Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 9 năm 2016 | 2:57

Mô hình 3 cùng ở Kim Bảng

Muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì việc ứng dụng khoa học công nghệ (giống, kỹ thuật, cơ giới hóa...) cũng như xây dựng cánh đồng lớn là việc làm quan trọng và cần thiết. Mô hình trình diễn giống lúa VT - NA2 trong vụ xuân 2016 của xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng - Hà Nam) phần nào đáp ứng được yêu cầu trên.

Mô hình cánh đồng mẫu tại xã Tượng Lĩnh vụ xuân 2016.

Mô hình trình diễn giống lúa VT - NA2 hướng tới mục tiêu đưa những giống lúa mới có tiềm năng năng suất, chất lượng vào sản xuất nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hóa, hạn chế về năng suất, tính chống đổ và nhiễm sâu bệnh, đồng thời đánh giá hiệu quả tổ chức thực hiện cánh đồng mẫu gắn với tiềm năng triển vọng về năng suất và khả năng thích ứng của giống VT-NA2, phân bón NPK Sao Vàng và sử dụng máy cấy, từ đó đề xuất các giải pháp ứng dụng hiệu quả.

Trong việc triển khai xây dựng cánh đồng mẫu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) đã tham mưu cho xã Tượng Lĩnh tổ chức thực hiện 1 cánh đồng với quy mô  32,32ha tại Cửa Huỳnh - Đồng Hóp thôn Phúc Trung và thôn Lưu Giáo với tiêu chi 3 cùng: cùng giống, cùng phân bón, cùng phương thức sản xuất có nghiên cứu vận dụng phù hợp với đồng đất địa phương.

Về cùng giống, mô hình tổ chức thực hiện trên 2 giống Khang dân 18 (12ha) và giống mới VT-NA2 (20,32ha); về cùng phân bón, dùng NPK Sao Vàng cho lúa Khang dân 18, sử dụng NPK Văn Điển cho giống VT-NA2 theo quy trình kỹ thuật. Việc sản xuất theo một phương thức, nghĩa là thời vụ lịch gieo cấy được chỉ đạo và thực hiện nghiêm tới từng nông hộ, 100% diện tích mạ nền cứng.

Nhằm so sánh giữa phương thức cấy truyền thống và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thôn Phúc Trung tổ chức cấy bằng máy cấy Ham Co, còn thôn Lưu Giáo cấy bằng tay theo phương thức truyền thống. Đây cũng là điều kiện để so sánh các phương thức cấy nhằm tìm ra điểm mạnh để tuyên truyền và điểm hạn chế để khắc phục.

Lấy Khang dân làm đối chứng, việc khảo nghiệm đánh giá giống lúa VT-NA2 cho thấy: VT-NA2 là giống có hạt vỏ mỏng, tốc độ chín nhanh hơn Khang dân 18. Với mật độ cấy trung bình 41 khóm/m2, số bông hữu hiệu, số hạt chắc trên bông lúa VT-NA2 cao hơn đôi chút so với Khang dân 18. Ước tính năng suất thực thu của giống VT-NA2 đạt khoảng 67,2 tạ/ha (242 kg/sào), trong khi Khang dân 18 đạt 215kg/sào. Giống trình diễn có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương và cho năng suất cao hơn so với đối chứng lúa thuần 12,4%. Mức độ sâu bệnh hại của mô hình ít nên giảm được chi phí, cho lãi thuần trên 700.000 đồng, cao hơn so với cấy lúa Khang dân 18 là 100.000 đồng/sào, tương ứng 2,8 triệu/ha (1 sào Bắc Bộ = 360m2).

Để thực hiện đưa máy cấy Ham Co vào đồng ruộng, thôn Phúc Trung đã triển khai cấy trên diện tích 12ha, thành lập tổ dịch vụ gồm 15 người trực tiếp làm các khâu dịch vụ như: sục cỏ làm bùn, gieo mạ tập trung, phủ nylon cho mạ… Gia đình chị Trần Thị Hải (thôn Phúc Trung) có diện tích 4 sào được quy hoạch tại cánh đồng mẫu đã được tập huấn kỹ thuật và tham gia cấy bằng máy, sử dụng phân bón NPK Sao Vàng. Chị Hải cho biết: Các hộ đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chống đổ tốt, ít sâu bệnh, giảm chi phí đáng kể.

Mô hình máy cấy cho số bông hữu hiệu đạt 236-237 bông/m2, năng suất khoảng 66,5 tạ/ha. Việc cấy bằng máy làm cho cây lúa thẳng hàng, khả năng sử dụng ánh sáng và lưu thông trong ruộng tốt hơn, cộng với sử dụng phân bón NPK Sao Vàng chuyên dùng bón lót và bón thúc đã giúp cho ruộng lúa phát triển cân đối, lá đứng thẳng, chống đổ cao. Vì vậy, gieo lúa bằng máy cấy sử dụng phân bón NPK Sao Vàng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện địa phương và cho năng suất cao hơn với đối chứng 11,4% (tương ứng 24kg/sào), lãi thuần 721.000 đồng/sào, cao hơn so với lúa cấy tay và sử dụng phân bón khác 262.800 đồng/sào. Việc cấy bằng máy tốt hơn cho những nơi có quỹ đất làm mạ, có thể hình thành tổ dịch vụ, đặc biệt là ở những nơi có ngành nghề phụ phát triển, nhân dân thiếu lao động đi cấy.

Qua mô hình này cho thấy, phát triển cánh đồng mẫu sẽ đáp ứng được việc ứng dụng những giống lúa mới, phân bón và chung phương thức sản xuất, tiện cho quá trình hướng dẫn chỉ đạo kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn gắn với nhu cầu của thị trường. Khảo nghiệm và trình diễn VT-NA2 có tính thích ứng với điều kiện đồng đất và khả năng thâm canh của người dân, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi, bộ lá đứng tăng cường khả năng sử dụng ánh sáng, chịu thâm canh, cứng cây. Phân bón Sao vàng có thể áp dụng với đồng đất địa phương cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với cây lúa, cho hiệu quả về năng suất, khả năng chống đổ, áp dụng cho giống lúa chịu thâm canh cao. Máy cấy đã giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng năng suất làm việc, thực hiện chuyên môn hóa gắn với cánh đồng mẫu có hiệu quả.

Mai Huê

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top