Người dân sinh sống gần Nhà máy sản xuất đá ốp lát của Công ty CP Vicostone và Nhà máy sản xuất Cám Con Cò (Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) phản ánh về việc hoạt động của 2 nhà máy này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.
Hai nhà máy gây ô nhiễm
Ông Nguyễn Văn Mến cùng các hộ dân sống quanh khu vực Nhà máy Đá ốp lát Vinaconex (nay là Tổ hợp các nhà máy sản xuất, chế tác các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo của Cty CP Vicostone) có đơn phản ánh gửi UBND xã Thạch Hòa như sau: Năm 1994, chúng tôi được xã Đông Trúc giao đất theo Quyết định 20 của tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đi xây dựng vùng kinh tế mới nội tỉnh. Nhân dân chúng tôi tự đóng góp kinh phí làm đường, mắc điện và sinh sống ổn định, đến năm 2003 thì nhà máy đá ốp lát trong địa bàn thôn 1, ngay giữa các hộ dân, hoạt động 3 ca liên tục. Nhân dân chúng tôi ở sát với nhà máy đá suốt ngày đêm phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường.
Mật độ rung ép của nhà máy khi ép đá làm rung chuyển cả nhà của các hộ dân. Suốt ngày đêm nghe tiếng ồn của máy chạy sản xuất. Khí thải ra mùi khó chịu như mùi thuốc sâu, cá chết ở suối bốc mùi hôi thối. Bụi khí nhà máy chạy sấy bột đá có khi bụi bay ra đường trắng cả ngọn cây của các hộ kề bên nhà máy. Đường đi thì xe ôtô phân khối lớn và công nhân nhà máy đi nhiều, nắng thì bụi, mưa thì lội. Vậy nay nhân dân chúng tôi làm đơn này đề nghị UBND xã Thạch Hòa cùng các cấp xem xét giải quyết bảo đảm về môi trường để không ảnh hưởng đến sức khỏe cuộc sống cho nhân dân chúng tôi, để ổn định cuộc sống gia đình.
Tìm hiểu được biết, Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A hiện có 4 đơn vị thành viên, có trụ sở và nhà máy sản xuất đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bao gồm: Cty CP Vicostone, Cty CP Stylstone, Cty CP Chế tác đá Việt Nam và Nhà máy Phenikaa Phú Cát. Tại khu vực xã Thạch Hòa là tổ hợp các nhà máy sản xuất, chế tác các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo với thương hiệu Vicostone.
Liên quan đến phản ánh của người dân về việc ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy sản xuất đá ốp lát và sản xuất Cám Con Cò, ngày 29/5/2019, UBND xã Thạch Hòa đã có Văn bản số 43/UBND gửi UBND huyện Thạch Thất, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc về việc giải quyết các nhà máy sản xuất Cám Con Cò và Đá ốp lát Vinaconex gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thôn 1 và thôn 2, xã Thạch Hòa, đất thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc quản lý và kèm theo đơn đề nghị (lần 5) của người dân.
Theo đó, nội dung văn bản nêu: “UBND xã Thạch Hòa đã nhận được nhiều kiến nghị phản ánh của cử tri trên địa bàn thôn 1 và thôn 2, xã Thạch Hòa kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết các nhà máy nằm ở khu dân cư gây ra ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của đời sống nhân dân trên địa bàn.
Đặc biệt, ngày 26/5/2019, UBND xã Thạch Hòa nhận được đơn kiến nghị đông người của một số hộ dân thôn 1 và các hộ dân gần Nhà máy sản xuất Cám Con Cò và Nhà máy sản xuất Đá ốp lát Vinaconex (nay là nhà máy sản xuất của Cty CP Vicostone - PV) gây ô nhiễm môi trường về nước thải chảy ra dòng suối từ khu nghĩa địa của xã Thạch Hòa chảy về khu cầu nhà Chạ thôn 2, gây ô nhiễm môi trường về chất thải, khí thải, độ rung, tiếng ồn của các nhà máy.
Sau khi nhận phản ánh và đơn của nhân dân thôn 1 và thôn 2, UBND xã Thạch Hòa đã cử Tổ công tác của xã phối hợp với Ban chỉ huy thôn 1 và thôn 2 đi kiểm tra, xác minh về việc gây ô nhiễm môi trường tại thôn 1 và thôn 2.
Kết quả kiểm tra, xác minh: Về nguồn nước của con suối, đầu trên thượng nguồn của con suối là liền kề với Nhà máy sản xuất Đá ốp lát Vinaconex, phía cuối của nhân dân thôn 2 là liền kề với Nhà máy sản xuất Cám Con Cò có màu nước đen, mùi hôi thối, cá chết.
Về tiếng ồn, trong quá trình sản xuất, công suất của máy đã gây ra tiếng ồn lớn, gây ảnh hưởng sức khỏe và sinh hoạt của bà con nhân dân.
