Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 8 năm 2017 | 2:32

Hướng đi mới của người làm vườn Quế Võ

Từ khi Khu công nghiệp Quế Võ, huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đi vào hoạt động, quỹ đất dành cho nông nghiệp thu hẹp, thay vào đó là nhu cầu chốn ăn nghỉ, giải trí và tiêu thụ nông sản của công nhân tăng lên. Nắm bắt được sự chuyển đổi ấy, nhiều hội viên Hội Làm vườn (HLV) huyện Quế Võ đã nhanh nhạy tham gia thị trường dịch vụ, đồng thời vẫn giữ mô hình VAC truyền thống, vừa để phục vụ nhu cầu cho các nhà hàng, quán ăn, vừa để phát triển kinh tế hộ.

 Lãnh đạo HLV Bắc Ninh thăm khu cá giống của trang trại ông Bằng, xã Đào Viên.

Quy hoạch lại khuôn viên vườn

Ông Nguyễn Tài Chiến ở xã Phương Liễu có 2 mẫu vườn (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) nằm sát Khu công nghiệp Quế Võ 1. Hơn 20 năm nay, gia đình ông vẫn sản xuất theo mô hình  VAC truyền thống: nuôi cá, gà, vịt, lợn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, khi khu công nghiệp dần lấp đầy, nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân cao, ông mạnh dạn phá bỏ quy hoạch cũ, sắp xếp lại vườn theo hướng đô thị hóa. Nghĩa là vẫn giữ lại vườn cây, ao cá, nhưng trồng thêm cây cảnh, cây thế, tạo lối đi và sân chơi rộng. Không làm VAC đơn thuần, ông chuyển sang chăn  nuôi gà ta thả vườn, ba ba, cá... Quỹ đất dôi ra, ông Chiến xây 25 phòng trọ, giải quyết chỗ ở lâu dài, ổn định cho 50 công nhân với mức giá trung bình 700.000 đồng/phòng/tháng. Theo đó, doanh thu hàng năm từ gà sạch là 60 triệu đồng, ba ba 50 triệu đồng, cá 40 - 50 triệu đồng, nhà trọ 18 triệu đồng/tháng, mỗi năm ông thu về trên 400 triệu đồng. 

Tương tự như ông Chiến, Hội trưởng Hội trang trại và nghề vườn Quế Võ, ông Nguyễn Văn Tỉu, ở xã Châu Phong, cũng kết hợp làm trang trại và kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ. Hiện, ông sở hữu trang trại tổng hợp gần 10 mẫu trong làng, còn 350m2 đất ở cầu Bình Than, cạnh Khu công nghiệp Quế Võ 2, ông xây dựng khu nhà nghỉ 18 phòng, khu ẩm thực 8 phòng. Hiện, tất cả đã đi vào hoạt động, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của công nhân.

Với những hộ ở xa khu công nghiệp như ông Phạm Trọng Bằng, xã Đào Viên, thì chuyển hướng từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá chất lượng cao. Theo đó, để thực hiện dự định trên, ông Bằng đang tiến hành các thủ tục thành lập hợp tác xã kiểu mới nuôi trồng thủy sản, cung cấp cá giống chất lượng cao. Trước mắt, ông thuê chuyên gia ngành thủy sản cùng ăn, ở tại trang trại để hợp tác. Hiện, ông đang tiến hành cải tạo ao để nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ và cá chép chọn giống, nguồn thức ăn cũng do ông tự chế biến hoặc lựa chọn thức ăn chăn nuôi có chọn lọc.

Phó chủ tịch Hội Làm vườn huyện Quế Võ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: “Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện vẫn duy trì ổn định 1.019ha. Sản lượng đánh bắt và nuôi trồng ước đạt 4.930 tấn, giá trị ngành thủy sản 204,5 tỷ đồng. Hội sẽ tiếp tục ổn định 13 trang trại hiện có, đồng thời xây dựng đề án mở rộng kinh tế trang trại cả về quy mô, số lượng, chất lượng. Điểm đặc biệt ghi nhận về kinh tế tập thể ở Quế Võ thời gian qua là, nhiều hộ đã tích cực đầu tư nuôi trồng theo hướng thực phẩm sạch, chất lượng cao để nâng giá trị thu nhập và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngoài ra, Quế Võ còn có 9 HTX tổng hợp VAC, 124 HTX nông nghiệp; trong đó có 104 HTX dịch vụ nông nghiệp, 2 HTX trồng trọt, 4 HTX thủy sản, 5 HTX chuyên ngành khác... Giá trị nông nghiệp toàn huyện ước đạt 75.060 tỷ đồng”.

Hoạt động Hội ngày càng hiệu quả

Cũng theo ông Sơn, mặc dù gặp khó khăn do hội viên sinh hoạt ở các khu, cụm công nghiệp nhiều, song năm 2016, Hội cũng đã kết nạp được 70 hội viên, đưa tổng số hội viên toàn huyện lên 1.520 người. Toàn huyện hiện có 35 chi, tổ hội, duy trì sinh hoạt hàng tháng, quý đều đặn và luôn giữ mức trên 75% cán bộ, hội viên tham gia. 21/21 xã, thị trấn có Phó chủ tịch UBND làm Chủ tịch HLV, tổ chức HLV các cấp liên tục được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Vai trò của Hội được chính quyền đánh giá cao và tạo điều kiện cho các cấp Hội hoạt động tốt. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2012 - 2016 đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình làm kinh tế VAC cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm, đó là những mô hình tích cực áp dụng  tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất như: canh tác khoai tây, thủy sản, chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ cao...

