Sau hơn 1 năm thí điểm tái sinh dưới tán rừng Sảng Mộc (tỉnh Thái Nguyên), cây khôi nhung bước đầu đem lại nguồn lợi cho người dân với thu nhập vài chục triệu đồng/ha.
Vốn là cây mọc tự nhiên tại địa phương, việc cây khôi nhung được tái sinh theo hướng sản xuất không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn giúp khôi phục môi trường sinh thái rừng bản địa.
Khôi nhung, tên thường gọi là lá khôi, cơm nguội rừng, động lực, đơn tướng quân, là loại cây dược liệu quý, dùng để chữa các bệnh dạ dày, tá tràng và một số bệnh về đường hô hấp. Loại cây dược liệu này ưa bóng mát, độ ẩm cao nên thường mọc dưới tán rừng nhiệt đới. Trước kia, loại cây này mọc tự nhiên, phổ biến dưới tán rừng Sảng Mộc nhưng do khai thác tự do nên đã cạn kiệt.
Tháng 8/2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai phối hợp với UBND xã Sảng Mộc triển khai trồng 8.000 cây khôi nhung trên diện tích khoảng 2ha dưới tán rừng với sự tham gia của 3 hộ dân ở các xóm Phú Cốc, Bản Chương. Tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc. Theo đánh giá, khôi nhung là loại cây có giá trị kinh tế cao, trồng một lần sẽ cho thu hoạch trong khoảng 15 năm.
Trồng với mật độ 6.000-10.000 cây/ha, khôi nhung sau 1-2 năm có thể cho thu hoạch 3-5 tạ lá khô/năm, cho lợi nhuận 50-80 triệu đồng. Ông Phạm Xuân Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Nhai, cho biết: Việc tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng khôi nhung không làm ảnh hưởng đến cây rừng hiện có mà còn làm phong phú hệ thực vật đồng thời tạo nguồn thu nhập cho người dân.
Còn ông Nông Quý Dương, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Mộc - một trong những người đưa ý tưởng phục hồi cây khôi nhung - cho rằng, việc tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng loại cây này sẽ giúp bảo tồn cây dược liệu quý, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh. Đồng thời, đây có thể là mô hình giúp người dân thoát nghèo bởi chi phí đầu tư phù hợp, thời gian sinh trưởng ngắn, thu hái lâu dài và không mất nhiều công chăm sóc.
Sau hơn 1 năm triển khai, diện tích trồng khôi nhung của 3 hộ dân tham gia mô hình đều cho thu hoạch những lứa đầu tiên với lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha. Anh Nông Thanh Oai (xóm Bản Chương) là 1 trong 3 hộ tham gia mô hình cho biết, trên diện tích 0,8ha rừng nguyên sinh của gia đình, anh trồng 5.000 cây khôi nhung, đến đầu năm 2021, diện tích này đã được thu hoạch lá lứa đầu tiên. Dự kiến đến hết năm 2021, anh có thể thu hoạch 5 vụ lá và đạt tổng lợi nhuận gần 20 triệu đồng.
Anh Oai chia sẻ: Gia đình có khoảng 7ha đất rừng sản xuất, đa phần là rừng nguyên sinh và rừng cây lâu năm. Chúng tôi muốn giữ lại toàn bộ cây rừng lâu năm để làm môi trường sinh thái, chỉ khai thác khi thật cần thiết nên trồng cây khôi nhung rất phù hợp với điều kiện của gia đình.
Sảng Mộc có trên 8.700ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 3.100ha rừng đặc dụng, gần 2.600ha rừng phòng hộ và trên 3 nghìn hecta rừng sản xuất. Ông Mai Duy Yến, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Suốt quá trình triển khai, UBND xã đặc biệt quan tâm, đồng hành cùng bà con và chúng tôi nhận định đây là mô hình thành công. Và với thế mạnh về rừng, Sảng Mộc hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình trồng cây khôi nhung để tận dụng diện tích đất dưới các tán rừng, giúp bà con phát triển kinh tế mà không phải phát hay phá rừng. Tới đây, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tìm hướng phù hợp để tuyên truyền bà con cùng nhân rộng mô hình có giá trị này.