Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 7 năm 2016 | 12:17

Luân canh tôm – lúa: Mô hình thông minh

Hình thành từ những năm 1970, mô hình canh tác tôm - lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang ngày càng phát triển  và chứng minh được hiệu quả kinh tế vượt trội.

Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề: “Giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Bạc Liêu, nhiều chuyên gia cho rằng, cần xây dựng quy trình chuẩn trong quy hoạch và phát triển mô hình này.

Mô hình tôm - lúa ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). ảnh: Thanh Cường.

Hiệu quả kép

Theo đánh giá của PGS.TS.Võ Công Thành, Khoa Nông nghiệp và Sinh  học ứng dụng (Trường Đại học Cần Thơ), qua thực tiễn sản xuất, mô hình luân canh tôm - lúa đã chứng minh mang lại nhiều lợi ích, như: Chất hữu cơ chưa phân hủy sau mỗi đợt nuôi tôm là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho lúa; trồng lúa trong vuông tôm giúp cải thiện môi trường đất, từ đó giảm thiểu dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm. Hiệu quả kinh tế cao do đầu tư thấp, ít dịch bệnh và ít dùng thuốc kháng sinh, tôm đạt chất lượng cao, lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh lúa hay tôm.

Đây chính là lý do khiến những năm gần đây, mô hình sản xuất luân canh tôm - lúa phát triển mạnh tại ĐBSCL, từ vài chục hecta năm 2005, đến năm 2015 đạt hơn 160.000ha, dự kiến năm 2020 tăng lên 200.000ha, tập trung tại các tỉnh ven biển như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Tiền Giang. Sản lượng tôm ước đạt 65.000 tấn, chiếm 15% tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ của vùng và chiếm 11% sản lượng nuôi tôm nước lợ cả nước; đồng thời cung cấp 500.000-700.000 tấn lúa đặc sản, chất lượng cao.

Đơn cử như tại Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân áp dụng ngày càng nhiều, hiện đạt 26.467ha. Ông Huỳnh Quốc Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu, cho biết, đây là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau, canh tác phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, ít tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh, phù hợp với khả năng sản xuất của đa số các hộ nông dân trong vùng. “Thực tế cho thấy, sau khi nuôi tôm, tình trạng đất sản xuất trở nên màu mỡ hơn (giảm được phèn), cây lúa phát triển mạnh, giảm được 60 - 70% chi phí phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật với vùng chuyên lúa nên cho lợi nhuận cao, đặc biệt với giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Ngược lại, đất được canh tác qua mỗi vụ lúa thì thả tôm mau lớn, ít gặp rủi ro về dịch bệnh hơn nhiều so với ao thả nuôi nối vụ do cây lúa điều hòa được môi trường, giảm tác nhân gây hại cho con tôm. Đây là mô hình khép kín, có tính hỗ trợ lẫn nhau, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không xảy ra xung đột”, ông Khởi nói.

Theo thống kê, với mật độ thả 3 - 5 con/m2, loại giống lúa sử dụng chủ yếu là OM 2517, OM 6677, OM 4900, AS 96, Một bụi đỏ, lúa lai BTE1..., năng suất tôm sú đạt 150 - 200kg/ha/vụ, năng suất lúa 4 - 5 tấn/ha, tổng thu từ mô hình 70 - 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 30 - 40 triệu đồng/ha.

Tại Kiên Giang, mô hình nuôi tôm - lúa quản lý cộng đồng do Trung tâm Khuyến nông thực hiện cũng thu được kết quả khả quan. Năm 2014, mô hình được triển khai tại ấp Thái Hòa (xã Nam Thái A, huyện An Biên) với tổng quy mô 42ha liền kề, 25 hộ tham gia. Trong quá trình nuôi, do cộng đồng cùng quản lý, thả giống đồng loạt nên lượng nước trong ruộng nuôi hạn chế bị thất thoát. Tôm đạt tỷ lệ sống trung bình 34%, trọng lượng tôm khi thu hoạch trung bình là 27,6 g/con, năng suất trung bình 467,3kg/ha. Vụ canh tác lúa được tiến hành sau nuôi tôm, bà con tháo nước, xới mặt ruộng chờ mưa để rửa mặn đồng loạt và tổ chức gieo sạ đồng loạt, dứt điểm. Lợi nhuận trên cả 2 vụ (tôm + lúa) đạt 56.814.000 đồng/ha/năm.

Năm 2015, mô hình được triển khai thực hiện tại địa bàn ấp Minh Hòa (xã Đông Hòa, huyện An Minh) với tổng diện tích 40ha, 23 hộ có ruộng liền kề tham gia, lợi nhuận trên cả 2 vụ đạt 30.336.000 đồng/ha/năm.

Được biết, ngoài Kiên Giang và Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc  gia cũng triển khai mô hình tại Cà Mau, Sóc Trăng với diện tích 190ha, 190 hộ tham gia. Hiệu quả của mô hình đã được đánh giá và nhân rộng khá nhanh, nhiều địa phương đã áp dụng làm theo, diện tích  không ngừng tăng theo các năm, đến nay đạt 164.149ha nuôi tôm - lúa. TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đánh giá, đây là mô hình “thông minh”, có thể là một lựa chọn cho quá trình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thiếu hệ thống thủy lợi đồng bộ

Mặc dù hiệu quả kinh tế đã được khẳng định nhưng mô hình luân canh tôm - lúa tại khu vực ĐBSCL vẫn tồn tại một số hạn chế. Hiện nay, các vùng sản xuất tôm - lúa nằm xen trong các khu nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh, hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình tôm - lúa chưa đồng bộ, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ. Còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan, để phát triển mô hình tôm - lúa.

