Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 11 năm 2021 | 10:14

Khôi phục sản xuất còn trở ngại

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là đợt dịch thứ tư kéo dài từ 27/4 đến nay đã tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế, các chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống.

Tuy vậy, bằng việc triển khai quyết liệt nhiều giải pháp có hiệu quả cùng sự đồng lòng của nhà nông và các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2,74%, đóng góp 23,54% vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 9 tháng qua. Qua đó, tiếp tục đóng vai trò trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế trong biến động: góp phần giữ tăng trưởng GDP dương (1,42%); xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 9 tháng đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu trên 3,3 tỷ USD; hàng hóa nông sản Việt Nam có mặt tại 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới... với giá trị gia tăng ngày càng cao, khẳng định thương hiệu; an ninh lương thực - thực phẩm quốc gia được đảm bảo...

 

1-copy-copy.JPG
 

Mặc dù vậy, chúng ta đều thấy “sức khỏe” của cả doanh nghiệp, nhà nông yếu đi nhiều. Trong khi nhiệm vụ phía trước là rất nặng nề: đảm bảo đủ nguyên liệu cho doanh nghiệp chế biến, nhất là thủy sản để có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2021, chuẩn bị đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ chống dịch hiệu quả và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022, trong điều kiện không thuận lợi, xuất hiện không ít trở ngại. Nói vậy vì:

Thứ nhất, với ngành trồng trọt, giá phân bón liên tục tăng (từ đầu năm 2021 đến nay, giá phân bón trong nước tăng trung bình 50 - 73%). Phân bón là đầu vào quan trọng của ngành trồng trọt, giá phân bón tăng trong khi giá nông sản giảm đã tác động tiêu cực đến đời sống và nguồn lực đầu tư tái sản xuất của người nông dân.

Thứ hai, với ngành chăn nuôi và nuôi thủy sản, giá thức ăn chăn nuôi tăng chưa thấy điểm dừng, từ đầu năm đến nay đã 8-9 lần tăng trong khi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75% giá thành sản xuất. Giá thành tăng nhưng giá bán sản phẩm lại giảm khiến người chăn nuôi không còn lực để tái đàn. 

Thứ ba, do thời gian giãn cách xã hội dài, trên diện rộng khiến lưu thông khó khăn, lại thêm doanh nghiệp chế biến tạm dừng hoạt động làm sức mua giảm nên giá hầu hết các mặt hàng nông sản giảm sâu, khó tiêu thụ làm cho người chăn nuôi, nhà nông, nhà vườn không có hoặc thu nhập thấp, không còn nguồn lực cũng như động lực  để tái đầu tư cho vụ sau.

Thứ tư, giá xăng dầu cũng liên tục tăng, hiện có giá cao nhất trong nhiều năm gần đây. Giá xăng dầu tăng đã tác động cả trực tiếp và gián tiếp tới giá đầu vào và đầu ra nông sản bởi đẩy giá vật tư đầu vào, giá bán sản phẩm lên cao. Điều này cũng là một rào cản đối với khôi phục sản xuất.

Thứ năm, việc lưu thông hàng hóa tuy đã thuận lợi hơn sau khi chúng ta thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “Việc lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt” nhưng vẫn còn đâu đó những quy định gây khó trong lưu thông.

Thứ sáu, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao ở một số cụm công nghiệp tại một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên - vùng trọng điểm sản xuất nông sản xuất khẩu những ngày gần đây khiến các địa phương này phải nâng cấp độ dịch. Điều này cũng tác động tiêu cực tới khôi phục sản xuất.

Ngoài những khó khăn trên còn 3 rào cản “manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan coi là “lời nguyền” của ngành nông nghiệp phải vượt qua để vừa phục hồi sản xuất vừa chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và chuyển từ nông nghiệp sản lượng sang tư duy kinh tế, đa giá trị.

Với những khó khăn, rào cản trên, trước hết, để khôi phục nhanh sản xuất thì phải đẩy nhanh tốc độ tiêm và mở rộng vùng tiêm đủ 2 mũi vắcxin phòng Covid-19; tiếp tục tuyên truyền để mọi người thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất là giải pháp 5K. Tiếp đó, việc phục hồi sản xuất phụ thuộc vào sự triển khai nhanh, có hiệu quả các gói hỗ trợ và nhanh chóng thực hiện giãn, hoãn, khoanh nợ, giảm lãi suất các khoản đang vay và nới lỏng điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp, nhà nông, nhà vườn, chủ trang trại. Đặc biệt là, có giải pháp sớm nhất có thể về điều chỉnh giảm giá phân bón, thức ăn chăn nuôi và triển khai các tiêu chí cụ thể cho nền nông nghiệp mới - nông nghiệp xanh, minh bạch, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hiền Trang
Ý kiến bạn đọc
Top