Quế Võ hiện có 105 mô hình kinh tế tiêu biểu. Về thủy sản có hộ các ông Nguyễn Văn Lương (Yên Giả), Nguyễn Văn Hiền (Đại Xuân), Nguyễn Văn Chiến (Châu Phong). Sản xuất tổng hợp có ông Nguyễn Thế Xuyền (Châu Phong), Nguyễn Văn Việt (Việt Hùng). Về nuôi con đặc sản có các ông Nguyễn Văn Nhánh (Hán Quảng), Nguyễn Tài Chiến (Phương Liễu)… Ngoài ra, các cấp Hội còn phát động phong trào xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) như: CLB gia đình hội viên văn hóa, CLB hội viên phát triển bền vững, CLB hội viên văn hóa, sức khỏe, CLB cải thiện dinh dưỡng bền vững...

Đáng ghi nhận là, toàn huyện đã có tổng số quỹ Hội 318 triệu đồng, trong đó có 21 cơ sở cấp xã có số quỹ 11 triệu đồng, cả 35/35 chi Hội đều có quỹ. Riêng về công tác kiểm tra giám sát, năm 2016, HLV huyện đã tổ chức được 21 cuộc, 100% cơ sở Hội được huyện tiến hành kiểm tra. Công tác kiểm tra theo chuyên đề tập trung vào việc thực hiện công tác Hội, quản lý tài chính, quỹ Hội. Qua kiểm tra đã nâng cao ý thức cán bộ, hội viên trong việc thực hiện công tác Hội và phong trào VAC. Tham mưu, đề xuất kịp thời với các cấp ngành trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, mặt khác kịp thời uốn nắn, khắc phục những tồn tại, thiếu sót.

Nhờ làm tốt công tác kiện toàn và củng cố tổ chức Hội từ huyện đến cơ sở, hoạt động Hội ngày càng hiệu quả, số lượng hội viên ngày càng tăng cao. Vai trò, vị trí của Hội được khẳng định, nhất là Hội cơ sở có nhiều khởi sắc, tác động không nhỏ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên.

Mặc dù vậy, hoạt động của HLV huyện Quế Võ vẫn còn một số khiếm khuyết như: công tác phát triển hội viên chưa đạt 50% chỉ tiêu năm. Một số hội cơ sở, năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế, vai trò của Hội tham gia giải quyết kiến nghị, bức xúc của hội viên còn thiếu chủ động. Công tác xây dựng mô hình triển khai nhiều, song việc sơ, tổng kết đúc rút kinh nghiệm còn hạn chế.

Mặt khác, vai trò tham mưu đề xuất của Hội, nhất là sự phối hợp với các ban ngành còn hạn chế, thụ động, ỷ lại, một số chương trình phối kết hợp đạt hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa thường xuyên, chưa sâu sắc, ít có chuyên đề riêng dẫn đến hội viên nhận thức về Hội còn hạn chế. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao cho Hội hoạt động hiệu quả. Nhận thức về vai trò, vị trí của  HLV còn bị xem nhẹ, vì vậy, hoạt động của Hội, nhất là ở cơ sở vẫn gặp nhiều khó khăn, hình thức vận động quần chúng chậm đổi mới.

Để nâng cao vị thế của Hội, trong những tháng cuối năm 2017, HLV Quế Võ tiếp tục tuyên truyền nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, vận động hội viên tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Tích cực mở rộng quan hệ với các cấp, ngành đoàn thể, triển khai nhiều chương trình hoạt động thiết thực cho hội viên; nhất là khâu thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống hội viên. Phối hợp với trung tâm dạy nghề đào tạo nghề cho hội viên, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Triển khai nhiều chương trình hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tập trung vào khâu hội viên gặp khó khăn như chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, xây dựng mô hình điểm, ứng trước vật tư, tiêu thụ nông sản...

Hy vọng, với sự năng động, sáng tạo, HLV Quế Võ sớm trở thành một trong những đơn vị mạnh của Bắc Ninh.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vững, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Ninh, cho biết: “Những thay đổi ở Quế Võ thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhất là các mô hình VAC truyền thống được cải tạo, sắp xếp lại khuôn viên vườn tược, cho thuê nhà trọ, kinh doanh dịch vụ tổng hợp theo hướng đô thị hóa. Mặt khác, đa số hội viên HLV Bắc Ninh đều quản lý những trang trại vùng đồng chiêm trũng, hoang hóa. Phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền của mới thành khu du lịch sinh thái, nơi hội họp, nghỉ dưỡng cuối tuần cho thu nhập cao. Tổ chức HLV ngày càng được củng cố và xây dựng, khẳng định vị trí trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa -xã hội ở nông thôn. Công tác phát triển hội viên được quan tâm, đến nay, toàn huyện đã có 1.450 hội viên, thông qua hoạt động Hội, hội viên được giúp đỡ, tạo điều kiện tiếp thu tiến bộ kỹ thuật, sản xuất an toàn, bền vững, hội viên các cấp luôn tích cực tham gia công tác Hội và phong trào VAC, trong nhiệm kỳ đã có 220 lượt cán bộ Hội được tập huấn nghiệp vụ công tác Hội”.  

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top