Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 5 năm 2020 | 16:1

Khôi phục kinh tế: Nhiệm vụ cấp bách

Sáng 20 tháng 5, tại Hà Nội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc. Tuy là cuộc họp như thông lệ hằng năm nhưng lại là kỳ họp đặc biệt.

tr4.jpg

Nói là kỳ họp đặc biệt vì kỳ họp chia 2 đợt, là kỳ họp đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến (từ 20/5 đến 29/5) từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội. Điều này đồng thời là dấu ấn trong lịch sử Quốc hội Việt Nam.

Nói đặc biệt vì kỳ họp diễn ra khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới (trên 5 triệu người mắc, trên 330.000 người tử vong); dù đã 36 ngày nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, cho rằng, chúng ta mới khống chế tốt dịch bệnh chứ chưa thực sự giành chiến thắng.

Nói đặc biệt vì đại dịch Covid-19 đã để lại những thiệt hại và dư chấn rất nặng nề lên nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng.

Nói là kỳ họp đặc biệt vì có thể từ đây, Quốc hội điện tử sẽ hình thành và mang lại hiệu quả cao hơn để kịp hội nhập với thế giới thời cách mạng công nghiệp 4.0, theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Nhưng đây cũng là kỳ họp có nhiệm vụ rất nặng nề. Đó là, cải cách cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ khôi phục, vực dậy nền kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Kỳ họp nêu rõ những khó khăn của nền kinh tế: “Đại dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Khu vực nông nghiệp chỉ tăng 0,08% do khó khăn rất lớn trong xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng 1,8%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ và đối mặt với thiếu hụt nguyên liệu đầu vào và khó khăn thị trường đầu ra. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy, chế biến gỗ, thủy sản... sụt giảm mạnh. Khu vực dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, vận tải... Tổng cầu của nền kinh tế giảm mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm giảm 4,3%. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn ở tất cả các loại hình, quy mô doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các hợp tác xã, hộ kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,3% và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 33,6%. Nhu cầu lao động sụt giảm nghiêm trọng; số lao động bị ảnh hưởng là trên 5 triệu người”. 

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu 9 nhóm giải pháp nhằm vực dậy nền kinh tế, hoàn thành mục tiêu thứ hai sau khi cơ bản giành thắng lợi đối với mục tiêu chống dịch.

Theo đó, nhóm giải pháp ưu tiên là: Cùng với việc thực hiện nhanh, hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách đã được ban hành… Chính phủ tiếp tục xây dựng và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hồi phục và phát triển kinh tế, xem xét đưa ra gói kích thích kinh tế mới trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn kéo dài trên phạm vi toàn cầu; kích cầu tiêu dùng nội địa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội; góp phần củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định vĩ mô, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Cơ cấu lại thực chất, phục hồi nhanh nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số…

Đây là những vấn đề rất cấp bách bởi mục tiêu về kinh tế - xã hội của chúng ta là cố gắng đưa GDP tăng trưởng vượt ngưỡng 5% và duy trì tăng CPI ở mức 4%. Duy trì được hai chỉ số này, tức là đời sống của người dân ít bị xáo trộn nhất, đất nước có đà để vượt lên trong giai đoạn tới. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần hệ thống chính sách đặc thù sáng tạo, táo bạo, phù hợp tình hình mới nhưng phải nhanh và không kẽ hở.

Hy vọng rằng, các vị đại biểu Quốc hội làm tròn sứ mệnh mà nhân dân, cử tri gửi gắm..

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top