Từ 5 đàn ong ban đầu, quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình, sau hơn 5 năm, ông Đào Trọng Nghĩa ở thôn Cầu Đá, xã Tiên Lãng (Tiên Yên- Quảng Ninh) đã có 500 đàn ong, thành lập và là Giám đốc HTX Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên.
Sản phẩm OCOP mật ong Tiên Yên hiện mang lại doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm cho HTX.
Vốn có lợi thế về 20ha rừng của gia đình, hằng năm cây rừng và hoa rừng nở nhiều, là nguồn thức ăn lý tưởng cho ong; vị trí khu rừng lại khá tách biệt, ít có tác động đến đàn ong, nên ông Nghĩa có cơ sở để phát triển đàn ong theo từng năm.
Ông Nghĩa cho biết: Nếu mưa nhiều sẽ làm giảm số lượng hoa và phấn hoa, đồng nghĩa với giảm lượng thức ăn tự nhiên và quy trình tạo mật tự nhiên của con ong. Nắm bắt được yếu tố này, ông chủ động điều chỉnh chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho đàn ong. Nhờ vậy mà sản lượng, chất lượng mật ong luôn đảm bảo.
Nhận thấy khâu liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch rất quan trọng, quyết định đến doanh thu, lợi nhuận của mô hình sản xuất, từ năm 2017, ông Nghĩa phối hợp với 7 hộ nuôi ong khác trong khu vực thành lập HTX Khai thác, chế biến mật ong Tiên Yên, với mục tiêu chuyển giao quy trình làm mật ong chuẩn và nâng cao số lượng sản phẩm mật, đáp ứng các kênh thương mại chuyên nghiệp. Ông đưa sản phẩm mật ong của HTX dự thi chấm sao sản phẩm OCOP của tỉnh, chính thức nằm trong danh mục sản phẩm OCOP Quảng Ninh. Năm 2018, sản phẩm mật ong của HTX đạt 3 sao, đang được thẩm định đạt 4 sao.
Trở thành sản phẩm OCOP, mật ong Tiên Yên của HTX có cơ hội tham gia các hội chợ thương mại. Bên cạnh đó, ông Đào Trọng Nghĩa và thành viên trong HTX, bằng nhiều kênh đã quảng bá rất tích cực cho sản phẩm. Hiện, sản phẩm mật ong Tiên Yên của HTX có mặt ở nhiều trung tâm thương mại uy tín của tỉnh cũng như miền Bắc. Doanh thu hằng năm của HTX khoảng 1 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu của ông Nghĩa trên 500 triệu đồng.
Năm 2020, ông Nghĩa mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng thử nghiệm công nghệ nuôi trồng giống trùng thảo nằm trong danh mục đông trùng hạ thảo. Ông cho biết: Trùng thảo là đối tượng nuôi trồng mới, rất có giá trị. Công nghệ, quy trình nuôi cần được chuyển giao từ đối tác, thị trường để tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch không đơn giản. Tuy nhiên, nếu dám làm và có hướng đi phù hợp, nuôi trồng trùng thảo chắc chắn sẽ mang lại giá trị kinh tế cao.
Sau những khó khăn ban đầu, từ đầu năm đến nay, mô hình nuôi trồng trùng thảo của ông Nghĩa đã cho ra sản phẩm, giá bán 10 triệu đồng/kg tươi, 20 triệu đồng/kg khô. Từ thành công này, ông càng có niềm tin mở rộng mô hình, đa dạng hóa sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm trùng thảo chất lượng cao.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.