Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 8 năm 2020 | 11:25

Khát vọng Độc lập và Thịnh vượng

Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khát vọng Độc lập được hiện thực hóa. Chế độ thực dân - phong kiến bị đánh đổ. Nhân dân Việt Nam từ thân phận bị áp bức bóc lột đứng lên làm chủ đất nước để viết tiếp khát vọng Hùng cường, Thịnh vượng.

1. Cách đây 75 năm, với dự đoán chính xác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quyết định thiên tài để tận dụng thời cơ vàng: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn thì cũng phải giành cho được độc lập”. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, chỉ trong hơn chục ngày, dân tộc ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám – tạo ra dòng chảy mới cho dân tộc, đồng thời mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc, tự chủ gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khát vọng Độc lập được hiện thực hóa. Chế độ thực dân - phong kiến bị đánh đổ. Nhân dân Việt Nam từ thân phận bị áp bức bóc lột đứng lên làm chủ đất nước để viết tiếp khát vọng Hùng cường, Thịnh vượng. Đây là sự tiếp nối mạch nguồn tự hào dân tộc.

 

vietnam.jpg
Việt Nam hôm nay

 

Xin nêu lại một câu trong bài phát biểu của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump  khi tham dự APEC - 2017 và đến thăm Việt Nam 10/11/2017: “Có một thứ tình cảm bừng cháy trong tâm trí của tất cả những người yêu nước và mọi quốc gia. Nước chủ nhà Việt Nam ở đây đã biết đến thứ tình cảm này không chỉ trong vòng 200 năm mà gần 2.000 năm.

Đó là vào khoảng năm 40 sau Công nguyên, hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là những vị anh hùng đầu tiên đánh thức tinh thần yêu nước trong lòng người dân Việt. Chính nhờ chiến công này mà sau đó, lần đầu tiên, người dân Việt nam đã đứng lên để giành lại độc lập của mình với niềm tự hào dân tộc”.

2. Ngay sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn đọc lập, chính thức thông báo với thế giới về nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, Nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, Nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân.

Trong Bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ ấy, phần mở đầu Bác viện dẫn Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ về tính tất yếu của quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Người khẳng định: Các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Phần cuối, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định và nhấn mạnh: “…Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Ngay sau lễ đọc Tuyên ngôn độc lập, tại cuộc họp Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, với khát vọng đưa dân tộc Việt Nam, Tổ quốc Việt Nam đến Dân giàu, Nước mạnh, sánh vai cùng cường quốc năm châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh đến thực hiện hợp tác kinh tế quốc tế.

Trong thư gửi Liên Hợp quốc, Người viết: Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, dành thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực công nghệ. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi  cho sự buôn bán và quá cảnh quốc tế. Việt Nam sẽ tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên Hợp quốc.

3. Để hiện thực hóa khát vọng của dân tộc, Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua hành trình 30 năm kháng chiến trường kỳ và gian khổ với hai đế quốc lớn và giàu mạnh. Mặc dù vậy, khát vọng Độc lập dân tộc hun đúc hàng ngàn năm cùng với sự đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhân dân ta đã đập tan dã tâm xâm lược của Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Bằng chiến dịch Hồ Chí Minh trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đến lúc đó, khát vọng Độc lập dân tộc và thu non sông về một mối mới trọn vẹn.

Từ đó đến nay, trong 45 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hành trình đến Thịnh vượng và sánh vai các cường quốc của dân tộc ta đã đạt nhiều thành tựu, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng của thế giới.

Tuy vậy, để đưa đất nước đến Hùng cường, Thịnh vượng như định hướng của Đảng vào năm 2030 và 2045 thì còn không ít khó khăn, trở ngại và thách thức từ cả khách quan và chủ quan.

Nhưng chúng ta tin rằng, lời dạy “lấy bất biến ứng vạn biến” và định hướng hợp tác kinh tế quốc tế của Bác từ 75 năm trước vẫn vẹn nguyên giá trị dẫn dắt, soi đường, đưa chúng ta đến Hùng cường, Thịnh vượng bằng trí tuệ và sáng tạo.

 

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top