Về khí thải, chất thải, đôi khi chất thải như bột màu trắng bay ra đường gây ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông, khí thải thì bay ra khu vực xung quanh khiến các hộ chịu mùi khó chịu.
Về thời gian hoạt động, các nhà máy sản xuất 3 ca liên tục, từ đó gây ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của nhân dân và ảnh hưởng đến việc học tập của con em trên địa bàn 2 thôn.
Đánh giá sơ bộ ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy: Các nhà máy nêu trên nhiều lúc thải nước ra dòng suối, chất lượng của nước thải không đảm bảo vệ sinh môi trường. Nước thải, chất thải có mùi nồng nặc, nước có màu đen thải ra suối, ao hồ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư. Tiếng ồn của công suất nhà máy gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bà con nhân dân trên địa bàn. Khí thải của nhà máy hàng ngày thải ra mùi rất khó chịu. Những ảnh hưởng tác động gây ra do Nhà máy sản xuất Cám Con Cò và Nhà máy sản xuất đá ốp lát Vinaconex nằm ở sát khu dân cư nên gây ra những hệ lụy về môi trường nêu trên.
Từ những nội dung nêu trên, UBND xã Thạch Hòa đề nghị UBND huyện Thạch Thất, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc kiểm tra, xác minh 2 nhà máy sản xuất Cám Con Cò và Đá ốp lát Vinaconex nằm ở sát khu dân cư có gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây hoang mang về tâm lý cho bà con nhân dân trên địa bàn thôn 1 và thôn 2 hay không?
Do các nhà máy nằm vào đất của Khu công nghệ cao Hòa Lạc nên cần có sự phối hợp tích cực của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tham gia giải quyết. UBND xã Thạch Hòa kính trình UBND huyện Thạch Thất và Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc xem xét, giải quyết những kiến nghị của bà con nhân dân, từ đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, tránh nhân dân tập tụ đông người gửi đơn khiếu kiện vượt cấp”.
Yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Thị Hương, Cty Luật TNHH Thiện Minh Long, cho biết: Nếu sau khi kiểm tra hành chính và có kết quả phân tích kỹ thuật của mẫu nước thải thì căn cứ vào mức độ vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép, dung tích lượng nước xả thải của doanh nghiệp hoặc nước xả thải có chứa có thông số gây nguy hại cho môi trường hay không để xác định mức xử phạt vi phạm hành chính, thấp nhất là phạt cảnh cáo, mức phạt tiền thấp nhất là 500.000 đồng đến 950 triệu đồng - 1 tỷ đồng, tùy theo kết quả kiểm định mẫu nước thải.
Đồng thời, doanh nghiệp có vi phạm có thể bị áp dụng mức hình phạt bổ sung: ĐÌnh chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất kinh doanh từ 3-12 tháng và khắc phục tình trạng ô nhiễm.
Trường hợp xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày trở lên, nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; hoặc có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 lần trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường, với mức phạt tiền từ 1 tỷ triệu đến 10 tỷ đồng và bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
Cũng theo Luật sư Hương thì, nếu có đơn thư kiến nghị của người dân (cử tri) liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường thông qua tiếp dân trực tiếp hoặc gửi đơn thì UBND xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện (chính quyền cơ sở) phải ghi nhận ý kiến, sau đó có thể lập tổ công tác kiểm tra xác nhận nội dung kiến nghị của dân (có hay không có, mức độ cơ bản). Sau đó gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cụ thể về lĩnh vực môi trường là Chi cục Bảo vệ môi trường, trực thuộc Sở tài nguyên và môi trường thành phố, là đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong việc bảo vệ và xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường.
Chi cục Bảo vệ môi trường sau khi tiếp nhận văn bản của UBND huyện gửi đến, phải tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử lý vi phạm về lĩnh vực môi trường (nếu có) theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nếu phát hiện hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường có dấu hiệu của tội phạm hình sự phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết theo quy định. Thông thường, trong đoàn kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường của Chi cục bảo vệ môi trường sẽ có sự tham gia của PC 49 (Phòng cảnh sát môi trường).
Vừa qua, một số cơ quan báo chí đã vào cuộc tìm hiểu về một số phản ánh gây ô nhiễm môi trường của hai nhà máy sản xuất trên. Tiếp thu sự phản ánh của báo chí, UBND huyện Thạch Thất đã kịp thời có những chỉ đạo kiểm tra, làm rõ.
Ngày 5/6, UBND huyện Thạch Thất có Văn bản số 853/UBND-VP về việc kiểm tra, xử lý thông tin nêu trên Báo điện tử Xây dựng. UBND huyện yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thực hiện các nhiệm vụ sau: Chủ trì, phối hợp với UBND xã Thạch Hòa kiểm tra, xác minh thông tin nêu trên Báo điện tử Xây dựng; báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định pháp luật nếu phát hiện trường hợp vi phạm trước ngày 11/6/2019.
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin về sự việc trên./.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.