Xã Bình Kiến là vùng trọng điểm về hoa, cây cảnh của TP. Tuy Hòa (Phú Yên). Phần lớn các hộ dân ở đây mưu sinh bằng nghề trồng mai, quất... Nhiều người khá - giàu lên nhờ các loại cây này.
Trước kia, thu nhập của người dân Bình Kiến chủ yếu nhờ vào cây lúa. Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều người dân nơi đây đã mạnh dạn đầu tư chuyển sang mô hình trồng hoa, cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp nhiều lần.
Chúng tôi đến thăm vườn mai hơn 2.000 chậu lớn, nhỏ của gia đình ông Dương Thanh Cặn ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến vào một buổi sáng đẹp trời. Lúc này, ông Cặn đang cắt tỉa, tạo dáng cho mai. Ông cho biết, ông gắn bó với nghề trồng mai 25 năm nay. Những ngày đầu “khởi nghiệp”, ông hoàn toàn không có kinh nghiệm gì liên quan đến cây mai. Tuy nhiên, thấy nhiều người trong xóm khấm khá nhờ mai, còn gia đình mình cứ “lẹt đẹt” với rau, củ, quả vườn nhà nên ông quyết tâm phải chuyển hướng.
“Năm 1996, với số vốn ít ỏi trong tay, cộng với mảnh vườn mà cha mẹ để lại, tôi bắt tay trồng mai. Tôi vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước. Dần dà, từ 500m2 ở thời điểm đầu, đến bây giờ vườn mai nhà tôi có tổng diện tích hơn 2.000m2, với đủ các chủng loại mai. Không chỉ trồng các giống mai thông thường, tôi còn tham khảo thông tin qua tivi, sách báo, mạng internet để tìm mua những giống mai độc đáo về trồng, ghép với giống mai địa phương để cho ra cây mai độc, đẹp, bán được giá cao hơn. Ngoài ra, tôi còn tham gia các lớp tập huấn do địa phương, Hội Làm vườn tổ chức để biết thêm kiến thức, rồi áp dụng cho vườn mai của gia đình”, ông Cặn chia sẻ.
Theo ông Cặn, để có được một cây mai đẹp, ra hoa đúng kỳ, người trồng phải quan sát tỉ mỉ để kịp thời chăm sóc theo từng giai đoạn như bón phân, phun thuốc hay lặt lá mai đúng thời vụ. Người trồng mai cũng cần thường xuyên theo sát quá trình sinh trưởng của cây để có cách phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ngoài ra, người trồng còn phải có mắt thẩm mỹ để cắt tỉa, tạo dáng cây sao cho đẹp, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của người chơi mai.
Mỗi năm ,gia đình ông Cặn xuất vườn 300-500 cây mai, thu nhập 250-300 triệu đồng. Không chỉ trồng mai hiệu quả, ông còn trồng thêm các loại cây cảnh được ưa chuộng hiện nay như: lộc vừng, sam, sung, tùng, mai chiếu thủy…, để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Rời vườn mai của gia đình ông Dương Thanh Cặn, chúng tôi đến thăm vườn quất của nhà anh Đinh Công Mạnh cũng ở thôn Liên Trì 2, xã Bình Kiến. Vườn quất rộng hơn 2.500m2, với khoảng 800 cây quất chanh 2 năm tuổi, sẽ xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán 2022; cùng hơn 1.000 cây quất giống gối đầu và một lượng lớn quất nhỏ chưa sang vào chậu. Theo anh Mạnh, trước đây, anh có trồng rau màu, rồi trồng cúc nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao nên từ năm 2011, anh chuyển hẳn sang trồng quất kiểng. Ban đầu, với diện tích 500m2, anh trồng 500 cây quất kiểng, mỗi năm bán được 125-150 triệu đồng.
“Thời điểm mới vào nghề, chưa sản xuất được quất giống nên tôi phải mua cây giống từ thôn khác về trồng, dẫn đến chi phí trồng quất bị đội lên khá cao. Qua tích lũy kinh nghiệm nhiều năm, tôi tự chiết cây, sản xuất được quất giống nên mạnh dạn đầu tư kinh phí, khai hoang đất rừng và thuê đất của bà con xung quanh mở rộng diện tích lên 2.500m2 chỉ để chuyên trồng quất. Mỗi năm, trung bình gia đình tôi xuất bán cả ngàn cây quất, thu nhập 300-450 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ thời gian rảnh, nhận đúc chậu kiểng để phục vụ sản xuất và bán cho người dân trong vùng, thu nhập thêm khoảng 180 triệu đồng/năm. Nhờ có thu nhập ổn định nên vợ chồng tôi xây nhà cửa khang trang, có đủ điều kiện nuôi con ăn học, sắm sửa nhiều vật dụng trong gia đình”, anh Mạnh bộc bạch.
Theo UBND xã Bình Kiến, xã xác định trồng hoa, cây cảnh là thế mạnh trong phát triển kinh tế địa phương, coi đây là mô hình đòn bẩy để thúc đẩy các hoạt động, là động lực giúp các hộ vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước cải thiện, ổn định và nâng cao đời sống. Vì vậy, bên cạnh việc chỉ đạo các hội đoàn thể làm tốt công tác nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp người dân trên địa bàn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, xã còn phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh, giúp người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào sản xuất. Nhờ vậy, ngày càng nhiều người dân trên địa bàn xã có điều kiện làm ăn thoát nghèo bền vững, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Từ đó, góp phần giúp xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2021.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.