Hội quán nông dân ra đời với mục đích giúp nông dân chia sẻ những kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa, xã hội và hỗ trợ nhau trong sản xuất - kinh doanh.
Đặc trưng của mô hình này là sự tự nguyện tham gia của các thành viên với mục tiêu thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con nông dân.
Thời gian qua, mô hình Hội quán nông dân ra đời trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội. Hiện nay, toàn huyện Chợ Mới đã thành lập được 18 Hội quán nông dân với nhiều tên gọi khác nhau, như: Hội quán GAP cù lao Giêng, Hội quán làm vườn, Hội quán trồng rau an toàn, Hội quán trồng hoa kiểng… với hơn 560 thành viên tham gia. Trong quá trình hoạt động, mô hình đã tập hợp được nhiều nông dân ưu tú, có uy tín trong cộng đồng, cùng hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Xuất phát từ hình thức liên kết tự nguyện của những nông dân có chung mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khoa học-kỹ thuật và cập nhật thông tin thị trường, Hội quán nông dân thật sự là điểm đến phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của nông dân.
Bên cạnh đó, Hội quán còn là nơi để các nhà khoa học, doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi với nông dân, khuyến khích bà con áp dụng công nghệ vào sản xuất, hướng đến xây dựng thương hiệu nông sản và liên kết tiêu thụ hàng hóa. Đồng thời, đây còn là kênh trao đổi giữa nông dân với chính quyền, đoàn thể nhằm giúp hội viên, nông dân nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như đề đạt nguyện vọng của mình.
Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Mới Lê Nghĩa Thuấn cho hay: “Hầu hết các Hội quán nông dân được thành lập đều tập trung xây dựng ít nhất một thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương. Trên tinh thần học hỏi mô hình Hội quán nông dân của tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi vận dụng linh hoạt vào điều kiện thực tế của các xã, thị trấn. Do đó, hoạt động của từng hội quán mang tính đặc thù, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch của từng địa phương.
Ngoài ra, hội quán còn tập hợp những nông dân cùng sản xuất chung một ngành nghề như: làm vườn, trồng rau an toàn, hoa kiểng, cam, bưởi, xoài… nên dễ tạo sự gắn kết giữa các thành viên. Với nội dung phong phú, đa dạng và lịch sinh hoạt định kỳ 1-2 lần/tháng giúp cho Hội quán nông dân thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia”.
Theo ông Thuấn, mô hình Hội quán nông dân đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Chợ Mới. Đặc biệt, Hội quán còn giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống, hướng đến xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương nhằm tiếp cận những thị trường giàu tiềm năng. Từ đó, nông dân Chợ Mới mạnh dạn tham gia hoạt động liên kết sản xuất - kinh doanh với quy mô lớn.
Bên cạnh đó, đa số các thành viên hội quán đều là những nông dân dám nghĩ, dám làm, hướng tới nền sản xuất hữu cơ, bảo đảm các yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Từ đó, tạo đà cho sự phát triển bền vững cho mô hình này trong tương lai.
Hiện nay, Hội Nông dân huyện Chợ Mới đang phát triển thêm mô hình “Cà phê khuyến nông” gắn với Hội quán nông dân tại các xã: Mỹ An, Bình Phước Xuân, Long Giang, Long Điền B. Các quán cà phê khuyến nông này có đầy đủ sách báo, thông tin thị trường cung cấp cho nông dân. Thay vì các Hội quán nông dân chỉ sinh hoạt theo định kỳ 1-2 lần/tháng thì những quán “Cà phê khuyến nông” hoạt động thường ngày.
Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, đây là nơi gặp gỡ giữa những nông dân và cán bộ khuyến nông để cùng chia sẻ thông tin kinh tế, thị trường cũng như các mô hình làm ăn mới, hiệu quả tại các địa phương trong cả nước. Nông dân có thể trao đổi những vấn đề còn thắc mắc để được cán bộ ngành nông nghiệp giải đáp, hướng dẫn.
“Chúng tôi đang thành lập các tổ - hội nghề nghiệp theo sở thích của nông dân về các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, làm vườn… trong các Hội quán nông dân. Đồng thời, trong các tổ - hội nghề nghiệp đó sẽ hình thành các tổ hợp tác sản xuất, giúp nông dân tiếp cận cách làm ăn tập thể theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên.
Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cùng sự tích cực tham gia của nông dân, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình Hội quán nông dân đạt được những kết quả tích cực hơn trong thời gian tới”, ông Lê Nghĩa Thuấn nhấn mạnh.
Để phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình trên cần sự chung tay, quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học, Hội Làm vườn và Hội Nông dân các địa phương.
Bí thư Huyện ủy Chợ Mới Võ Nguyên Nam chia sẻ, kết quả hoạt động của mô hình Hội quán góp phần tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Qua đó, ông yêu cầu các ban, ngành huyện hỗ trợ tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của Hội quán; lựa chọn các Hội quán kiểu mẫu để nhân rộng mô hình; thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho nông dân. Các Hội quán cần thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi diễn biến thị trường, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chuyên canh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.