảo vệ môi trường, còn chuyển một số diện tích sang cây ăn quả. Cây công nghiệp ngắn ngày chủ yếu tập trung ổn định diện tích cây mía khoảng 10.000ha, hình thành vùng mía tập trung và thâm canh ở thị xã Ninh Hòa.

Ông Trần Thiện Hùng cho biết, từ năm 2017-2021, nông dân toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 5.000ha cây trồng, trong đó khoảng 40% diện tích tiếp cận được chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng của Nhà nước.

Theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Khánh Hòa, lĩnh vực trồng trọt dần định hình những loại cây trồng đem lại thu nhập cao cho nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số hạn chế như: sản lượng không ổn định do còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết; diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; cơ sở hạ tầng thủy lợi chủ yếu phục vụ sản xuất lúa, còn những cây trồng khác chưa được đầu tư tương xứng. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, đòi hỏi hoạt động sản xuất, phân phối nông sản cần thực hiện theo chuỗi quy trình. Đó là sản xuất theo quy trình sạch, có nguồn gốc rõ ràng, bao bì nhãn mác đầy đủ, có hệ thống chế biến hiện đại, mô hình phân phối phù hợp…

Làm giàu từ vú sữa Hoàng Kim

Vườn vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh Phan Văn Phong ở xóm Suối Sóc, thôn Liên Hòa (Sơn Bình, Khánh Sơn) đang vào đợt thu hoạch. Anh Phong cho hay, thời gian trước, có dịp vào các tỉnh phía Nam, tham quan vườn cây vú sữa Hoàng Kim sai quả, giá bán cao, ăn ngon nên anh đã tìm hiểu, sau đó đến vựa cây giống ở tỉnh Bình Dương tìm mua loại cây này về trồng thử nghiệm. Vú sữa Hoàng Kim có nguồn gốc từ Đài Loan, mới được trồng ở Việt Nam chưa lâu. Tại Khánh Sơn, vườn của gia đình anh có quả đầu tiên.

Đầu năm 2019, trên diện tích đất đang trồng sầu riêng, anh Phong đã trồng xen gần 50 cây vú sữa Hoàng Kim với giá mua cây giống ban đầu khoảng 200.000 đồng/cây. Bước đầu trồng thử nghiệm, anh Phong gặp lúng túng trong khâu chăm sóc. Tìm hiểu kỹ hơn, anh biết được loại cây này khi trồng phải đắp mô cao, không cần sử dụng nhiều phân bón hóa học. Nhờ được chăm sóc tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Khánh Sơn nên sau 18 tháng, vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh đã bắt đầu cho trái.

002.jpg
Vú sữa Hoàng Kim trong vườn của gia đình anh Phan Văn Phong đã cho thu hoạch.

 

Theo anh Phong, mỗi năm, vú sữa Hoàng Kim cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng. Quả vú sữa này ban đầu có màu xanh, khi chín ngả màu vàng tươi, càng chín trái càng vàng đều rất đẹp; đặc biệt khi chín có vỏ mỏng, vị ngọt nhẹ hơn so với vú sữa thường. Mỗi cây có mùi thơm riêng, trung bình 3 - 4 quả/kg, có quả hơn 0,5kg. Do cây mới trồng, sản lượng chưa cao nên mỗi đợt thu hoạch gia đình anh thu được 600-700kg quả.

Hiện, trên địa bàn các xã Sơn Bình, Sơn Hiệp và một số địa phương khác ở Khánh Sơn cũng có hộ trồng thử nghiệm loại cây ăn quả này nhưng số lượng còn hạn chế.

Chủ tịch UBND xã Sơn Bình Tạ Quốc Phong chia sẻ, xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng (toàn xã hiện có 380ha); bưởi da xanh (70ha),  quýt đường (80ha) , măng cụt, chôm chôm… Hiện, một số hộ dân trên địa bàn xã đang tiếp tục thử nghiệm các loại cây ăn quả mới, trong đó cây vú sữa Hoàng Kim đã cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện canh tác tại địa phương. Với giá bán ở mức 35.000-40.000 đồng/kg như hiện nay, giá trị kinh tế loại cây này mang lại cũng ở mức cao. Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến cáo người dân cần thận trọng khi quyết định đầu tư trồng loại cây này, bởi đây là loại cây ăn quả khá mới, việc tiêu thụ vẫn còn hạn chế, chưa có đầu ra ổn định; bảo quản, vận chuyển khó…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu hy vọng, Hội Làm vườn Việt Nam làm cầu nối giữa Khánh Hòa với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước về trao đổi, cung cấp vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật chăm sóc, chế biến, hợp tác tiêu thụ nông sản; quan tâm hợp tác, hỗ trợ tỉnh trong phát triển hiệu quả mô hình VAC, tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân.

 

 

Khánh Ngân
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top