Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 4 năm 2020 | 23:9

Mất đất canh tác vì khai thác tài nguyên tràn lan

Tình trạng khai thác tài nguyên làm sạt lở đất, mất đất nông nghiệp để sản xuất khiến người dân vô cùng bất an.

Đất canh tác trôi theo tàu hút cát
 
Điển hình là vụ việc xảy ra tại khu 3, Tử Đà thuộc xã Bình Phú (Phù Ninh - Phú Thọ). Người dân phản ánh, hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C - Chi nhánh tại Phú Thọ trên sông Lô thuộc địa bàn xã Bình Phú khiến đời sống của nhân dân địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do doanh nghiệp này khai thác cát rầm rộ và quá sát gần bờ nên kéo theo hệ lụy là diện tích lớn đất canh tác ven sông của người dân bị sạt lở xuống sông. Có nhiều đoạn đất nông nghiệp ven sông bị sạt lở tạo thành vách dựng đứng cao khoảng 5m, chạy dài hàng trăm mét, khiến cho ruộng vườn của bà con bị gặm nham nhở và có nguy cơ sạt lở tiếp.
 
“Ngày nào cũng vậy hàng chục tàu cát khai thác cả ngày lẫn đêm, đua nhau móc ruột lòng sông. Tiếng máy nổ inh ỏi, tiếng la hét, quát tháo náo động cả vùng khiến người dân ăn không ngon, ngủ không yên. Thấy các tàu cát hút cát sát bờ gây sạt lở, người dân đã nhiều lần ra xua đuổi nhưng các đối tượng khai thác cát ở đây rất manh động, dọa lại cả người dân khiến ai cũng sợ. “Chúng tôi kiến nghị mãi với chính quyền nhưng tình hình có được cải thiện đâu nên người dân dù hoang mang nhưng đành bất lực đứng nhìn mà ruột đau như bị xát muối”- một người dân ở đây cho biết.
 
Được biết, ngày 16/10/2017, Công ty CP Thái Sơn E&C được UBND tỉnh Phú Thọ cấp Giấy phép khai thác số 29/GP-UBND, thời hạn đến 16/10/2020. Khu vực khai thác thuộc xã Tử Ðà cũ (nay là xã Bình Phú), với diện tích khai thác là 27,54 hecta.
 
Do có sai phạm nên tháng 6/2019, Công ty CP Thái Sơn E&C bị Thanh tra tỉnh Phú Thọ lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản. Sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và khai thác khoáng sản với số tiền 100 triệu đồng với doanh nghiệp này, vì lý do đã khai thác khoáng sản vượt quá phạm vi ranh giới của độ sâu được phép khai thác. Ngoài mức phạt 100 triệu đồng, Công ty CP Thái Sơn E&C còn bị xử phạt bổ sung bằng cách tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản 4 tháng.
đất-nông-nghiệp-khu-vực-khai-thác-cát-của-công-ty-cp-thái-sơn.jpg
Đất nông nghiệp khu vực khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C bị sạt lở nghiêm trọng. (Nguồn: Đức Sơn - Đại đoàn kết)
Gần đây, ngày 11/2/2020, UBND huyện Phù Ninh có văn bản báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ về tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn huyện, liên quan đến chi nhánh Công ty CP Thái Sơn E&C. Theo báo cáo này, tại khu vực giáp mỏ của Công ty CP Thái Sơn E&C và một số vị trí giao cho Công ty này bảo vệ xuất hiện việc khai thác cát, sỏi trái phép gây sạt lở đất canh tác của nhân dân. Cụ thể, vị trí giáp trạm bơm Gai Hạ có diện tích sạt lở khoảng 2.522,5m2. Tại vị trí mốc số 1,24,25,26,27,19,1 (giáp xã Bình Bộ cũ), một số tàu hút, phao cẩu khai thác vào phạm vi khoanh bảo vệ. Mốc số 19,1,24 diện tích sạt lở khoảng 1.764,5m2. Tại vị trí mốc 36,C,D,R,37 diện tích sạt lở khoảng 1.636m2. Một số vị trí khác dọc theo phạm vi cấp phép cho Công ty CP Thái Sơn E&C có sạt lở vào đất canh tác của các hộ dân khoảng 4.327m2.
 
Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo Công ty CP Thái Sơn E&C thực hiện tốt việc quản lý mỏ. Khai thác đúng chỉ giới được cấp phép. Các phương tiện tham gia khai thác của Công ty phải có biển hiệu của Công ty. Thả đầy đủ phao tiêu tại các điểm mốc ranh giới mỏ, cắm bổ sung các mốc giới bị hư hỏng hoặc bị mất.
 
Hầu hết các tàu thuyền đang khai thác ở khu vực xã Bình Phú đều không có biển số, nhãn hiệu. Thế nhưng không hiểu vì sao những chiếc thuyền, sà lan hút vẫn hoạt động hút trên sông Lô một cách rầm rộ mà không bị ngành chức năng kiểm tra, xử lý. Theo quan sát, các mốc giới cho phép Công ty CP Thái Sơn E&C khai thác cũng không được phân định rõ ràng. Khu vực bờ sông tiếp giáp với khu khai thác của Thái Sơn E&C còn hiện xuất thêm những dấu vết sạt lở mới và có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Cả khúc sông náo động bởi tiếng máy nổ của tàu hút cát, nước sông đục ngàu.
 
Trước tình hình khai thác cát gây sạt sở đất nông nghiệp ven sông Lô rất phức tạp, UBND tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Quyết định tạm dừng hoạt động khai thác cát, sỏi trên tuyến sông Lô địa bàn tỉnh Phú Thọ (từ  thành phố Việt Trì đến cuối huyện Đoan Hùng).
 
 

Khai thác đất trái phép kéo dài chưa bị cơ quan chức năng xử lý?

