Cục Trồng trọt phối hợp Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và Tập đoàn Lộc Trời vừa tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò hữu cơ sinh học trong canh tác nông nghiệp bền vững”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đã cùng nhau đề xuất, tìm kiếm những giải pháp mới trong ứng dụng hữu cơ sinh học vào thực tiễn sản xuất nông nghiệm.
Chuyển đổi còn chậm
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học đang là xu hướng phát triển của các quốc gia tiên tiến vì những lợi ích mà nó đem lại như bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sinh học được biết đến từ lâu nhưng chỉ mới được quan tâm trong một vài năm trở lại đây, nhất là khi những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động.
Hiện nay, quy mô và phạm vi sản xuất hữu cơ sinh học ở nước ta vẫn còn manh mún, hạn chế. Theo thống kê năm 2013, Việt Nam chỉ có khoảng 13.000ha gieo trồng theo phương thức canh tác hữu cơ chiếm chưa tới 0,1% tổng diện tích canh tác của cả nước (10,2 triệu hecta) và là một con số quá nhỏ bé so với 37 triệu hecta canh tác của thế giới. Lý giải nguyên nhân khiến việc mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ còn hạn chế, tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học một mặt đòi hỏi nhiều công sức và khó thực hiện trên diện rộng hơn so với sản xuất truyền thống. Mặt khác, phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm nên trong giai đoạn đầu ứng dụng, năng suất cây trồng chưa đạt được hiệu quả cao như khi sử dụng các loại phân thuốc hóa học khác. Khi bán ra, giá thành sản phẩm hữu cơ lại cao gấp 2 - 3 lần bình thường, công tác tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn vì người tiêu dùng không nhận biết được đâu là sản phẩm hữu cơ, đâu là sản phẩm thường. Vì những lẽ đó nên bà con nông dân vẫn chưa mặn mà với hướng đi này”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trả lời báo chí về hướng đi của ngành Nông nghiệp hữu cơ trong tương lai
Thực tế cho thấy, phương thức sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ đang dần bộc lộ nhiều hạn chế. Tình hình lạm dụng phân, thuốc hóa học khiến tài nguyên đất đai thoái hóa dẫn đến biến đổi khí hậu. Nó cũng khiến mức độ tồn dư của hóa chất kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh vật trong nông sản thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Thực trạng này chính là hồi chuông cảnh báo, buộc ngành Nông nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Những triển vọng mới
Với những tiến bộ của khoa học hiện đại trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, các ứng dụng sinh học ngày càng có nhiều điều kiện áp dụng rộng rãi hơn trong nông nghiệp. Các loại phân bón vi sinh đang thay thế một phần các loại phân vô cơ vốn làm cho đất thoái hóa theo thời gian sử dụng. Phương pháp quản lý sâu bệnh, dịch hại, sử dụng giống kháng, các chế phẩm từ vi dược liệu thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng theo hiệu quả trong sản xuất.
Nói về những thành tựu mới trong ứng dụng hữu cơ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết: Hiện nay, tập đoàn đã nghiên cứu thành công một số sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học cải tạo đất, chế phẩm vi sinh bảo vệ cây trồng và hàng loạt sản phẩm hữu cơ sinh học khác có nguồn gốc từ thiên nhiên, phù hợp với canh tác theo hướng hữu cơ sinh học. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang triển khai chương trình: “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, phối hợp với 22 chi cục giúp nông dân thu gom, tiêu hủy chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, hướng đến nền nông nghiệp an toàn bền vững trong tương lai.
Người dân đang xem giống lúa mới được trồng theo phương pháp hữu cơ
Một trong những tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp hữu cơ nước nhà là gạo Hạt ngọc trời - Thiên Long vừa được tổ chức quốc tế “The Rice Trader” trao danh hiệu “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” trong hội nghị thương mại lúa gạo thường niên diễn ra tại Malaysia năm 2015 vừa qua. Đây là một trong những bộ giống mới được Tập đoàn Lộc Trời nghiên cứu thành công, thích hợp với thổ nhưỡng của Đồng bằng sông Cửu Long, kháng sâu bệnh tốt với chất lượng cao và năng suất ổn định. Hiện sản phẩm đã xuất khẩu hơn 36 nước, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu.
Nói về hướng đi của ngành Nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định: Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học là hướng đi cần và đúng nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Ngành Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam muốn phát triển tốt cần tập trung vào các gói giải pháp như: chính sách Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam; liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, phổ biến sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn; tìm kiếm, xúc tiến, đảm bảo thị trường hữu cơ an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng…
Thu Phương
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là, chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn.