Tăng năng suất, tăng lợi nhuận, giảm chi phí sản xuất - đó là tính ưu việt của mô hình cánh đồng lớn. Nhờ tham gia mô hình này mà nhiều hộ nông dân ở Quảng Ngãi có thu nhập khá cao.
Tham quan mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại xã Nghĩa Dũng, TP. Quảng Ngãi.
Vụ hè thu 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các địa phương trong tỉnh triển khai mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa tại 3 cánh đồng thuộc thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành); đội 6, xã Bình Long (Bình Sơn) và thôn 1, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), với diện tích 60ha; sử dụng giống lúa VN121 và DT 45, cấp giống nguyên chủng với 583 hộ tham gia.
Mỗi cánh đồng (20ha) được nhà nước hỗ trợ 100% giống (1.800kg lúa), 30% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (1.320kg urê, 2.400kg lân Văn Điển, 720kg kali, 2.400kg vôi và 2,8 triệu đồng thuốc bảo vệ thực vật); phần còn lại nông dân tự đầu tư. Sản xuất trên cánh đồng lớn, bà con phải thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thống nhất từ khâu làm đất, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh, ruộng được gieo sạ cùng loại giống, cùng chế độ chăm sóc nên chi phí thấp hơn so với sản xuất đại trà, thu lãi cao hơn 4.120.000 đồng/ha. Cụ thể: chi phí sản xuất của ruộng đại trà 21.720.000 đồng/ha, ruộng mô hình 20.680.000 triệu đồng/ha, giảm được 1.040.000 đồng/ha; năng suất mô hình đạt 61,9 - 65 tạ/ha, đại trà 58-60 tạ/ha.
Cánh đồng lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở phát huy mối liên kết 4 nhà, trong đó, Trung tâm Khuyến nông là cầu nối gắn kết nông dân với các công ty và doanh nghiệp, từ cung ứng vật tư đến tiêu thụ sản phẩm. Với sự tham gia của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT, nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cao hơn thị trường (mua 1 kg lúa tươi tại ruộng trị giá bằng 1 kg lúa khô), từ đó tăng lợi nhuận, giúp bà con yên tâm sản xuất, hướng đến tạo ra thương hiệu gạo Quảng Ngãi chất lượng cao.
Theo đánh giá của nhiều hộ nông dân, mô hình cánh đồng lớn trong sản xuất lúa chất lượng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, mà còn đem lại hiệu quả rất lớn cho xã hội. Với phương pháp canh tác lúa cải tiến theo SRI đã giảm lượng giống sạ, sử dụng nước tưới vừa đủ, không lãng phí, giảm sử dụng thuốc BVTV và lượng phân đạm, giảm thất thoát sau thu hoạch, góp phần tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế suy thoái tài nguyên đất và nước…, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng.
Lệ Quyên
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.