Sản xuất tiêu hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, khác hẳn với tập quán canh tác truyền thống.
Thế nhưng, tất cả thành viên HTX Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Hữu cơ Hoàng Nguyên (xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đã chấp nhận bỏ cái cũ để hướng đến sản xuất tiêu sạch, tạo ra chuỗi sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Chuyển hướng sản xuất
Chị Trần Thị Thu, Chủ tịch HĐQT HTX trước đây từng là cộng tác viên khuyến nông. Với niềm đam mê nông nghiệp, tinh thần luôn học hỏi, chị đã cùng các thành viên khác thành lập nên HTX Hoàng Nguyên với 35 thành viên.
Trái với hình ảnh nhiều vườn tiêu ở huyện Đắk Song nói chung và xã Thuận Hà nói riêng ngả màu vàng úa, trụ chỏng trơ, cây chết tràn làn…, vườn hồ tiêu của HTX Hoàng Nguyên vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định. Điều đó có được là do các thành viên HTX sớm chuyển đổi từ sử dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ sang sản xuất sạch theo hướng hữu cơ bền vững - nói không với thuốc trừ cỏ, các thuốc hóa học và phân bón vô cơ.
Không chỉ trong quá trình chăm sóc mà kể cả thu hoạch và phơi sấy cũng phải đảm bảo chất lượng, không bị lẫn tạp chất nên đa số các thành viên trong HTX đều xây dựng hệ thống nhà kính để làm sân phơi hồ tiêu với diện tích 100 – 800 m2.
Chính sự tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến mà tiêu của HTX Hoàng Nguyên trải qua test mẫu với 804 chất khác nhau đều đạt kết quả tốt và được cấp chứng nhận Organic. Nhờ vậy mà các công ty liên kết thu mua sản phẩm của HTX ngày càng nhiều, có nhiều sự lựa chọn nên giá bán cũng cao hơn thông thường 2-3 lần.
Hiệu quả thực tế
Mỗi tháng, HTX tổ chức họp 2 lần với mục đích để các thành viên chia sẻ, thăm vườn cũng như kiểm tra vườn định kỳ. Yêu cầu đặt ra là mỗi hộ thành viên trồng tiêu phải sử dụng trụ sống, bón 100% phân chuồng ủ nấm Trichoderma cho hoai mục; ngoài ra các thành viên còn tự ủ phân cá để bón. Hàng năm, các thành viên phải rải vôi bột 2 lần trên bề mặt vườn cây để chống nấm xâm nhập, hạn chế mầm bệnh.
Chị Thu chia sẻ: “Những ngày đầu, để vận động, tuyên truyền các thành viên không hề đơn giản, kể cả người thân của mình cũng không nghe. Người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp sạch, vẫn theo quan điểm mạnh ai nấy làm nên phải trải qua gần 5 năm vận động, tuyên truyền và gia đình mình làm trước có hiệu quả thì người xung quanh mới cùng làm”.
Anh Nguyễn Văn Hữu, thành viên của HTX, tâm sự: “Trồng tiêu theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm: Đất trồng tiêu được cải tạo, tơi xốp hơn, tăng khả năng giữ nước và thoát nước. Tăng các chủng loại vi sinh vật có ích, nâng cao sức sống rễ cây, hạn chế mầm bệnh gây hại có trong đất. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc tiêu hữu cơ cũng có những công đoạn khiến các thành viên HTX vất vả và tốn chi phí hơn như khâu làm cỏ. Tính trung bình, tiền công cắt cỏ trên 1ha cao hơn tiền sử dụng thuốc diệt cỏ 4 - 5 lần. Thế nhưng, cách canh tác này lại rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các loài sâu hại, nấm bệnh, rệp sáp ít tấn công nên chi phí đầu ra giảm và giá bán cao hơn nhiều lần”.
Không chỉ dừng lại ở sản xuất hồ tiêu hữu cơ, hiện nay, HTX Hoàng Nguyênđang xây dựng kế hoạch đầu tư và sản xuất cây ăn trái thế mạnh của vùng như bơ, sầu riêng,… để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mục tiêu HTX đặt ra là đưa tới người tiêu dùng sản phẩm tốt nhất, nguồn gốc rõ ràng, tạo ra chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.