Do mang lại giá trị kinh tế cao, chanh dây được coi là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn đang tập trung đầu tư xd nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai” để nâng tầm các sản phẩm từ loại cây trồng này.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Chanh dây được trồng rải rác ở Gia Lai từ năm 2012. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh đã giúp cho loại cây trồng này từng bước khẳng định giá trị kinh tế. Đặc biệt, 2 năm trở lại đây, giá chanh dây liên tục tăng cao và giữ ổn định.
Ông Tạ Thân Liêm (làng Sát Tâu, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết: “Trước đây, tôi trồng cà phê và hồ tiêu nhưng giá cả bấp bênh. Từ khi trồng chanh dây thì thu nhập ổn định hơn. Đặc biệt, từ cuối năm 2020 đến nay, giá chanh dây liên tục tăng cao và ổn định ở mức 25-28 ngàn đồng/kg chanh xô. Mỗi năm, trừ chi phí, tôi thu lãi 200-300 triệu đồng/ha”.
Còn anh Trần Tấn Thành (làng O Pếch, xã Ia Pếch) thì cho hay: “Vườn cây hơn 3 ha của gia đình dù mới thu bói đợt đầu nhưng cũng đạt 10 tấn chanh xô, giá bán trung bình 27 ngàn đồng/kg. Mỗi năm, gia đình tôi thu lãi khoảng 250 triệu đồng”.
Theo ông Đào Lân Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, chanh dây có đầu ra ổn định. Huyện tập trung đầu tư xây dựng các mô hình điểm và thành lập các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất chanh dây. Đặc biệt, huyện vận động người dân sản xuất sản phẩm chanh dây an toàn thực phẩm để nâng cao chất lượng và giá trị, hướng đến xuất khẩu.
Huyện Đak Đoa hiện có trên 500 ha chanh dây, tập trung ở các xã: Nam Yang, Trang, Hà Bầu. Ông Nguyễn Kim Anh,Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Bên cạnh Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai, trên địa bàn huyện còn có 3 nhà máy chế biến dịch chanh dây đông lạnh xuất khẩu. Vì vậy, đầu ra của loại cây trồng này rất ổn định.
Để đảm bảo nguồn cây giống chất lượng cao, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai đã thẩm định, công nhận 880 giống chanh dây đầu dòng của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Gia Lai, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sê San, Công ty cổ phần Nafood Tây Nguyên… Hàng năm, các doanh nghiệp này cung cấp khoảng 2,1 triệu cây giống chất lượng cho người dân.
Tập trung xây dựng nhãn hiệu chứng nhận
Chanh dây được chế biến thành nhiều sản phẩm như: nước chanh dây cô đặc, ruột chanh dây nguyên hạt đông lạnh, nước chanh dây đóng lon, mứt vỏ chanh dây, nước ép cô đặc, tinh dầu… Ngoài ra, quả chanh dây còn được xuất khẩu trực tiếp qua thị trường châu Âu và nhiều nước khác trên thế giới. Chính vì thế, loại cây này đang dần khẳng định được vị thế trên bản đồ cây trồng của tỉnh Gia Lai nhờ giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng mở.
Để loại cây trồng này phát triển bền vững cũng như nâng tầm giá trị các sản phẩm từ quả chanh dây, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai”.
Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang), cho hay: Các sản phẩm chanh dây của HTX được sản xuất theo quy trình khép kín, cây giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh, được HTX bảo hộ từ lúc trồng đến bao tiêu sản phẩm cho các thành viên. “Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai” là rất thiết thực và hữu ích. Vì vậy, HTX rất tích cực tham gia các lớp tập huấn về quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức với mong muốn đưa sản phẩm vươn ra thế giới”, bà Thơm kỳ vọng.
Còn ông Đinh Văn Tĩnh, Phó Giám đốc Thường trực Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai thì đánh giá: Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai” rất có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Thời gian qua, chúng tôi chú trọng liên kết với các HTX, hộ dân để xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo quy trình canh tác đúng quy định. Mỗi ngày, nhà máy nhập 400-450 tấn chanh dây. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu chỉ mới đáp ứng được khoảng 100-150 tấn/ngày nên chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết mở rộng diện tích trong thời gian tới.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, cho biết: UBND tỉnh đã đồng ý cho sử dụng tên địa danh Gia Lai và xác nhận vùng bản đồ mang nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai”. Dự kiến trong tháng 12 này sẽ trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xem xét, công nhận. Nếu thuận lợi, trong quý III/2022, nhãn hiệu chứng nhận “Chanh dây Gia Lai” sẽ được cấp văn bằng bảo hộ. Đây là bước tạo đà để chanh dây Gia Lai vươn ra thị trường quốc tế.
Gia Lai hiện có hơn 3.100ha chanh dây. Năng suất trung bình 40 tấn/vụ/ha, sản lượng ước trên 120.000 tấn. Theo tính toán, với 1ha chanh dây, nông dân đầu tư giống, vật tư, phân bón khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha trong chu kỳ thu 3 năm. Với giá bán như hiện nay, trừ chi phí, nhà vườn thu lãi 300 - 600 triệu đồng/ha, tùy năng suất và chất lượng quả. Ngoài ra, việc trồng, chăm sóc loại cây này cũng khá đơn giản, có thể thu hoạch sau 5 - 7 tháng trồng. Các huyện có diện tích chanh dây nhiều nhất là Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Grai, Đăk Pơ, Chư Prông. Tại đây, nông dân liên kết thành tổ, HTX. Các tổ liên kết này ký hợp đồng cung ứng cho các nhà máy chế biến trong tỉnh. Nhờ vậy, trong khi tình hình dịch Covid-19 tại Gia Lai phức tạp, nhưng việc tiêu thụ chanh dây vẫn thông suốt. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.