Với sự hỗ trợ của phường Thường Thạnh (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ), Tổ hợp tác trồng chanh không hạt khu vực Thạnh Lợi được thành lập, thu hút nhiều nông hộ tham gia.
Nhờ liên kết, nông dân có điều kiện thuận lợi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Chuyển đổi cây trồng
Ông Võ Văn Hai, người tiên phong thử nghiệm mô hình trồng chanh không hạt tại địa phương kể, 4 năm trước, khi 3,5 công (1 công = 1.000m2) vườn của gia đình trồng nhãn da bò cho lợi nhuận thấp vì giá cả bấp bênh, cộng với bệnh chổi rồng lan rộng, ông trăn trở tìm giống cây trồng thay thế.
Năm 2015, ông nghe giới thiệu giống chanh không hạt có nhiều ưu điểm: cho trái quanh năm, giá thành ổn định, nên đặt mua 500 nhánh, với giá 15.000 đồng/nhánh, về trồng thử. Năm đầu, ông Hai lo lắng vì cây phát triển chậm. Được tạo điều kiện tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây có múi và tham quan các mô hình trồng chanh hiệu quả, ông Hai ứng dụng chăm sóc vườn chanh của gia đình. Với 3,5 công chanh không hạt, mỗi tháng ông Hai thu hoạch 500 -700kg quả, bán được 10 - 14 triệu đồng.
Theo ông Hai, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của giống chanh này là trái to, mọng nước, có mùi thơm đặc trưng nên đầu ra ổn định.
Để vườn chanh phát triển tốt, ông Hai thường xuyên vun gốc, bơm bùn để cho bộ rễ chanh phát triển mạnh, hạn chế sâu bệnh tấn công. Nhờ cần mẫn chăm sóc nên vườn chanh của gia đình ông Hai lúc nào cũng xanh tốt, trái sai trĩu cành.
Hướng đi hiệu quả
Sau nhiều năm canh tác và tích lũy kinh nghiệm, ông Hai chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc chanh không hạt cho nhiều hội viên, nông dân trong khu vực. Năm 2018, được sự giúp đỡ của Hội Làm vườn, Hội Nông dân phường Thường Thạnh, Tổ hợp tác trồng chanh không hạt khu vực Thạnh Lợi được thành lập. Tổ hợp tác có 21 thành viên với diện tích 10ha. Từ khi thành lập tổ hợp tác, nhiều thành viên trong tổ được tham gia tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh không hạt nên năng suất đạt khá cao.
Ông Phạm Văn Ba, khu vực Thạnh Lợi, cho biết: “Thấy bà con trong khu vực trồng chanh cho thu nhập khá cao, năm 2017, tôi phá bỏ 6 công cam sành để trồng chanh không hạt. Đến nay, chanh bắt đầu cho trái chiến và thu hoạch được 1 tấn trái/tháng. Hiện, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 17.000-22.000 đồng/kg. Trừ chi phí, tôi thu lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/tháng”.
Hiện nay, các hộ tham gia Tổ hợp tác trồng chanh không hạt khu vực Thạnh Lợi đều khẳng định hiệu quả của mô hình sản xuất với thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, về lâu dài, bà con đề nghị các sở, ngành, thành phố quan tâm, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay để cải tạo vườn; đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm phát triển sản xuất...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.