Tôm giống chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian theo thời vụ không được khuyến cáo, người dân ít quan tâm đến chất lượng tôm giống. Sản xuất lúa phụ thuộc nhiều vào thời tiết và nguồn nước ngọt, chưa có giống lúa đặc thù cho từng vùng sinh thái khác nhau, nên năng suất, chất lượng lúa thấp. Nông dân thiếu vốn sản xuất, trong khi giá vật tư nông nghiệp không ổn định và cao so với khả năng đầu tư của nông hộ.

Một vài năm gần đây, năng suất tôm và lúa trong mô hình không ổn định. Nguyên nhân là do hệ thống công trình canh tác tôm - lúa, những giải pháp kỹ thuật áp dụng chưa phù hợp với sự tác động của biến đổi khí hậu; giá trị thu nhập từ nuôi tôm cao hơn nhiều so với trồng lúa nên dần dần người dân “quên” trồng lúa và thả tôm nuôi nhiều lần trong vụ nên mất cân bằng sinh thái trên vùng đất tôm - lúa. Một bộ phận người dân thả nuôi ở mật độ cao nhưng khả năng đầu tư chưa đúng mức. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, người sản xuất gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như: lượng mưa ít, dứt mưa sớm và phân bổ không đều, nắng hạn kéo dài làm độ mặn tăng cao… Sản xuất còn đơn lẻ, tự phát;  áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong vụ nuôi tôm cũng như trồng lúa còn thiếu tập trung; tổ chức sản xuất theo nhóm nông dân trong từng tiểu vùng chưa chặt chẽ.

Chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm

Để mô hình luân canh tôm - lúa tiếp tục phát triển mạnh và bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới cần quy hoạch hợp lý các vùng luân canh/xen canh, để có các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp và chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất, khuyến khích sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác. Nâng cấp các công tình nuôi trồng thủy sản đặc biệt đối với hình thức nuôi luân canh tôm - lúa. Cần gia cố bờ bao, mương bao để đảm bảo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong thời gian tới. Tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi. Người dân cần liên kết và hợp tác trong sản xuất, để cải tạo đất, thả tôm giống, gieo cấy lúa theo lịch thời vụ.

TS.Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định, tiềm năng phát triển mô hình tôm - lúa ở khu vực ĐBSCL còn khá lớn. Diện tích canh tác lúa - tôm có thể đạt tới 200.000 ha/năm, đóng góp khoảng 800.000 tấn lúa/năm. “Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp để mô hình ổn định và bền vững. Tiếp tục rà soát quy hoạch chi tiết để phát triển vùng quy hoạch lúa - tôm, đầu tư nâng cấp thủy lợi, sản xuất theo hướng GAP. Trong đó chú ý lựa chọn sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm như ST, OM4900 và 11 giống lúa thích nghi hạn, mặn của Viện Lúa ĐBSCL vừa công bố”, TS.Hòa đề xuất.

Ngoài ra, theo ông Hòa, cần quy hoạch xác định vùng có khả năng phát triển lúa – tôm, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư phát triển, đánh giá các tác động môi trường và yếu tố phát triển bền vững. Đồng thời, bố trí thời vụ canh tác hợp lý cho từng vùng và từng tiểu vùng trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa; xây dựng quy trình canh tác lúa, tôm trong mô hình và tổ chức tập huấn, huấn luyện nông dân.

Để khắc phục hạn chế của mô hình tôm - lúa, TS.Trần Văn Khởi cho rằng, cần làm quyết liệt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa, cần thiết xây dựng một vùng chuyên sản xuất tôm - lúa. Trong vùng đó, chúng ta mới quy hoạch lâu dài về hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, chuyển giao xây dựng mô hình, tập huấn cho nông dân, đồng thời thành lập hợp tác xã.

 “Nông dân nên tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Hiện nay mô hình sản xuất tôm – lúa cũng là một hình thức chuyển đổi đất lúa, chúng ta cũng nên đề xuất chính sách để có sự hỗ trợ cho nông dân”, ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh.

Để khắc phục hạn chế của mô hình tôm - lúa, TS.Trần Văn Khởi cho rằng, cần làm quyết liệt hơn việc quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa, cần thiết xây dựng một vùng chuyên sản xuất tôm - lúa. Trong vùng đó, chúng ta mới quy hoạch lâu dài về hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, chuyển giao xây dựng mô hình, tập huấn cho nông dân, đồng thời thành lập hợp tác xã.

“Nông dân nên tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, chỉ nên nuôi 1 vụ tôm, 1 vụ lúa/năm. Hiện nay mô hình sản xuất tôm – lúa cũng là một hình thức chuyển đổi đất lúa, chúng ta cũng nên đề xuất chính sách để có sự hỗ trợ cho nông dân”, ông Trần Văn Khởi nhấn mạnh.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top