Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 8 năm 2016 | 1:30

Hưng Yên: Mở rộng diện tích trồng nhãn theo quy trình VietGAP

Thực hiện dự án “Bảo tồn giống nhãn và nâng cao chất lượng sản phẩm vùng chuyên canh nhãn của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2012 - 2015”, Ban quản lý dự án đã lựa chọn xây dựng các mô hình thâm canh nhãn tại các huyện: Kim Động, Khoái Châu, Tiên Lữ và TP. Hưng Yên với diện tích hơn 30ha. Trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ được tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, được hỗ trợ một phần kinh phí mua phân bón, thuốc BVTV.

Cán bộ Trạm bảo vệ thực vật TP.Hưng Yên hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nhãn cho nông dân xã Hồng Nam.

Đến nay, Hưng Yên có 2 vùng sản xuất nhãn xuất khẩu theo quy trình VietGAP với diện tích hơn 30ha, 175 hộ tại các xã Hàm Tử (Khoái Châu), Hồng Nam (TP.Hưng Yên) tham gia , trong đó có hơn 20ha đã được cơ quan chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp mã số xuất khẩu sang Mỹ.

So với nhãn trồng, chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống, 1 sào Bắc Bộ (360m2) nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP chi phí lao động thấp hơn 150.000 đồng, năng suất nhãn quả cao hơn 40kg, thu lãi cao hơn khoảng 2 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Văn Thế, chủ vườn nhãn ở xã Hàm Tử (Khoái Châu), cho biết: “Trước đây, nông dân trong xã sản xuất nhãn chủ yếu theo kinh nghiệm, nhiều hộ chưa thực sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như: Sử dụng phân hữu cơ chưa hoai mục bón trực tiếp cho nhãn; trong vườn còn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; sử dụng thuốc BVTV, hóa chất quá ngưỡng hoặc không đủ thời gian cách ly đã thu hoạch… Năm 2015, được tham gia mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGap, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật nên việc chăm sóc không phù hợp đã chấm dứt. Năm nay, tôi và các hộ trong vùng tiếp tục áp dụng kỹ thuật sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, có ghi chép nhật ký để bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm”. 

Ông Nguyễn Văn Cảnh, người có thâm niên trồng nhãn ở phường Lam Sơn (TP. Hưng Yên), cho biết: “Tuy không tham gia mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP nhưng để tạo uy tín đối với người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả sản xuất, từ nhiều năm nay, tôi đã tìm hiểu và ứng dụng theo quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, nhãn quả đạt chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, được khách hàng ưa chuộng. Trung bình 1 năm gia đình thu được 15-17 tấn nhãn quả, thu hoạch đến đâu khách đến đặt mua đến đó, giá bán cao hơn nhãn quả được sản xuất theo phương pháp truyền thống từ 7.000 - 10.000 đồng/kg”.

Năm 2015, lần đầu tiên Hưng Yên xuất khẩu nhãn sang thị trường Mỹ, được đánh giá cao. Ngoài ra, nông dân các huyện: Khoái Châu, Kim Động và TP. Hưng Yên chủ động đến các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm, qua đó nhiều doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn đã ký hợp đồng thu mua nhãn với giá cao hơn mọi năm.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, có trụ sở chính ở Hà Nội, cho biết: “Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp đã đến Hưng Yên thu mua nhãn để cung cấp cho 22 nhà hàng, khách sạn. Nhãn lồng của Hưng Yên có chất lượng cao, được khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, ngoài duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn lồng Hưng Yên cần được quảng bá rộng rãi hơn để người tiêu dùng nhận biết, phân biệt giữa nhãn Hưng Yên với nhãn có xuất xứ từ nơi khác”. 

Bà Đoàn Thị Chải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên, cho biết: Để đặc sản nhãn lồng Hưng Yên mang giá trị thu nhập cao và trở thành thương hiệu, thời gian tới, nhà vườn cần mở rộng diện tích sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, lấy chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản. Tỉnh, các ngành hữu quan cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, qua đó tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân thay đổi tư duy, tập quán sản xuất; quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá rộng rãi sản phẩm; công khai những hộ sản xuất đạt và không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên phương tiện truyền thông để người tiêu dùng lựa chọn trước khi mua sản phẩm. Đồng thời, các địa phương và chủ vườn cũng nên chủ động liên kết với doanh nghiệp, siêu thị và thị trường có tiềm năng để tiêu thụ nhãn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của địa phương.  

Đức Toản

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top