Người dân thôn An Hội Nam 2 (xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) phản ánh: Hàng ngày có hàng trăm lượt xe BKS 76, mang logo Công ty TNHH XD Khánh Văn ra, vào khai thác đất đồi trái phép mang đi bán công khai. Hoạt động này đã xảy ra trong nhiều năm.

Tình hình thực tế tại khu gò đồi, thuộc thôn An Hội Nam 2, xuất hiện hàng chục chiếc xe mang logo Khánh Văn đang tập kết lấy đất. 2 xe múc ở 2 vị trí khai thác (cách nhau khoảng 500m) sẵn sàng nổ máy hoạt động. Để vào sâu được bên trong khu vực khai thác đất, tất cả đều phải đi qua một con đường duy nhất. Gần vị trí khai thác, luôn có một người đi xe máy lượn lờ qua lại cảnh giới.

Về phía UBND huyện xác nhận trước báo chí, việc kiểm tra này tiến hành đột xuất sau khi có phản ánh của người dân, cũng như báo cáo của UBND xã Nghĩa Kỳ (báo cáo số 17/UBND ngày 18/3) về hiện tượng khai thác đất đồi trái phép ở thôn An Hội Nam 2.

khu-vực-khai-thác-đất-trái-phép-ở-thôn-an-hội-nam-2.jpg
Khu vực khai thác đất trái phép ở thôn An Hội Nam 2 (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị)

Kết luận của Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa sau khi kiểm tra tại khu đất gò đồi trên vào ngày 24/3 nêu: Qua kiểm tra ghi nhận, việc người dân tự ý hợp đồng chuyển nhượng, tổ chức khai thác đất trái phép diễn ra trước thời điểm kiểm tra trong thời gian dài trên địa bàn An Hội Nam 2.

Cụ thể, vị trí này có nguồn gốc đất của ông Huỳnh Văn Của, Huỳnh Mãi (người địa phương), hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất cho ông Nguyễn Anh Văn ở TP Quảng Ngãi để tổ chức khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, hiện trường không có phương tiện khai thác. Đồng thời, nghiêm túc phê bình Chủ tịch UBND xã Nghĩa Kỳ vì phát hiện vụ việc quá chậm, để xảy ra trong thời gian dài.

Do đó, để kịp thời chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng trên và làm cơ sở xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khai thác cát trái phép, huyện yêu cầu, giao UBND xã Nghĩa Kỳ khẩn trương, phối hợp với các ngành chức năng liên quan, cử các lực lượng để theo dõi, quản lý chặt chẽ, không cho các đối tượng tổ chức khai thác đất lén lút tại các vị trí đã phát hiện. Lâp biên bản biện trường, xác định đối tượng vi phạm.

Tuy nhiên, thực tế tại địa bàn, sau chỉ đạo của Phó Chủ tịch huyện, hoạt động múc trộm đất từ ngày 28/3 đến nay vẫn diễn ra như bình thường.

 

Phạt doanh nghiệp tự ý san lấp đất trồng lúa

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Bùi Thế Cử vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát.

Theo quyết định xử phạt, Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã thực hiện hành vi vi phạm chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, công ty này đã tự ý san lấp mặt bằng với diện tích 2,7ha đất trồng lúa khi chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Với hành vi trên, Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát bị phạt tiền 160 triệu đồng, đồng thời phải dừng ngay việc tự ý san lấp mặt bằng; hoàn thiện hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất để thực hiện dự án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Quyết định xử phạt được giao cho ông Bùi Trọng Nhân - người đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát để chấp hành, nếu cố tình không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

ubnd-tỉnh-hưng-yên-từ-chối-tiếp-nhận-các-dự-án-đầu-tư-mới-của-các-doanh-nghiệp-đã-cố-tình-vi-phạm-trong-hoạt-động-đầu-tư-xây-dựng-đất-đai-trên-địa-bàn.jpg
UBND tỉnh Hưng Yên từ chối tiếp nhận các dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp đã cố tình vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai trên địa bàn. (Nguồn:TPO )

Được biết, Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát được UBND tỉnh Hưng Yên cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án ''Trung tâm thương mại và khu tổ hợp sản xuất chế biến gỗ, lắp rắp đồ điện tử'' với quy mô diện tích khoảng 100.000 m2 tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ.

Mục tiêu của dự án là xây dựng trung tâm thương mại, sản xuất gỗ ván sàn, gỗ ghép thanh, gỗ xây dựng, đồ gỗ nội thất, ngoại thất để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, sản xuất linh kiện và lắp ráp đồ điện tử dân dụng. Tuyên nhiên, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý Công ty Cổ phần Phúc Đại Cát đã tự ý san lấp mặt bằng trái phép.

Tại một diễn biến khách, UBND tỉnh Hưng Yên vừa ký văn bản gửi các sở ngành, UBND thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động đầu tư, xây dựng của các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nội dung văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có một số đơn vị đã tự ý tiến hành san lấp mặt bằng, xây dựng các công trình để thực hiện dự án đầu tư khi chưa hoàn thiện các thủ tục hành chính về đất đai, xây dựng.Các hành vi trên là vi phạm pháp luật, chấp hành không nghiêm các chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của tỉnh.

“Để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở ngành tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng, đất đai theo chức năng được vụ được giao… Đồng thời, từ chối tiếp nhận các dự án đầu tư mới, mở rộng của các doanh nghiệp đã cố tình vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai trên địa bàn'', văn bản của UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các doanh nghiệp đang triển khai thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong việc thực hiện và hoàn thiện các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, đất đai theo quy định của pháp luật; không được tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hay chấp thuận, thực hiện không đúng nội dung được cấp phép…

 

 

Hữu Thắng (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top